Khó thực hiện khám sàng lọc sơ sinh

150 trẻ một buổi tiêm!
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau các sự cố liên quan đến vaccin Quinvaxem, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các tỉnh thành đều phải tiến hành các cuộc kiểm tra các điểm tiêm chủng, hiện có khoảng 30 tỉnh gửi kết quả. Thực tế cho thấy, việc khám sàng lọc trước tiêm gặp nhiều khó khăn bởi số trẻ trong một buổi tiêm chủng quá đông (có điểm tiêm có hơn 100 - 150 trẻ, thậm chí hơn), trình độ cán bộ không đồng đều…

Sau sự cố này, Bộ nhận thấy việc tiêm chủng quá đông dễ có nguy cơ xảy ra sai sót nên đã yêu cầu mỗi điểm tiêm không quá 50 trẻ. Đặc biệt, mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lọc trước khi tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định

“Việc khám chỉ định là rất khó khăn, trẻ nhỏ bệnh bẩm sinh thì rất khó phát hiện, nhất là thăm khám trong điều kiện thời gian rất ngắn. Dù ngành y tế vẫn có những quy định yêu cầu phải khám nhưng trên thực tế việc khám đó rất khó có thể phát hiện được hết tất cả các vấn đề. Cán bộ y tế chủ yếu hỏi mũi tiêm trước có biểu hiện như thế nào để lựa chọn mũi tiêm tiếp theo, khám các biểu hiện bên ngoài (sốt, dị dứng nổi mẩn da)… còn việc khám sàng lọc khó phát hiện tất cả những vấn đề khác (bệnh lý có liên quan)”, ông Bình nói.

Thực tế tại các cơ sở, việc khám sàng lọc này cũng rất hạn chế. Như tại Cần Thơ, kết quả kiểm tra các cơ sở tiêm chủng công lập và tư nhân từ ngày 19/6 – 28/6, cho thấy tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn (7 cơ sở) chỉ hai cơ sở tư nhân có phòng khám chuyên biệt tư vấn trước tiêm. Các cơ sở lại không có phòng khám chuyên biệt, dù vẫn thực hiện tư vấn và chỉ định theo quy trình. Đáng nói, việc khám tư vấn, chỉ định có thực hiện, nhưng trình độ cán bộ tư vấn tại các điểm tiêm không đồng đều (các cơ sở y tế công chỉ là cán bộ trung cấp, các cơ sở tư nhân nhân là các bác sỹ).

Tại Quảng Trị, nơi xảy ra sự cố khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccin viêm gan B, khi thực hiện thanh tra toàn diện về tiêm chủng tại các trung tâm trong vòng 16 ngày (từ 10/6 – 26/6), kết quả kiểm tra đều rất tốt đẹp. Trong 10 cơ sở chỉ 1 cơ sở không đạt điều kiện bảo quản; 2 cơ sở không đạt về ghi chép sổ sách, chứng từ (ghi chép sổ sách trong bảo quản vaccin còn ghi thiếu nhiệt độ, không lưu giấy kiểm tra chất lượng khi nhập vaccin, kho bảo quản thiếu thông gió, lưu vỏ vaccin đã sử dụng không đúng quy trình. Cán bộ kho có trình độ chưa phù hợp theo quy định. Cán bộ bảo quản vaccin chưa được tập huấn cập nhật kiến thức về thực hành tốt bảo quản thuốc.

Tại Nam Định, mỗi đợt tiêm chủng số trẻ đến tiêm chủng quá đông nên tư vấn bị hạn chế, chưa đảm bảo lưu theo dõi sau tiêm đủ 30 phút. Một số cán bộ y tế tham gia tiêm chủng nhưng chưa được tập huấn về tiêm chủng an toàn. Một số trạm y tế hộp thuốc chống sốc chưa đủ chủng loại, số lượng…

Tại Hải Phòng, việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn, tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng và lợi ích, rủi ro khi tiêm, khám để loại trừ những trường hợp có chống chỉ định trước khi tiêm, kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiền sử, kiểm tra vaccin sinh phẩm trước tiêm chỉ đạt 72%. Sau khi tiêm chủng, theo dõi tình trạng sức khỏe người được tiêm tối thiểu 30 phút, hướng dẫn chăm sóc tại nhà chỉ đạt 72%.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Là người làm trong lĩnh vực nhi khoa, sơ sinh trong nhiều năm, tôi thấy, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ em sơ sinh là cần thiết và phải đảm bảo trẻ được khám loại trừ tốt. “Rất khó để đánh giá sức khỏe các bé, có rất nhiều em bé tiền sử sơ sinh khỏe mạnh, mẹ khỏe mạnh, sau đẻ 6 - 7 giờ sau vẫn khỏe nhưng ngay sau đó đã có thể diễn biến bệnh. Nếu không phát hiện để loại trừ, tiêm vaccin sẽ tăng rủi ro cho trẻ do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có. Vì thế, nếu tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì chúng ta phải có được một quy trình tốt. Dứt khoát phải có khám cho trẻ sơ sinh. Tại những cơ sở nào có khám sàng lọc tốt cho trẻ sơ sinh thì mới tiêm cho trẻ. Dù việc khám sơ sinh rất khó khăn, với bác sỹ chuyên ngành sơ sinh còn rất khó”, PGS.TS Dũng nói.

Buộc ký cam kết trước khi tiêm?
Theo TS. Nguyễn Văn Bình, việc một số cơ sở tiêm chủng yêu cầu gia đình ký cam kết trước tiêm là không cần thiết và trái với luật quy định.

Hiện nay, một số bệnh viện dừng tiêm vaccin viêm gan B trong 24h đầu là sai, bởi chỉ dừng tiêm 2 lô vaccin gây tai biến ở Quảng Trị chứ các lô khác vẫn tiêm như thường. Hơn nữa, tiêm chủng mở rộng nằm trong mục tiêm chủng bắt buộc theo điều 25 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, vì nó là chương trình rất rộng lớn, nhà nước bảo trợ, tiêm miễn phí mục đích không chỉ bảo vệ những trẻ được tiêm mà nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe chung cho cả cộng đồng.

Liên quan đến vaccin cũ - mới, theo TS. Bình, mọi người quan tâm đến vấn đề này vì cho rằng vaccin mới ít phản ứng hơn vaccin cũ. “Tuy nhiên, phản ứng phụ ở đây là phản ứng sốt, sưng tại chỗ tiêm, gây khó chịu cho các bậc cha mẹ sau khi cho con e đi tiêm, không phải là phản ứng chết người mà vẫn đưa ra sử dụng. Bởi trước khi đưa vaccin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng thì phải mất 5 - 7 năm, thậm chí hàng chục năm, qua rất nhiều các bước kiểm định, từ phòng thí nghiệm đến thử trên người tình nguyện, ra cộng đồng nhỏ, cộng đồng lớn… Quy trình kiểm tra gắt gao trước khi được sử dụng rộng rãi, vì thế không thể có vaccin nào có phản ứng phụ là gây chết người, nhưng nó gây ra những phản ứng có thể khác nhau như sưng, sốt… Thực tế, những thế hệ vaccin đó đã đi cùng chúng ta 25 năm nay và kết quả phòng bệnh của nó rất lớn …”, TS. Bình nói.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn