Mới đây, Bộ Y tế đưa ra quyết định dừng cho trẻ uống thuốc tẩy giun trong ngày vi chất dinh dưỡng. Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai cho hay, chương trình tẩy giun cho trẻ 24-60 tháng tuổi sẽ tạm dừng, một phần do hiện đang mùa dịch bệnh, việc tập trung quá đông trẻ cùng một thời điểm có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch. Một phần là do ngày 13/5, sau khi được uống thuốc tẩy giun, có bảy trẻ mầm non ở Nghệ An phải đi cấp cứu và chiều cùng ngày một bé tử vong. Theo bà Mai, dù một tháng nữa mới có kết luận cuối cùng, nhưng tạm thời Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng chương trình tẩy giun cho trẻ để điều tra nguyên nhân.
Dùng nên có sự chỉ định
Đã thành thói quen, cứ đến đầu hè, khi các con kết thúc năm học, gia đình chị Hạnh (Chương Mỹ - Hà Nội) lại cho các con tẩy giun. Lý giải điều này chị Hạnh cho biết vì mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ mất vệ sinh và các cháu lại được nghỉ học nên cần tẩy giun cho các cháu để tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, vừa qua khi có thông tin về ca tử vong sau dùng thuốc tẩy giun, chị Hạnh tỏ ra lo ngại và đắn đo không biết có nên tẩy giun cho con hay không.
Cũng trong tâm trạng với chị Hạnh, rất nhiều bà mẹ đắn đo không biết có nên tẩy giun cho con trong đợt hè này hay không. Theo chị Thanh (Thanh Trì - Hà Nội) chia sẻ, nhà mình có 2 cháu, cháu lớn năm nay 6 tuổi đã tẩy giun 2 lần, cháu nhỏ hơn gần 3 tuổi chưa tẩy giun lần nào. Đợt hè này mình có ý định tẩy giun cho cả hai anh em. Nhưng sau khi có thông tin về việc tạm dừng tẩy giun cho trẻ mình đang không biết có nên tẩy cho các cháu nữa không.
Theo bác sĩ Ngô Kim Xuân (Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa) các loại thuốc tẩy giun đang lưu hành đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên đây là loại thuốc bán theo đơn nên khi sử dụng phải có chỉ định và tư vấn của bác sĩ.
Thực tế có trẻ nhiều năm không tẩy giun, điều này là không nên vì giun chiếm chất dinh dưỡng của chúng ta và còn gây một số biến chứng làm tổn hại sức khỏe. Do vậy, nên tẩy giun để đảm bảo sức khỏe, nhất là trẻ em tuổi học đường nhưng không được dùng bừa bãi. Chỉ tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa đi khám để làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, làm cho bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun
Theo bác sĩ Xuân, khi tẩy giun cho trẻ, các bà mẹ cũng cần những lưu ý nhất định về thuốc tẩy giun vì không phải ai cũng có thể tẩy giun. Có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun vì vậy cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe bé trước khi quyết định tẩy giun cho con. Nếu trẻ mắc một số bệnh mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt... không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy, phải có chỉ định, có sự theo dõi của bác sĩ.
Bên cạnh đó, thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, nôn, nổi mề đay, mệt... với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc.
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun phải uống sau khi ăn no. Nếu sau khi uống mà mệt, cần bổ sung nước, nước đường, sữa... thì các triệu chứng sẽ mất dần. Nếu trẻ có biểu hiện mệt nặng, nôn thì nên vào viện ngay để có hướng điều trị đúng.
Mọi người nghĩ uống thuốc tẩy giun, phải nhịn đói để giun đói và nhanh chết. Đây là quan niện sai lầm bởi cơ chế hoạt động của thuốc tẩy giun là ức chế giun hấp thu glucose nên dù ăn gì giun cũng không sống được.
Điều quan trọng là phải phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống tốt (vệ sinh phân, nước, rác, chống ruồi, nhặng, gián...) và có ý thức vệ sinh ăn uống, định kỳ tẩy giun 6 tháng một lần.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn