Hiện nay có xu hướng gia tăng người mắc bệnh tâm thần và nhiều vụ án do người tâm thần gây án với mức độ nguy hiểm. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo xây dựng chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 tổ chức ngày 4/8.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, theo điều tra của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, có khoảng 14,9% dân số Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có gần 1 bác sỹ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân, so với trung bình thế giới là 3 bác sỹ chuyên khoa tâm thần/100.000 dân.
Những người bị bệnh tâm thần phân liệt là đối tượng cần phải điều trị và theo dõi lâu dài. Nhưng hiện mới có khoảng 80% bệnh nhân tâm thần mãn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng xã/phường. Ngay cả khi được theo dõi và điều trị bằng thuốc thì vẫn có tới 50% hay tái phát, 25 - 30% thỉnh thoảng tái phát và 20 - 25% ổn định gần như khỏi sau 5 năm điều trị tích cực.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đang phải đối mặt với áp lực từ các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh về sức khỏe tâm thần. Việc thiếu hụt cán bộ y tế chuyên ngành tâm thần đã khiến công tác chăm sóc, quản lý và điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần nhằm đưa ra các định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách toàn diện là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực; phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần…
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong số các quốc gia chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa phát triển toàn diện. Dự án bệnh viện sức khỏe tâm thần cộng đồng hiện đang tập trung vào bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. Trong đó, các dịch vụ cung cấp cho người bệnh chủ yếu là điều trị bằng hóa dược, chưa phát triển đúng mức dịch vụ hỗ trợ tâm lý và phục hồi chức năng cho người bệnh. Đặc biệt việc thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện về chăm sóc sức khỏe tâm thần, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành với sự phân công trách nhiệm rõ ràng của các bộ, cơ quan liên quan là một trong những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe tâm thần không chỉ là không có các rối loạn tâm thần, mà là tình trạng khỏe mạnh, trong đó mỗi cá nhân nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường của cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả, sinh lợi và có thể tham gia, đóng góp cho cộng đồng. |
Bình luận của bạn