Bỗng dưng bị... điếc


Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi tái khám cho một bệnh nhân bị điếc đột ngột - Ảnh: My Lăng

Sau một buổi sáng thức dậy, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, 57 tuổi, (TP Vũng Tàu) bỗng thấy như có luồng điện chạy thẳng vào trong tai rồi đột ngột ù hẳn hai tai. Bà tưởng đêm qua tóc chui vào tai làm ù tai, lấy bông tai ngoáy thử tai vẫn cứ ù ù như thế. Đến đêm đó, bà bị xây xẩm mặt mày, chóng mặt không ngồi dậy được, không nghiêng phải nghiêng trái được, mọi người phải bế ngửa khi đi cấp cứu.

Tưởng bệnh nhẹ

Qua 12 ngày chữa... rối loạn tiền đình, bà đã ngồi dậy được nhưng phát hiện tai bên phải không nghe thấy gì. "Tôi nói với chồng con là bị điếc nhưng người nhà bảo có thủng màng nhĩ đâu mà điếc. Đến khi tôi báo với bác sĩ tình trạng thì được chuyển ngay lên Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM", bà Tâm kể. Tại đây, bà Tâm được chẩn đoán bị điếc đột ngột cấp độ 4 (nặng) và được cấp cứu ngay lập tức. Sau một thời gian điều trị nội trú, tai trái bà Tâm đã nghe được nhưng tai phải bị điếc sâu. Bà Tâm buồn bã: "Tôi nhập viện muộn quá, từ ngày bị choáng đến khi vào viện đã 12 ngày. Nếu vào sớm hơn thì khả năng phục hồi tốt hơn".

May mắn hơn bà Tâm, bà Thanh Hương, 40 tuổi (Q.Bình Tân, TP.HCM), một cán bộ công chức nhà nước, đang điều trị nội trú tại phòng điếc đột ngột nữ (khoa tai đầu mặt cổ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) cho biết: "Tôi vừa bị ù tai, nghe không rõ là đến bệnh viện ngay. May mà vào sớm, cứ chủ quan ở nhà uống thuốc vớ vẩn còn nặng hơn, khó chữa hơn. Lúc đầu vô viện tôi bị điếc cấp độ 4. Sau mấy ngày uống thuốc thì vừa rồi bác sĩ bảo đã phục hồi về cấp độ 1".

Bệnh không có triệu chứng báo trước

Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi - trưởng khoa tai đầu mặt cổ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết nguyên nhân của bệnh điếc đột ngột rất phức tạp và chưa rõ ràng. Song bệnh thường bắt nguồn từ nhiễm siêu vi (quai bị, zona, cúm, sởi...) làm tổn thương tế bào thần kinh ốc tai hoặc do những bệnh về mạch máu (do co thắt mạch máu cục bộ, nghẽn tắc mạch máu, máu tới nuôi dưỡng tai thiếu... nên bị tổn thương những tế bào thần kinh thính giác, thường xảy ra ở người cao huyết áp, xơ vữa động mạch) hoặc do thần kinh bị kích thích (làm việc quá căng thẳng, stress) hay do bệnh nội khoa (tiểu đường, xơ vữa tĩnh mạch...)...

Điều nguy hiểm là bệnh điếc đột ngột không có triệu chứng báo trước. Có khi ngủ một đêm, sáng dậy cảm thấy chóng mặt, ù tai như ve kêu (80-90% bệnh nhân nhập viện đều có biểu hiện này), như có tiếng sóng vỗ hoặc như cối xay lúa trong tai. Tiếng kêu nhiều hay ít tùy mức độ bệnh. Sau đó bệnh nhân sẽ giảm thính lực rồi điếc, điếc nhiều hay ít tùy mức độ nặng hay nhẹ. Hoặc đang nghe tivi tự dưng không nghe thấy nữa hoặc bỗng nhiên âm thanh giảm đi. Ù tai này khác với ù tai khi đi máy bay, sau khi hỉ mũi mạnh...

Bác sĩ Lợi cảnh báo: "Điếc đột ngột có thể xảy ra trong vài giờ, vài ngày. Nhưng nếu không phát hiện bệnh sẽ kéo dài cả tháng, thậm chí có khi 4-6 tháng. Thường bệnh nhân đến trễ, chủ yếu từ bảy ngày trở lên. Chỉ có 20-30% bệnh nhân vào trong mấy ngày đầu. Có người 2-3 tháng đi chữa lòng vòng mới tới. Nhiều người cứ làm việc, họ quen với tiếng ồn, không để ý vì thấy không ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó có bệnh nhân đến khi tai đã tổn thương ở mức độ 4 (điếc nặng).

Theo bác sĩ Lợi, nếu phát hiện sớm một vài ngày đầu (mới bị cho đến dưới một tuần) thì kết quả điều trị khả quan hơn, phục hồi được 70-80% thính lực. Nếu vào trễ (trên một tuần trở đi) kết quả điều trị giảm dần, chỉ hồi phục được khoảng 30-40% thính lực. Nếu trễ hơn nữa kết quả điều trị không đạt, có thể điếc đặc! "Tuy nhiên, dù phát hiện và điều trị sớm vẫn không bao giờ lấy lại được hoàn toàn 100% thính lực mà vẫn để lại di chứng", bác sĩ Lợi khẳng định.

Ù tai, chóng mặt đến ngay bệnh viện

Ghi nhận tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, số bệnh nhân bị điếc đột ngột có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2012 trung bình mỗi tháng khoảng 67 trường hợp bệnh nhân điếc đột ngột. Con số này đến năm 2013 là 73 ca/tháng. Khu điều trị nội trú khoa tai đầu mặt cổ có hơn 20 bệnh nhân đang điều trị nội trú nhưng có lúc lên đến 30 người. Ngay tại phòng điếc đột ngột nam hiện có người phải nằm chung giường với người khác vì hết giường. Có lúc bệnh nhân phải nằm ba người trên hai giường ghép lại.

Xã hội công nghiệp, áp lực làm việc ngày càng tăng; học sinh sinh viên áp lực bởi chuyện học hành, thi cử; nhất là lực lượng trí thức, cán bộ công chức nhà nước làm việc bằng trí óc nhiều; những người làm ở các ngành nghề liên quan đến con số, tiền bạc như tài chính, ngân hàng, kiểm toán, thủ quỹ... Rồi chuyện sinh hoạt ăn uống, sử dụng rượu bia, chất kích thích... Đó là những lý do mà trưởng khoa tai đầu mặt cổ giải thích cho tình trạng bệnh điếc đột ngột có xu hướng tăng những năm gần đây.

Ông cũng khuyến cáo: "Những người bị bệnh nội khoa (tim mạch, tiểu đường, huyết áp, tĩnh mạch...), các bệnh viêm nhiễm siêu vi nên điều trị tích cực và nghỉ ngơi. Không dùng các chất độc hại (thuốc lá, rượu bia, chất kích thích...). Chúng ta cần tránh không để những trạng thái cảm xúc lên quá mức (giận dữ, bực tức...), tránh làm việc trong tiếng ồn lớn quá nhiều. Đang làm việc căng thẳng, đang bị bệnh nhiễm siêu vi hay vừa trải qua cú sốc về tình cảm... mà bị ù tai (có người kèm theo chóng mặt), giảm thính lực đột ngột phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt".

Điếc đột ngột xảy ra bất kể lứa tuổi nào"

Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi cảnh báo như vậy. Trước đây bệnh thường xảy ra ở tuổi trưởng thành và người lớn nhưng giờ có cả trẻ nhỏ. Có ca 6-7 tuổi đã bị điếc đột ngột. Phát hiện bệnh điếc đột ngột ở trẻ em thường khó hơn người lớn. Năm 2012 Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận 45 ca trẻ em dưới 16 tuổi, trong sáu tháng đầu năm 2013 có 21 ca. Trong những năm gần đây, độ tuổi bệnh nhân bị điếc đột ngột từ 16-30 tuổi chiếm 30-40%, từ 31 tuổi trở lên chiếm 60-70%.




linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin