Chung tay đẩy lùi dịch HIV/AIDS
Việt Nam: Số người mắc HIV đứng thứ 5 khu vực
Người nhiễm HIV tham gia BHYT còn thấp
Thuốc điều trị HIV có thể chữa bệnh thoái hóa điểm vàng
Chữa khỏi ung thư máu bằng virus HIV
Phấn đấu 90% số người nhiễm HIV được điều trị
Việt Nam là nước có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. đến 30/9/2014, toàn quốc đã có 224.223 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có hơn 70.000 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Trong suốt 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương; mạng lưới Phòng chống HIV/AIDS rộng khắp toàn quốc; Việt Nam đã có nhiều mô hình thực hành tốt, áp dụng các tiến bộ trên thế giới, huy động được sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong vòng 6 năm trở lại đây, chúng ta đã kiểm soát được dịch HIV trong cộng đồng dân cư trên cả 3 phương diện: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới.
Khó khăn
Ngoài những kết quả khả quan đã đạt được trong việc phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Dù Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV/AIDS mới trong 25 năm qua, theo đó đã giảm số người tử vong do AIDS, giảm số ca mắc mới, nhưng với con số khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ những tồn tại trong công tác phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: vaac.gov.vn)
Tại Việt Nam tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Một số tỉnh, một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng và đã cao hơn đường lây nhiễm vốn phổ biến là đường máu. Hậu quả kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em.
Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Cụ thể, các dịch vụ về can thiệp giảm tác hại như phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone mới chỉ bao phủ được từ 30 - 50% và có thể sẽ không tăng trong những năm tới do không đủ kinh phí để triển khai mở rộng chương trình.
Hiện nay, thuốc điều trị ARV có tới 95% thuốc do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ, trong những năm tới nguồn viện trợ giảm, sẽ rất khó khăn cho việc duy trì và mở rộng điều trị ARV. Tình trạng gián đoạn điều trị ARV do không có thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện HIV kháng thuốc, thất bại điều trị, phải chuyển sang phác đồ điều trị ARV bậc 2, bậc 3 với chi phí cao hơn nhiều. Nếu không có các thuốc ARV thay thế sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tật, tử vong ở người nhiễm HIV và gia tăng số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.
Việc cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV sẽ gặp khó khăn do các nguồn viện trợ giảm (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS cũng đang ngày càng giảm. Nhiều nhà tài trợ đã dừng viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Một số nhà tài trợ khác cũng đang giảm nhanh quy mô và sẽ dừng viện trợ trong thời gian ngắn sắp tới. Nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia cho phòng chống HIV/AIDS cũng cắt giảm từ 245 tỷ đồng năm 2013, cắt 2/3, xuống còn 83 tỷ đồng năm 2014. Ngoài ra, kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là một trở ngại ngăn các nhóm quần thể có nguy cơ chính sử dụng các dịch vụ HIV.
Không kỳ thị…
Theo ông Nguyễn Thanh Long: “Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đang xảy ra ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Phân biệt đối xử đã làm hạn chế một số quyền cơ bản của con người như quyền được chăm sóc sức khỏe, được học hành, lao động và mưu cầu hạnh phúc. Để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, mỗi người cần phải từ bỏ các quan niệm sai lầm về căn bệnh này; tự loại bỏ những sợ hãi không đáng có và mở rộng lòng yêu thương, bao dung của mình với người bệnh”.
Đi bộ diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: vaac.gov.vn)
Năm 2014, Việt Nam đã chọn chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để nhìn thẳng vào thực trạng phân biệt, đối xử đối với người nhiễm HIV, đồng thời khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này…
TS NGuyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng: “Truyền thông phải tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt thông thường trong gia đình và xã hội hàng ngày... Hơn nữa, phải rà soát, thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có tính chất ‘hù dọa’, làm cho người dân ghê sợ HIV/AIDS một cách quá mức”.
Để thiết thực hơn nữa, các gia đình và các tổ chức xã hội cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời người nhiễm HIV/AIDS cần tăng cường trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội. Tạo điều kiện cho mọi người dân và đưa người nhiễm HIV phải trở thành một chủ thể tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Bình luận của bạn