Phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN: Cần phải có nguồn tài chính bền vững

Mục tiêu chính của Cuộc họp nhằm củng cố cam kết của ASEAN trong công tác bảo đảm tài chính, nâng cao tính tự chủ và lãnh đạo của các quốc gia ASEAN để đẩy mạnh hoạt động phòng chống HIV/AIDS cấp quốc gia và cấp khu vực; chia sẻ các cơ hội và sáng kiến để huy động tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang được thực hiện ở các quốc gia ASEAN; đồng thời thống nhất phương án tài trợ bền vững cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại các quốc gia ASEAN trong giai đoạn sau năm 2015.

Cuộc họp do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì với sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế và trong nước cùng thảo luận, đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động nguồn vốn tài chính bền vững cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN.


Hội nghị khu vực Tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN


Sự cần thiết của việc huy động tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS

Xuất phát từ thực tế các nước thành viên ASEAN đang trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nguồn vốn tài trợ quốc tế giảm nên đòi hỏi phải có kinh phí quốc gia để hỗ trợ các chương trình phòng chống AIDS.

Tại các nước ASEAN, nguồn tài chính trong việc phòng chống HIV/AIDS đang bị thiếu hụt. Cụ thể, để giảm ca nhiễm mới và tử vong, đạt mục tiêu thanh toán các ca lây nhiễm từ mẹ sang con cũng như giảm gành nặng bệnh tật trong nhóm có hành vi nguy cơ cao thì nhu cầu nguồn lực tài chính của khu vực cần 1.250 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, nguồn lực hiện có của khu vực chỉ ở khoảng 730 triệu USD/năm. Tức là, nguồn lực tài chính thiếu hụt khoảng 520 triệu USD/năm. Do đó, cần phải có thêm nguồn tài chính để thực hiện được những mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của khu vực.

Hiện vẫn còn thiếu hụt các khoản tài chính quan trọng chi tiêu cho các vấn đề pháp lý và quyền con người trong phòng chống HIV. Một nghiên cứu của UNAIDS năm 2014 cho thấy:

- 59% các tổ chức xã hội dân sự hoạt động về quyền con người báo cáo rằng nguồn tài chính cho các chương trình này đang bị suy giảm.

- Gần 70% các tổ chức này không tiếp cận được các nguồn tài chính trong nước cho các hoạt động của họ.

Những việc cần làm để duy trì tài chính bền vững

Để duy trì sự bền vững về tài chính, cần phải có vai trò lãnh đạo và chủ động của từng quốc gia để đáp ứng hiệu quả hơn với HIV/AIDS. Các công việc cần thiết là tăng tỷ trọng đầu tư trong nước cho phòng chống HIV/AIDS; giảm tình không hiệu quả của các hàn động tạo ra tác động lớn, tăng hiệu quả và hiệu suất của chi phí; tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức trong khối ASEAN –lồng ghép một cách nhất quán các thông điệp về phòng chống HIV/AIDS.; vận động chính sách để hỗ trợ quỹ Toàn cầu-khu vực tư nhân, các đối tác phát triển, quỹ, tổ chức từ thiện...

Mấu chốt để vận động chính sách thành công là căn cứ vào những số liệu đã có về HIV/AIDS; các bài học thành công ở một số nơi, điển hình là thành phố Cần Thơ và đặt phòng chống HIV/AIDS vào công cuộc phát triển kinh tế -xã hội của quốc gia.

Các nước ASEAN có thể giảm một cách cơ bản tới 90% các ca nhiễm HIV mới và tử vong liên quan đến AIDS để hoàn tất được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với đầu tư sáng suốt hơn và thực thi các chương trình có hiệu quả hơn.

CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn