Nhiễm khuẩn bệnh viện gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Chị Tâm (quận 3, TP HCM) vừa về nhà sau gần một tháng nằm viện vì phẫu thuật cắt ung thư đại tràng. “Những người mổ như tôi chỉ nằm viện một tuần rồi về. Nhưng bác sĩ chẩn đoán miệng nối đại tràng bị xì, bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên phải nằm đây cả tháng trời”. Đây là một trong số những bệnh nhân mắc phải nhiễm khuẩn bệnh viện. Theo đó, nhiễm khuẩn bệnh viện là những lây nhiễm người bệnh mắc phải trong 48 - 72 giờ sau khi nhập viện.

“Tất cả các bệnh nhân khi nhập viện đều đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, từ viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng ổ bụng... Đặc biệt, với bệnh nhân trải qua thủ thuật xâm nhập như phẫu thuật, dù trong điều kiện nào thì 90% các vết mổ khi khâu lại đã có sự hiện diện của vi trùng. Nhiều người bệnh có tâm lý chịu đau kéo dài mới vào viện, khiến việc mổ trễ, mổ nhiều lần dẫn đến nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể gây sốc nhiễm trùng. Tại những nước tiên tiến nhất trên thế giới như Mỹ, dù được can thiệp đúng nguyên tắc, sử dụng thuốc tốt, tỷ lệ tử vong rất cao, đến 35%”, Giáo sư, bác sĩ Lê Quang Nghĩa, chủ tịch hội Phẫu thuật tiêu hoá TP HCM nhận định.

Nhiễm khuẩn bệnh viện gây quá tải và giảm chất lượng, trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Nguyên nhân là do chưa đủ nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, bệnh viện quá tải, đánh giá về sự nguy hiểm của nhiễm khuẩn bệnh viện còn chưa đúng mức.

Theo các chuyên gia y tế, biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện là vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cũng cần phải thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi…

Kháng sinh cũng hữu hiệu để chống nhiễm trùng bệnh viện đối với nhiễm trùng ngoại và nội khoa. Đặc biệt với nhiều loại phẫu thuật có nguy cơ rủi ro cao, nếu biết dùng đúng kháng sinh sẽ có tác dụng tốt trong việc chống lại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng, xuất hiện nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị. Mỗi khi kháng được một loại kháng sinh, vi khuẩn trở nên nguy hiểm hơn. "Việc nghiên cứu và sản xuất ra kháng sinh mới có thể kéo dài đến vài chục năm, trong khi tiến trình đề kháng kháng kháng sinh của vi khuẩn diễn ra rất nhanh. Do đó, hiện không nhiều hãng dược phẩm đầu tư vào thị trường này, dẫn đến khan hiếm nguồn kháng sinh", Giáo sư Nghĩa cho biết thêm.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin