Sau khi bị tố là kẻ giết người, ông Chấn còn được nhận bồi thường?

Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết mình không quan tâm tới những lời buộc tội của bà Hà

Sốc: "Vua kiện Bắc Giang" cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là kẻ giết người

Tiền đền bù án oan Nguyễn Thanh Chấn: Người dân phải gánh?

Nguyễn Thanh Chấn: Nhận được tiền đền bù tôi sẽ trả nợ, xây nhà

Ông Nguyễn Thanh Chấn đề nghị Nhà nước trả công "phá án"

Liên quan đến việc kiến nghị mới của bà Nguyễn Thị Thu Hà trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn hiện nay liệu có phải là tình tiết mới sẽ làm thay đổi bản chất vụ án nữa không, PV đã có trao đổi nhanh với Luật sư Lê Cao (Công ty Luật hợp danh FDVN tại Đà Nẵng).

Luật sư Lê Cao cho hay, hiện nay vụ án Lý Nguyễn Chung giết người khiến Nguyễn Thanh Chấn bị hàm oan đã có lịch đưa ra xét xử, khi có tin báo, kiến nghị của công dân liên quan đến vụ án thì đó có thể là nguồn chứng cứ hoặc có thể không.

"Do đó, đối với một vụ án vốn đã có rất nhiều vấn đề vi phạm tố tụng ngay từ đầu khi chỉ dựa chủ yếu vào các bằng chứng được tạo dựng trái pháp luật để xét xử, nay được lật lại thì tôi nghĩ phía Tòa án cũng rất cần cẩn trọng để xem xét kỹ lưỡng", LS. Lê Cao nhận định, "Thông tin của bà Hà cần được xem xét, thẩm định kỹ càng theo đúng trình tự xem có tính xác thực và liên quan đến vụ án hay không. Còn như hiện nay, ngoài sự tưởng tượng của một cá nhân người kiến nghị mà không có chứng cứ xác thực đi kèm thì nó rất khó được xem là chứng cứ của vụ án".

Vụ án này cho đến bây giờ vẫn chủ yếu dựa vào lời khai của các bên để xét xử, nếu không có một sự điều tra kỹ lưỡng, kết quả điều tra không tường tận và khách quan sẽ dẫn đến các hoài nghi pháp lý nảy sinh.

"Lý Nguyễn Chung xuất hiện và nhận tội đã làm thay đổi hoàn toàn vụ án, minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, vậy nên cũng có thể sẽ có một ông A, bà B nào đó đứng ra nhận là mình đã giết người để minh oan cho Lý Nguyễn Chung. Do đó, khi đánh giá kiến nghị, thông tin tố giác thì cần phải đặt nó vào trong bối cảnh chung của vụ án, xác minh xem thông tin, kiến nghị đó có liên quan hay không, giả dụ phải xác định bà Hà có phải là người biết được các tình tiết liên quan đến vụ án hay không, vì sao bà Hà biết được, hay là chỉ xem ti vi và đọc báo?", LS. Lê Cao lập luận.

Nền tố tụng của Việt Nam quá trọng cung

Do đây là vụ án hình sự nên cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động xem xét, đánh giá các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng nhất để có thể xác định toàn bộ các vấn đề. Muốn tránh oan sai thì không thể chỉ dựa vào các lời khai, nhưng đồng thời cũng không thể chủ quan, tảng lờ các vấn đề cần thiết cần được làm rõ từ phía các lời khai hay kiến nghị đôi khi là vu vơ như câu chuyện bà Hà.

Đối với kiến nghị Nhà nước chưa nên đền bù 7,2 tỷ đồng cho 10 năm oan sai của ông Chấn, LS Lê Cao cho rằng, vì ông Chấn đã được minh oan bằng quyết định có hiệu lực, đã có các quyết định về việc bồi thường nên câu chuyện bồi thường phải được thi hành.
LS Lê Cao nhận định: "Nền tố tụng chúng ta quá trọng cung, nên nhiều người nói vui rằng chỉ cần điều tra viên 'giỏi' lấy được lời khai là chẳng phải tìm tòi, khám phá, điều tra cái gì nữa. Tòa án cũng quen dựa trên các bản khai nhận của bị cáo để phán xử, và vì thế rủi ro pháp lý thì vô cùng lớn. Bởi khi làm cho người ta sợ rồi thì bảo người nhận mình là thỏ cũng không phải không có người nhận".

Việc bà Hà kiến nghị cũng cần xem xét một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, nếu xác định được bà Hà cố tình bịa đặt chuyện ông Chấn thuê người nhận tội thay thì lại là chuyện rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự.

"Chúng ta cần phải tạo dựng một hệ thống pháp luật tố tụng đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêng về trọng 'chứng' hơn là cách phụ thuộc quá nhiều vào 'cung' như hiện nay. Nếu không, chỉ cần một kiến nghị, lời nói vô thưởng vô phạt nào đó được phát ra cũng có thể làm điên đảo cả một vụ án. Đó là điều rất đáng lo ngại", LS Lê Cao nhấn mạnh.
PV H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn