Thu hồi thuốc kém chất lượng: Thu hồi trên văn bản?

Công ty Robinson Pharma bị xử phạt vì sản xuất thuốc kém chất lượng

Hàng loạt thuốc kém chất lượng bị rút số đăng ký lưu hành

Hiểm họa khôn lường từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Thuốc kém chất lượng: Chỉ "chết" bệnh nhân thôi!

Thu hồi 4 loại thuốc kém chất lượng

Thuốc kém chất lượng: Đầy đủ chủng loại, mẫu mã

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc đã phát hiện và thông báo thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có nhiều thuốc nhập khẩu. Nhiều công ty sản xuất thuốc của Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc đã bị rút giấy phép lưu hành như Umedica Laboratories Pvt., Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt., Ltd., Cure Medicines (I) Pvt., Ltd., Medley Pharmaceuticals Lt, Robinson Pharma...

Thuốc kém chất lượng với đủ các mẫu mã, chủng loại lưu hành trên thị trường

Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng (TCCL) rất đa dạng từ bao gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập ngoại từ kháng sinh như Cefaclo, Euroseafox, kháng viêm, giảm đau, corticoid, thuốc đau dạ dày, thuốc điều trị mất trí nhớ (Ginob Soft Capsules) tim mạch đến các loại vitamin, thuốc Đông dược....

Ngoài thuốc giả, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại thuốc kém chất lượng (KCL), không đúng thành phần đăng ký, không đủ hàm lượng. Các loại thuốc này có nhiều dạng khác nhau, từ không có hoạt chất, hoạt chất rất thấp không đúng với hàm lượng thuốc thật, cạo sửa hạn dùng, thuốc không có số đăng ký, mạo tên hoặc kiểu dáng công nghiệp, thuốc không đạt tiêu chuẩn về độ hòa tan... Mới đây nhất 2 loại thuốc Omepraglobe và thuốc Nestoflox vừa bị đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn độ hòa tan của thuốc

Thu hồi thuốc kém chất lượng: Thu hồi trên văn bản

Thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi là khá dài. Từ khi cơ quan chức năng lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm nghiệm đã mất 3 - 7 ngày, giai đoạn từ trình lên sở đến khi có thông báo đình chỉ lưu hành khoảng 15 ngày.

Với mẫu do Viện Kiểm nghiệm Thuốc TW kiểm nghiệm và gửi công văn kèm phiếu kiểm ra Cục Quản lý Dược cũng phải mất chừng 15 ngày, có khi 30 ngày mới có thông báo đình chỉ. Rồi sau đó lại mất thêm khoảng một tuần nữa thì thông báo của Cục QLD về đến Sở Y tế. Ngay trong các thông báo đình chỉ chất lượng, Cục QLD đều có yêu cầu cơ sở sản xuất, nhà phân phối phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở buôn bán hoặc sử dụng thuốc, đồng thời thu hồi toàn bộ lô thuốc kém chất lượng. Nhưng trên thực tế, thu hồi ở mức độ nào, thuốc còn tiếp tục lưu hành trên thị trường hay không... thì không thể kiểm soát.

Công tác thu hồi thuốc kém chất lượng chưa thực sự hiệu quả

Chị Thanh Huyền, nhân viên một nhà thuốc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: Thông thường, các nhà thuốc nhận thông tin thu hồi thuốc được nhận từ Sở Y tế. Tuy nhiên, khi biết thông tin thu hồi thuốc thì cửa hàng đã bán hết hoặc gần hết số thuốc đó. Cùng cùng suy nghĩ với chị Huyền, chị Thu Hương - nhân viên bán thuốc ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Nhiều lúc thấy quy định đình chỉ lưu hành thuốc mình cũng thấy lo lắng vì thuốc đã bán hết cho bệnh nhân. Bây giờ chẳng biết thế nào để báo cho người ta. Đến bản thân khi bị bệnh chị Hương cũng từng dùng những loại thuốc mà sau này chị mới biết là nó không đạt tiêu chuẩn chất lượng và nằm trong danh mục thuốc vị thu hồi.

Với các hiệu thuốc ở thành phố lớn là thế. Nhưng đối với các hiệu thuốc tại các vùng nông thôn, dường như những quy định thu hồi thuốc vẫn chưa đến được với những người bán thuốc. Thậm chí, có thuốc bị đình chỉ lưu hành một thời gian dài nhưng cả người dân, người bán thuốc không hề biết đến việc đó.

Tác hại khôn lường, chẳng ai được bồi thường

Thời gian gần đây, thỉnh thoảng người dân lại “giật mình” nghe, đọc được tin loại thuốc nào đó bị đình chỉ lưu hành, thu hồi vì chất lượng không đảm bảo, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

Thế nhưng, nghe rồi quên ngay bởi tên thuốc tân dược toàn bằng tiếng nước ngoài, chưa kể nhiều loại thuốc chỉ bị thu hồi một lô hàng theo ngày sản xuất nào đó chứ không phải đình chỉ lưu hành với toàn bộ loại thuốc đó, nên đa số người tiêu dùng không thể nhớ thuốc mình định mua hay đã mua có bị thu hồi hay không. Và cũng chẳng mấy ai khi đi mua thuốc lại “biết” hỏi xem “hình như loại thuốc này đã từng bị thu hồi”, mà vẫn mua theo đơn, hoặc theo “thói quen”. Thế nên, việc người bệnh dùng phải thuốc không đảm bảo chất lượng, đã có lệnh thu hồi là chuyện rất “bình thường”.

Với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mãn tính thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng do lỡ uống phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại lên vù vù thì khác gì đẩy họ đến chỗ chết. Hay như thuốc hạ huyết áp, nếu mua phải loại đã mất tác dụng thì biến chứng sẽ rất khôn lường, thậm chí mất mạng.

Sức khỏe của người bệnh đang bị ảnh hưởng bởi thuốc kém chất lượng

Đến nay, không ai biết được đã có bao nhiêu loại thuốc kém chất lượng được bệnh nhân bỏ tiền ra mua mà bệnh vẫn nguyên vẹn, thậm chí nặng thêm. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhân viên nhiều nhà thuốc, họ chưa từng gặp bệnh nhân nào mua thuốc rồi nghe tin thuốc kém chất lượng mà mang trả lại. Đó cũng là điều hiển nhiên bởi trả lại cũng chẳng được gì mà tốn thời gian.

Từ trước đến nay, chưa có cơ quan nào lên tiếng bồi thường cho bệnh nhân nếu họ chẳng may bị kê đơn hay mua phải thuốc kém chất lượng. Phải chăng, đây chính là “lỗ hổng” lớn trong việc quản lý khiến tình trạng thuốc kém chất lượng, thuốc giả gia tăng liên tục trong những năm gần đây? Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện để đòi quyền lợi vì sức khỏe, tính mạng của họ đang bị ảnh hưởng.

Đã đến lúc phải xây dựng và thống nhất quy trình từ khâu lấy mẫu, thông báo kết quả kiểm nghiệm, quyết định đình chỉ lưu hành thuốc, nơi nhận thuốc thu hồi và hoàn tiền trong thời gian ngắn nhất. Nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm cao nhất trong giải quyết bồi hoàn và hậu quả trên người bệnh.

Thùy Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin