Bánh chưng rầm rộ xuống phố
Hàng trăm chiếc bánh chưng chuẩn bị “ra lò” cung ứng cho thị trường Tết
Trên phố Núi Trúc, Vũ Thạnh, chợ Quan Hoa, chợ Nghĩa Tân, chợ Mơ, chợ Chùa Láng… nhiều cửa hàng cũng bắt đầu bày bán bánh chưng phục vụ cúng lễ ông Công, ông Táo và nhận đặt hàng gói bánh Tết Nguyên đán. Tại Núi Trúc, giá bánh chưng được chủ hàng chốt ở mức 45.000 đồng/chiếc. Tại chợ Chùa Láng, bánh chưng được bày bán loại 1,2kg, giá 60.000 đồng/chiếc, ngoài bánh nhân mặn còn có bánh nhân ngọt, nhân chay cung ứng cho khách hàng.
Theo khảo sát của PV, ngày 22/1, nhiều chủ hàng cho biết đã bán được hàng chục chiếc bánh cho người dân cúng lễ ông Công, ông Táo và tới chiều ngày 23/1 thì lượng đặt hàng để gói bánh chưng Tết đã bắt đầu khiến chủ hàng “lo lắng” vì sợ cung không đủ cầu.
Tại chợ Chùa Láng, chị Vũ Hồng Hạnh, ngõ 1102 Chùa Láng cho biết, năm nay mặt hàng bánh chưng được bán sớm hơn mọi năm. Từ những năm trước, người dân đổ xô đi mua nếp, mua lá để nấu chung cho tổ, cụm dân phố thì vài năm trở lại đây các tiểu thương đã nhanh nhạy gói sẵn bánh, chào bán sớm. Chủng loại đa dạng, tùy theo “đơn đặt” như loại nếp, lượng thịt và các thực phẩm khác làm nhân, chủ hàng sẽ có các mức giá khác nhau dao động từ 20.000-50.000 đồng, thậm chí là 100.000 đồng/chiếc.
Khẳng định chất lượng bằng… miệng
Nhiều chủ hàng khẳng định sẽ ghi hình lại toàn bộ quá trình sản xuất bánh chưng nếu khách hàng yêu cầu. (Ảnh minh họa)
Khác với chị Chinh, chị Nguyễn Sơn Hà (thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có hẳn một “xưởng” nấu bánh chưng chuyên nghiệp, bỏ mối lớn cho khu vực Vĩnh Phúc và phía Bắc TP Hà Nội. Theo tìm hiểu của PV, dịp Tết hàng năm, cơ sở này cung ứng đến vài nghìn chiếc bánh ra thị trường. “Thành phẩm của chúng tôi đa dạng về chủng loại, giá cả giao động từ 20.000-45.000 đồng/chiếc. Nếp được sử dụng tùy theo yêu cầu của hành khách gồm các loại như nếp thường, nếp Hoa Vàng, nếp thơm địa phương và các loại nếp đặc sản đắt tiền do khách hàng mang đến” – chị Hà cho biết.
Về lo ngại chất lượng bánh trước các tin đồn như nấu bằng pin, bằng hóa chất cho nhanh chín, chị Hà cam đoan: “Tuyệt đối không có chuyện nấu bằng pin hay hóa chất. Chúng tôi chuyên đổ mối cho khu vực cầu Thăng Long từ nhiều năm nay. Bánh chưng được nấu bằng than, mỗi nồi nấu trong 7 tiếng. Nếu khách hàng cần thiết thì xưởng sẽ quay phim lại toàn bộ quá trình sản xuất để cung cấp cho khách. Nếu làm ăn “lởm khởm” thì các mối buôn lẻ ai dám đặt hàng cho chúng tôi”.
Thực tế cho thấy, hầu hết các chủ hàng bánh chưng đều chỉ dám cam kết bằng miệng, có chủ hàng mạnh bạo hơn hứa “một đổi một” nếu khách hàng phát hiện ra bánh hỏng, chua, bánh chưa chín. Các chủ hàng có nhiều năm kinh nghiệm thì cho rằng, người dân nên mua ở những nơi quen biết, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để có bánh chưng Tết như ý.
Bình luận của bạn