Kỳ 2: Người tiêu dùng bị "móc túi" như thế nào?

Người tiêu dùng không khỏi băn khoăn: Gắn mác rau sạch nhưng có thực là sạch?

Loạn rau, thực phẩm sạch

Ngoài những cửa hàng kinh doanh rau, thực phẩm sạch đã có thương hiệu như Bác Tôm, Viet Fresh, Tràng An…, thì hiện nay, các hàng "rau sạch, thực phẩm sạch" đua nhau mở dày đặc trên các ngõ, phố.

Khảo sát trên phố Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, chỉ một đoạn phố dài khoảng 400 m nhưng có tới gần 10 cửa hàng trưng biển bán rau sạch, thực phẩm sạch. Trong các ngõ nghách khu vực Khương Trung (Thanh Xuân), Văn Quán (Hà Đông) hay ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cũng đầy rẫy các cửa hàng treo biển bán rau sạch, thực phẩm quê đảm bảo. Ngoài ra, trên các trang mạng, địa chỉ cung cấp rau và thực phẩm sạch cũng mở ra nhan nhản, đối tượng phục vụ là các nhân viên công sở.v.v.. Chỉ cần một cú lick chuột hay điện thoại, rau sẽ được chở tới tận cửa văn phòng.

Chị Hoài Thu, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp rau "nhà trồng được", thịt lợn mán từ Bắc Hà (Lào Cai) nằm trong ngõ phố Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân) cho biết, ban đầu chị lấy đồ ở quê cho nhà ăn, sau bạn bè nhờ nhiều quá, chị quyết định mở cửa hàng. Chị Hằng (ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy), cũng vậy. Do quê chị gần vùng biển, hải sản rẻ nên chị quyết mở một cửa hàng bán hải sản tươi ngay tại nhà. Cái mác cá, tôm, cua mực từ quê lên khiến cửa hàng chị ngày một đông khách. Dù cũng không ai đóng dấu chất lượng vào cho mặt hàng của chị Thu, chị Hằng.

Theo Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, cả thành phố chỉ có khoảng 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn được cấp giấy chứng nhận. Ấy thế nhưng trên thực tế, số cửa hàng trưng biển rau an toàn có thể lên tới cả nghìn.

Giá đắt "cắt cổ"

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều cửa hàng rau sạch nhưng mỗi nơi lại có giá bán khác nhau và nguồn gốc xuất xứ cũng đa dạng.

Ngoài một số sản phẩm rau, thực phẩm hữu cơ đặc biệt có giá cao gấp 3 giá thường thì hiện giờ rất phổ biến sự mập mờ đánh lừa người tiêu dùng. Rau bẩn bán giá rau sạch để thu lời.

Ông Ngô Như Quân, chủ website "Nông sản ngon" cho biết với rau giá gấp 3 rau thường thì người trồng rau phải thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế PGS. (Theo đó, phải chọn vùng đất sạch, không bị ô nhiễm, sau đó cải tạo trong vòng một năm chỉ trồng đậu tương để làm sạch hoàn toàn đất, rồi mới có thể dùng để trồng rau. Quá trình chăm bón cũng rất cầu kỳ, mất nhiều thời gian và công sức). Tuy nhiên, nhiều người không hề chăm bón nghiêm ngặt cũng ngang nhiên bán rau với giá cắt cổ. Tại cửa hàng giới thiệu rau bản ở Bắc Hà, Lào Cai nằm trên phố Vương Thừa Vũ, giá rau bán ở đây đã được đẩy cao gấp 2 lần so với giá ở chợ và siêu thị. Rau cải tùy loại có giá từ 20-40 nghìn/kg; cải bắp giá 25 nghìn/kg; còn các loại thịt lợn bản có giá từ 190 nghìn/kg, gà bản có giá khoảng 250 nghìn/kg…

Điều đáng nói là thực phẩm bày bán ở đây không có nhãn mác giá cả cũng như xuất xứ. Đơn cử như một chai tương ớt được chủ cửa hàng giới thiệu là tương ớt đặc sản của Mường Khương nhưng chỉ được đóng trong 1 chai nhựa trắng không dán nhãn mác. Khi hỏi chủ cửa hàng này về việc có giấy tờ để bảo đảm là rau, thực phẩm sạch không thì chủ cửa hàng lắc đầu bởi theo chủ cửa hàng thì hầu hết những người đến cửa hàng mua đều là người quen và những người quanh khu vực này mà thôi.

Nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm sạch ngày càng nhiều, khiến những cửa hàng kinh doanh mô hình này đắt khách trông thấy. Theo thống kê của chủ cửa hàng Bác Tôm nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng nửa tấn rau, quả. Những loại trái cây đặc sản như táo cũng có mức tiêu thụ từ nửa tấn đến một tấn/ngày.

Không chỉ những cửa hàng có uy tín, thương hiệu mới đông khách mà những cửa hang gắn mác "sạch" cũng được khá nhiều người nội trợ vào mua dù giá cả có cao hơn ngoài thị trường. nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi mua dù giá có cao gấp mấy lần ngoài chợ, miễn là đảm bảo sức khỏe.

Chỉ biết trông chờ vào cái tâm của người bán?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, kể cả cửa hàng thực phẩm sạch có giấy phép kinh doanh thì cũng không có ai giám sát quá trình vận chuyển, bảo quản. "Nếu chúng ta không quản lý theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến thành phẩm, vận chuyển, giao thương... thì không thể đảm 100% thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng", ông Hùng khẳng định. Ngoài ra, việc thả nổi giá cả và nguồn gốc rau như hiện nay khiến người mua chỉ còn biết trông chờ vào cái tâm của người bán.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin