Làm "dân thành thị" được gì, mất gì?

Đồng hồ sinh học chạy nhanh hơn một chút

Những loài chim ở thành phố có đồng hồ sinh học hiệu suất cao hơn loài chim ở nông thôn, theo một nghiên cứu gần đây của học viện Max Planck, Đức. Và thủ phạm là cái mà có thể gây ảnh hưởng đến cả chúng ta: sự ô nhiễm ánh sáng.

Ánh sáng chỉ bằng 1/13 cường độ của đèn đường cũng làm loài chim sinh sản sớm hơn. Theo các nhà nghiên cứu, dù chỉ một lượng nhỏ ánh sáng cũng gây sức ép lên nồng độ melatonin, một chất chống oxy hóa trong cơ thể. Việc làm giảm nồng độ chất này sẽ khiến các gốc tự do có khả năng gia tăng, khiến chúng ta bị lão hóa nhanh hơn.

Cuộc sống thành phố khiến con người stress nhiều hơn


Ánh sáng ban đêm cũng có khả năng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Bởi melatonin có tác dụng kiểm soát hóc môn sinh dục, điều hòa buồng trứng, và ngăn không cho trứng rụng quá sớm. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng ánh sáng trong phòng, và màn hình LED làm giảm nồng độ melatonin và khiến các cơ quan trong cơ thể chúng ta rối loạn. Từ đó có khả năng dẫn đến các chứng ung thư, béo phì, vô sinh.

Hạch hạnh nhân nhạy cảm hơn

Hạch hạnh nhân là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người. Hãy tưởng tượng bản thân bạn trong một thí nghiệm. Bạn được yêu cầu làm một bài kiểm tra toán học và bạn nghe thấy những nhà nghiên cứu đang xúc phạm bạn. Cách mà hạch hạnh nhân phản ứng lúc này có thể được dự đoán dựa vào nơi bạn sống, theo các nhà nghiên cứu của Đại học Heidelberg, Đức.

Những người ở vùng nông thôn hầu như không có phản ứng ở hạch hạnh nhân. Họ dường như miễn dịch với stress. Ở những người sống ở thị trấn nhỏ, hạch hạnh nhân không nhạy cảm lắm. Nhưng ở những người sống ở thành thị, hạch hạnh nhân thực sự hoạt động một cách tích cực. Có thể giải thích đó là do thành phố đã khiến chúng ta dễ bị căng thẳng, và hay lo lắng.

Nhưng nhìn theo khía cạnh tích cực, chính điều này giúp chúng ta xử lý tốt hơn hoặc nhanh hơn trong các tình huống xã hội phức tạp. Bởi đó cũng chính là phần não bộ chịu trách nhiệm cho các biểu hiện của nét mặt và sắc thái cảm xúc.

Hiệu suất công việc cao hơn

Khi so sánh hai công nhân với cùng trình độ, nhưng sống ở hai khu vực có mật độ dân số khác nhau ở thành phố, người sống ở vùng đông dân cư hơn sẽ có hiệu suất cao hơn 6-28% trong công việc. Đó là kết quả nghiên cứu được của phóng viên kinh tế Ryan Avent trong quyển sách The Gated City của mình.

Ông cho rằng chính những sự bận rộn ồn ào của thành phố khiến chúng ta sáng tạo hơn bằng cách khiến chúng ta phải xao lãng khỏi lối nghĩ chỉ tập trung theo một hướng.

“Đóng” các giác quan

Trong một nghiên cứu với các trẻ 6-10 tuổi tiếp xúc với người lạ và hỏi “ Cháu bị lạc, cô/chú/bác/anh/chị có thể gọi về nhà giúp cháu được không?”. Ở thị trấn nhỏ, 72% người lớn nói có. Ở các thành phố lớn chỉ 46 % nói có.

Cuộc sống bội thực thông tin khiến con người vô cảm hơn


Các nhà nghiên cứu giải thích rằng cuộc sống thành thị khiến chúng ta bị bội thực thông tin. Do đó chúng ta “đóng” các giác quan để tránh bị kích thích quá độ.

Một sự thật thú vị rằng tiếng ồn chính là trung tâm của vấn đề. Cuộc sống ở thành thị càng ồn ào bao nhiêu, con người càng cư xử vô cảm và ít giúp đỡ hơn bấy nhiêu.

Thư giãn ở bất cứ ốc đảo màu xanh nào

Theo các nhà khoa học Scotland, đi dạo 25 phút trong công viên thành phố có thể giúp phục hồi khỏi sự mệt mỏi của thành thị.

Các tình nguyện viên được yêu cầu mang theo các thiết bị đo sóng não khi đi dạo trong khuôn viên đầy cây xanh của công viên và các khu quảng trường. Kết quả cho thấy suy nghĩ của họ trở nên dần mở rộng, tập trung và tĩnh tại hơn. Và sau khi đi dạo khoảng 800m, sóng não của những tình nguyện viên này cho thấy họ toàn toàn thư giãn.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa