Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH trả lời về việc 15 tỉnh xin cứu đói

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH - Ảnh: Đ.Bình

Cả xã hội đang "oằn mình" vì gánh nặng ung thư

4 căn bệnh nan y có thể được ngăn chặn lây lan vào năm 2017

Nợ đọng bảo hiểm hơn 13 nghìn tỷ đồng

Điều gì đang xảy ra trong đời sống xã hội thế này?

Trao đổi với báo chí ngày 5/1, ông Nguyễn Trong Đàm cho biết năm nay thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, môi trường lên đến cả chục triệu người.

Từ tháng 11/2016, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình đời sống dân sinh của người dân, nhất là vấn đề lương thực để có đề xuất với Chính phủ sớm.

Ông Đàm cho hay bộ đặt mục tiêu về gạo là phải giải quyết dứt điểm xong trước 25 tháng Chạp, không để đến sát Tết mới gọi người dân đến nhận gạo. Chậm nhất đến ngày 25 tháng Chạp, gạo cứu đói phải được chuyển đến tay người dân.

"Bộ LĐTB&XH đã nhận được công văn xin gạo của 15 địa phương, với tổng gạo là 17.000 tấn. Khi nhận được công văn nào là chúng tôi tổng hợp ngay để trình lên Thủ tướng, và cũng đã có những quyết định của Thủ tướng được ban hành ra để phân bổ, cấp gạo về các địa phương.

Cùng với việc khẩn trương giải quyết vấn đề gạo cứu đói, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc chăm lo tết cho người nghèo. Đến nay Bộ đã nắm được có 40 tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị tết cho người nghèo, người có công, người yếu thế. Bộ cũng ghi nhận nhiều tỉnh đã có những cố gắng để việc chăm lo được tốt hơn, cao hơn năm trước.

* Việc cấp gạo không chỉ một mình Bộ LĐTB&XH mà liên quan đến các cơ quan trung ương, như Bộ Tài chính và cả các địa phương. Vậy Bộ sẽ có những biện pháp gì để người dân nhận được gạo sớm nhất, nhanh nhất?

- Chúng tôi nhận được văn bản các địa phương là cho ý kiến rất nhanh và trình Thủ tướng luôn. Năm nay, Bộ Tài chính cũng cho ý kiến rất kịp thời nên không có việc chậm. Từ đầu năm đến giờ, chúng ta đã xuất ra khoảng 67.000 tấn gạo để chăm lo tết 2016, rồi cứu trợ thiên tai.

Nhờ phối hợp tốt nên làm rất kịp thời, cả ở phía các tỉnh cũng rút được kinh nghiệm nên dù số lượng gạo nhiều gấp đôi, gấp ba những năm trước thì việc hỗ trợ gạo cứu đói đến dân vẫn triển khai rất tốt.

* Trong số các địa phương xin hỗ trợ gạo, ngoài những địa phương bị thiên tai hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường thì cũng có những địa phương dù là quê lúa, như tỉnh Hà Nam nhưng vài năm nay vẫn nằm trong danh sách xin gạo cứu đói. Liệu có phải các địa phương này ỷ lại, trông chờ vào trung ương?

- Thực ra các địa phương rất mong muốn tự lực, không phải xin trung ương, nhưng cũng nhìn nhận cả cộng đồng, địa phương rộng lớn thì vẫn có những bộ phận còn nghèo, ngày tết còn thiếu lương thực nên họ mới xin, và thường thì họ cũng không xin nhiều, chỉ vài ba trăm tấn để đảm bảo hỗ trợ cho người dân.

Với tỉnh Hà Nam, họ cũng ảnh hưởng bởi thiên tai là cơn bão, và khi nhận được công văn của Hà Nam chúng tôi cũng có trao đổi lại với tỉnh, và qua kiểm tra thì cũng thấy ruộng đất của địa phương ngày càng ít đi, lại thiên tai nữa nên tình trạng thiếu lương thực là có. Trách nhiệm của địa phương là phải rà soát cho đúng thực tế.

* Thực tế có tỉnh nào đề nghị lên nhưng qua kiểm tra, rà soát thì Bộ LĐTB&XH cắt đi hoặc giảm bớt số lượng gạo xin hỗ trợ?

- Có một số địa phương đề nghị Thủ tướng cấp ít hơn hoặc là cấp làm 2-3 đợt. Không có địa phương nào mà trình lên mà Thủ tướng không duyệt cấp cả, cũng không có địa phương nào gửi lên mà Bộ không trình cả.

Trách nhiệm đánh giá, xác định nhu cầu tình hình thiếu đói là của địa phương. Nếu họ trình, Bộ cũng không thể đi kiểm tra được hết, mà trước hết căn cứ vào thực tế họ có bị thiên tai hay không, mình tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình.

Còn nếu sau này có xảy ra việc gì, như địa phương nhận gạo không cấp cho dân hay như nào đó thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

* Cũng có địa phương tưởng rất nghèo như Sơn La thì mấy năm nay không thấy họ xin gạo cứu đói. Tại sao vậy?

- Nhiệm vụ là giao cho các địa phương là phải đảm bảo an sinh cho người dân, nắm chắc tình hình đời sống người dân, Trung ương không thể làm thay địa phương việc này được.

Cho nên xin hay không xin, đánh giá cần bao nhiêu là do tỉnh, miễn làm sao anh đảm bảo người dân không bị đứt bữa. Giờ có thể chúng ta không còn đứt bữa nữa, và như Sơn La, có thể năm nay thiên tai ít, mà lúa ngô được mùa thì họ không cần thiết xin, hoặc nếu thiếu ít thì họ chủ động.

Đấy là cách chúng ta khuyến khích các địa phương tự chủ tại chỗ là chính, còn vượt khả năng của địa phương thì xin trung ương.

ĐỨC BÌNH (GHI)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội