Bị chỉ trích nhiều có thể khiến một người mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né?

Rối loạn nhân cánh tránh né có thể ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội nguy hiểm thế nào?

Nữ sinh 14 tuổi tự hủy hoại bản thân vì rối loạn nhân cách ranh giới

Vĩ cuồng là bệnh gì?

Yêu bản thân thái quá - căn bệnh rối loạn nhân cách

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng lâm sàng

Rối loạn nhân cách tránh né thuộc nhóm rối loạn nhân cách nhóm C – nhóm liên quan đến lo âu và sợ hãi. Người mắc AVPD thường có biểu hiện nhút nhát, tự ti, lo lắng quá mức khi giao tiếp và luôn tránh né các tình huống xã hội do sợ bị phán xét hoặc từ chối.

Bên cạnh 3 triệu chứng phổ biến của AVPD là: cảm giác bất lực, ức chế xã hội và nhạy cảm quá mức với sự chỉ trích thì vẫn còn một số triệu chứng có liên quan bao gồm:

- Tránh các mối quan hệ thân mật, công việc có tiếp xúc xã hội hoặc cơ hội thăng tiến

- Tự đánh giá thấp, cho rằng bản thân kém cỏi hoặc không đủ năng lực

- Quá nhạy cảm với lời chỉ trích, sự từ chối hoặc đánh giá tiêu cực

- Tự cô lập, không có bạn thân hoặc mạng lưới xã hội hỗ trợ

- Sợ đưa ra quyết định hoặc thử những điều mới

- Tránh xung đột, luôn tìm cách làm hài lòng người khác

Chẩn đoán và phân biệt

AVPD được chẩn đoán bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần dựa trên các tiêu chí trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần – tái bản lần thứ 5 (DSM-5). Người bệnh phải có ít nhất 4 trong số các biểu hiện sau:

1. Luôn né tránh các hoạt động nghề nghiệp đòi hỏi tiếp xúc xã hội

2. Không muốn tham gia hoạt động với người khác trừ khi bị ép buộc

3. Hạn chế các mối quan hệ thân mật vì sợ bị chế giễu

4. Bận tâm quá mức đến nguy cơ bị từ chối trong các tình huống xã hội

5. Cảm giác không đủ năng lực, không phù hợp trong các hoàn cảnh mới

6. Tự đánh giá thấp về mặt xã hội

7. Tránh các hoạt động có rủi ro vì sợ bị xấu hổ

Thường xuyên bị phê bình, chỉ trích, chế giễu có thể khiến một người rơi vào tình trạng rối loạn nhân cách tránh né, trầm cảm,...

Thường xuyên bị phê bình, chỉ trích, chế giễu có thể khiến một người rơi vào tình trạng rối loạn nhân cách tránh né, trầm cảm,...

AVPD dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lo âu xã hội do có nhiều biểu hiện tương đồng. Tuy nhiên, trong khi lo âu xã hội chủ yếu được cấu thành bởi nỗi lo bị đánh giá, thì AVPD bắt nguồn từ cảm giác vô giá trị sâu sắc. Trên thực tế, một người có thể mắc đồng thời cả 2 tình trạng này.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân AVPD chưa được xác định rõ ràng, nhưng nhiều yếu tố góp phần có thể kể đến như:

- Tiền sử bị lạm dụng cảm xúc, trêu chọc, chế giễu trong thời thơ ấu

- Thiếu sự quan tâm, nuôi dưỡng từ cha mẹ hoặc người chăm sóc

- Trẻ nhút nhát, có mức ức chế hành vi cao thường dễ gặp trải nghiệm xã hội tiêu cực, từ đó hình thành kiểu nhân cách né tránh khi trưởng thành

- Người thường xuyên bị phê bình, chỉ trích

Ngoài ra, AVPD thường đi kèm với các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn sử dụng chất kích thích và chứng sợ không gian rộng.

Nếu không được điều trị, AVPD có thể khiến người bệnh trở nên cô lập nghiêm trọng, tránh các tình huống xã hội và sử dụng sự né tránh như cơ chế đối phó chính. Nhiều người tránh đi học, đi làm hoặc các hoạt động mang tính cộng đồng, dẫn đến suy giảm chức năng xã hội và dễ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như lạm dụng chất kích thích hoặc rối loạn cảm xúc.

Hướng điều trị

Mặc dù người mắc AVPD hiếm khi chủ động tìm đến điều trị, nhưng liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Các hình thức trị liệu bao gồm:

- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp người bệnh nhận diện và điều chỉnh các lối suy nghĩ tiêu cực, tăng khả năng kiểm soát lo âu.

- Liệu pháp tâm lý động lực: Khai thác mối liên hệ giữa trải nghiệm quá khứ và biểu hiện hiện tại, giúp bệnh nhân hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của hành vi né tránh.

- Liệu pháp lược đồ (Schema Therapy): Là phương pháp tích hợp giữa CBT và trị liệu sâu, tập trung vào việc thay đổi các mô thức cảm xúc – hành vi được hình thành từ thời thơ ấu.

- Liệu pháp nhóm và huấn luyện kỹ năng xã hội: Hỗ trợ người bệnh thực hành giao tiếp, xây dựng sự tự tin trong môi trường an toàn.

- Thuốc: Dù không có loại thuốc đặc hiệu cho AVPD nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn nếu người bệnh có các rối loạn đi kèm như trầm cảm hoặc lo âu.

Việc nhận diện triệu chứng sớm, tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia và xây dựng hệ thống hỗ trợ xã hội (gia đình, bạn bè) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần học các kỹ năng đối phó lành mạnh như thiền định, viết nhật ký, luyện tập thể chất và tránh xa rượu, ma túy.

 
Hà Chi (Theo VeryWellMind)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thần kinh