Tuyên bố Dublin: Quyết tâm đẩy mạnh kiểm soát thuốc lá toàn cầu

Hội nghị Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá đã diễn ra tại thủ đô Dublin (Ireland) từ ngày 23 -25/6/2025.

Hút thuốc lá điện tử làm giảm lưu lượng máu của cơ thể

Tác hại của hút thuốc lá thụ động và vì sao phải sàng lọc ung thư phổi

Hút thuốc lá nhiều năm, thanh niên 25 tuổi bị nhồi máu cơ tim

Phụ nữ không hút thuốc lá cũng có thể bị ung thư phổi

Tuyên bố khẳng định đại dịch thuốc lá tiếp tục là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hội nghị Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá 2025 với sự tham gia của hơn 1000 đại biểu đến từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, giới học giả và các tổ chức xã hội dân sự trên toàn thế giới, là diễn đàn cấp cao nhằm thúc đẩy thực thi Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC), chia sẻ kinh nghiệm, cảnh báo các chiến thuật gây cản trở từ ngành công nghiệp thuốc lá và tìm kiếm các giải pháp chính sách toàn diện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tiếp tục tiếp thị mạnh mẽ thuốc lá điếu và các sản phẩm khác, chống lại các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, đồng thời liên tục tung ra các sản phẩm nicotine mới có hại và gây nghiện. Tất cả những yếu tố này đang đe dọa làm suy giảm những tiến bộ đã đạt được trong 20 năm kể từ khi Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC) có hiệu lực.

Sử dụng thuốc lá tiếp tục gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm, phần lớn các ca tử vong này là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đại dịch này khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm do chi phí y tế và năng suất lao động bị mất, làm suy yếu sự phát triển bền vững, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực và bóc lột lao động.

Trong bối cảnh hiện tại trên toàn cầu, chúng ta sẽ không thể biết được hậu quả thế nào nếu công tác kiểm soát thuốc lá bị gạt ra khỏi vị trí trung tâm và thiết yếu trong các nỗ lực bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn cầu. Các nỗ lực giảm thiểu sử dụng thuốc lá cần tiếp tục được tích hợp đầy đủ vào chương trình nghị sự về phát triển và sức khỏe toàn cầu.

Phiên thảo luận chuyên đề về tài chính bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Thế giới về Kiểm soát thuốc lá năm 2025

Phiên thảo luận chuyên đề về tài chính bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Thế giới về Kiểm soát thuốc lá năm 2025

Tuyên bố Dublin của Hội nghị Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá 2025, kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới đẩy nhanh việc thực thi đầy đủ tất cả các biện pháp của WHO FCTC nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch thuốc lá bằng cách:

- Ưu tiên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm khả năng chi trả đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm nicotine không dùng trong y tế, đồng thời thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động kiểm soát thuốc lá và nâng cao sức khỏe;

- Công nhận ngành công nghiệp thuốc lá là rào cản lớn nhất đối với tiến bộ toàn cầu trong kiểm soát thuốc lá. Từ chối hợp tác với các tổ chức có liên hệ hoặc nhận tài trợ từ ngành công nghiệp thuốc lá;

- Tăng cường giám sát và thực thi lệnh cấm toàn diện đối với mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bao gồm cả việc xuất hiện hình ảnh thuốc lá trên các phương tiện truyền thông giải trí và kỹ thuật số;

- Lồng ghép nội dung kiểm soát thuốc lá và bảo vệ môi trường, nhằm giải quyết các tác động tiêu cực đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm thuốc lá và nicotine: từ trồng trọt, sản xuất, phân phối, sử dụng cho đến chất thải sau tiêu dùng;

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và các cơ sở giáo dục để hỗ trợ thực thi các biện pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện, lấy các quyền cơ bản của con người, quyền được tiếp cận và thụ hưởng các tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được, làm định hướng chủ đạo cho các biện pháp can thiệp.

Tại Hội nghị, các đại biểu Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình vận động chính sách thuế thuốc lá, đẩy mạnh truyền thông đại chúng và huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội trong phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trong thời gian tới, chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam, dưới sự điều phối của Quỹ Phòng, Chống Tác hại của Thuốc lá (Bộ Y tế), sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thực thi Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá và các cam kết trong Công ước Khung FCTC.

Trọng tâm bao gồm hỗ trợ triển khai và thực thi hiệu quả chính sách thuế thuốc lá sửa đổi mới được Quốc hội thông qua; lệnh cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm gây nghiện; tăng cường giám sát và xử lý các hình thức quảng cáo gián tiếp, quảng cáo trực tuyến và tài trợ trá hình; đồng thời mở rộng truyền thông thay đổi hành vi dựa trên bằng chứng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự, gắn với các can thiệp tại cộng đồng, cơ sở giáo dục và nơi làm việc. Việc từng bước lồng ghép yếu tố môi trường và tăng cường minh bạch, độc lập trong hoạch định chính sách cũng sẽ là ưu tiên trong chiến lược dài hạn.

 
PV/Sức Khỏe+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội