Lễ hội khèn - tiếng mời gọi từ cao nguyên đá...

Lý giải về nguyên do tổ chức lễ hội khen Mông độc đáo này, đại diện chính quyền huyện Đồng Văn cho hay: Tổ chức Lễ hội khèn Mông nhằm sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật nhạc cụ khèn Mông như: Múa khèn, thổi khèn....

BTC kỳ vọng, lễ hội khèn Mông là dịp để cho các nghệ nhân khèn Mông đến từ các huyện bạn, tỉnh bạn đến tham gia, qua đó từng bước khôi phục và gìn giữ, bảo tồn giá trị nét đẹp nhân văn của cây khèn Mông, khơi dậy loại hình nghệ thuật khèn Mông trong nghi lễ tín ngưỡng văn hóa truyền thống trong cộng đồng, phục vụ khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Theo chia sẻ từ chính quyền huyện Đồng Văn, lễ hội khèn Mông sẽ được duy trì tổ chức hàng năm vào dịp ngày quốc khánh 2/9 để đồng bào ăn "Tết Độc Lập".

Theo quan niệm người Mông, tiếng khèn là thứ âm thanh khiến người sống có thể nói chuyện với người đã khuất (Ảnh: Phạm Mỹ)

Khèn Mông là loại nhạc khí giữ vai trò trọng yếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa hay trong các nghi lễ đám tang, ma khô. Khèn cũng là loại nhạc cụ duy nhất thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông. Nó được ví như một thứ âm thanh nói thay lời người sống với những người đã khuất.

Đồng thời khèn cũng luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương. Hơn thế, trong các nghi lễ, tín ngưỡng hay trong các lễ hội dân tộc, khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu của dân tộc Mông.

Đặc biệt, trong lễ hội khèn Mông lần đầu tiên này, họa sĩ Đỗ Đức cũng tổ chức triển lãm "Cao nguyên đá" tại phố cổ Đồng Văn. Triển lãm sẽ trưng bày 20 bức tranh vẽ con người và núi đá Hà Giang được đã được đông đảo công chúng và giới nghệ thuật đánh giá cao trong triển lãm cùng tên tại Hà Nội năm 2012 vừa qua.

Bức tranh "Gặp nhau trên nương" của họa sỹ Đỗ Đức

Họa sĩ Đỗ Đức cho biết: "Tôi bị cao nguyên đá Đồng Văn chinh phục năm 1973 khi lên đó lần đầu tiên. Từ đó về sau, tôi lên Hà Giang rất nhiều lần do bị "say" những mỏm đá gồ ghề băm vằm đường chân trời cùng những con người Mông chất phác, chân tình. Bởi vậy, sau gần 40 năm nghiền ngẫm, triển lãm này như cách để tôi tri ân đồng bào nơi cao nguyên đá".

Bức tranh "Mẹ trong đá" của họa sỹ Đỗ Đức

Được biết, bên cạnh việc tổ chức triển lãm, họa sĩ Đỗ Đức cùng Thể thao& Văn hóa (đơn vị bảo trợ truyền thông cho chương trình) sẽ tổ chức đấu giá 2 bức tranh trong triển lãm "Cao nguyên đá" để ủng hộ cho các gia đình nghèo ở huyện Đồng Văn (Hà Giang).

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa