Loay hoay với quy định mới
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), từ ngày 1/1/2014, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CNBB) phải do Tòa án nhân dân (TAND) quyết định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định này.
Đồng thời, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2014 cũng chưa có thông tư hướng dẫn.
Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương vẫn loay hoay trong việc xử lý người nghiện ma túy.
Theo Nghị định mới của Chính phủ, người nghiện ma túy được coi là người bệnh chứ không phải là người phạm tội. Do đó, với người có nguyện vọng cai nghiện thì dễ dàng xử lý, nhưng với những người còn lại thì phải có bản án của tòa án mới có thể đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Vấn đề đặt ra là, để đưa một người đi cai nghiện bắt buộc thì thủ tục hết sức phức tạp và thông thường phải kéo dài tới 6 tháng. Dẫn tới, các cơ quan chức năng khi bắt được người nghiện ma túy, chỉ có thể răn đe rồi lại thả họ về cộng đồng.
Nghị định 221/2013 quy định, chủ tịch UBND cấp xã phải có quyết định giao người nghiện lang thang (không có nơi cư trú nhất định) cho tổ chức xã hội quản lý, trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhưng tổ chức xã hội nào quản lý người nghiện lang thang thì vẫn chưa có văn bản chỉ rõ.
Trong khi đó, Nghị định này yêu cầu các tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục, phải bảo đảm các điều kiện gần giống một cơ sở cai nghiện. Nghị định cũng yêu cầu hàng loạt tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích phòng ốc, thiết bị y tế, dụng cụ sinh hoạt…
Ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh băn khoăn: "Hiện nay, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính, kế đến đưa về giáo dục tại phường, xã; nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng phải theo Nghị định 111 yêu cầu "thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn" trong khi hầu hết các trạm y tế phường, xã hầu như không đáp ứng được yêu cầu này".
Lo ngại tệ nạn tăng
Ngày 8/7, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP Hồ Chí Minh(khóa VIII) lo ngại trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy và những bất cập trong công tác quản lý, chữa bệnh cho người nghiện ma túy.
ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cũng thừa nhận một trong những lý do mất an ninh trật tự trên địa bàn Quận 1 vừa qua là do các đơn vị chức năng lúng túng trong việc xử lý người nghiện ma tuý.
Giám đốc Sở Lao động TP Hồ Chí Minh lo ngại số người nghiện ma túy sẽ tăng cao
Giám đốc Sở Lao động TP Hồ Chí Minh, Trần Trung Dũng cảnh báo: "Trong 6 tháng đầu năm không có người nghiện nào bị bắt buộc đưa vào trại vì thủ tục mới. Từ nay đến cuối năm có thể cũng như vậy. Trong khi đó, sẽ có khoảng 4.500 người ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi lo ngại số người nghiện ma túy sẽ gia tăng".
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Trưởng Công an xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây áp dụng Nghị định 135, cứ phát hiện con nghiện sẽ xử phạt lần 1; nếu tái nghiện, đưa đi trường hoặc trung tâm cai nghiện. Riêng con nghiện lang thang, phạt xong, đưa đi trường, trung tâm ngay.
Trung bình một năm, công an xã đưa hơn 30 đối tượng đi trường, trung tâm.Từ khi áp dụng Luật XLVPHC đến nay, chưa có trường hợp nào được đưa đi do chờ biểu mẫu, văn bản hướng dẫn cụ thể.
Trước những bất cập trong việc xử lý người nghiện ma túy, không chỉ các cơ quan nhà nước mà người dân cũng hết sức lo ngại tệ nạn xã hội sẽ gia tăng với việc “thả rông” người nghiện.
Điều cấp thiết nhất vào lúc này là làm sao để giải quyết những bất cấp nêu trên, sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan chức năng có định hướng giải quyết vấn đề người nghiện ma túy, ổn định trật tự xã hội.
Bình luận của bạn