Luật BHYT sửa đổi: Nhiều người được miễn viện phí

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo

BHYT: Người dân vẫn thờ ơ

Chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Bảo hiểm y tế “cắt giảm” nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp?

Báo động rút ruột bảo hiểm y tế

Thay đổi danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế.

Thêm nhiều đối tượng được chi trả 100% 

Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người chỉ khi ốm mới mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Vì thế, Luật sửa đổi BHYT lần này được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng tăng thêm quyền lợi cho người tham gia BHYT, để nhiều người dân nhận thức được bảo hiểm là quyền lợi của chính mình chứ không phải nghĩa vụ.

Đặc biệt, Luật BHYT lần này quy định nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Cụ thể: 

- Người tham gia BHYT 5 năm liên tục và số tiền phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, sẽ được quỹ bảo hiểm thanh toán 100% (trừ trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục).

- Người có công, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, trẻ em dưới 6 tuổi, được hưởng 100% chi phí. 

- Khám chữa bệnh tại các tuyến xã, người tham gia bảo hiểm được hưởng 100% chi phí. 

- Người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cũng được nâng mức hưởng BHYT lên 100% thay vì 95% như hiện hành.  Mức chi trả đối với người thuộc hộ cận nghèo là 95% (hiện nay là 80%).

Luật BHYT lần này quy định nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Sáng ngày 19/12, tại Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: "Luật BHYT sửa đổi lần này đã bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người co công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ cũng được bãi bỏ. Với thân nhân khác của người có công và người hộ gia đình cận nghèo, cũng được giảm mức đồng chi trả từ 20% xuống 5%". 

Vượt tuyến cũng hưởng nhiều quyền lợi

“Khi khám chữa bệnh đúng tuyến thì quỹ BHYT sẽ thanh toán theo 3 mức: 80%, 95% và 100%, tùy cơ sở khám chữa bệnh và tùy đối tượng. Riêng trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, luật BHYT không thanh toán cho khám chữa bệnh ngoại trú, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên. Ngược lại, khám chữa bệnh điều trị nội trú vượt tuyến sẽ được hưởng nhiều ưu đãi”, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết. 

Cụ thể, chi phí khám chữa bệnh điều trị nội trú vượt tuyến tại bệnh viện (BV) tuyến trung ương là 40%; BV tuyến tỉnh là 60% (từ ngày 1/1/2015 – 31/12/2020), 100% (từ ngày 1/1/2021); BV tuyến huyện là 70% (từ 1/1/2015 – 31/12/2015) và 100% (từ ngày 1/1/2016).

Một điểm mới trong bộ Luật sửa đổi lần này cũng được nhiều người chú ý, là mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Từ năm 2016, sẽ mở rộng thông khám chữa bệnh giữa tuyến xã và huyện trên cùng tỉnh, tức là người bệnh có thể đi khám ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã, huyện nào trong tỉnh. Từ năm 2021, mở rộng thông tuyến tỉnh và nâng mức hưởng với người bệnh tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và trung ương. Với người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt huyện đảo, xã đảo thì sẽ mở rộng thông tuyến khám chữa bệnh từ xã, huyện, tỉnh lên trung ương trên phạm vi cả nước.

Luật bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin