Rất dễ mua nguyên liệu thuốc Nam từ các xe bán dạo
Thu giữ thuốc đông y và dụng cụ y tế không nguồn gốc
Suy thận vì điều trị gout ở phòng khám Đông y Trung Quốc
Y học cổ truyền lý giải chứng bốc hỏa
BHYT sẽ trả gần 350 loại thuốc y học cổ truyền
Thuốc Nam bán dạo
Chỉ với một chiếc xe máy với lỉnh kỉnh các sản phẩm thuốc Nam không nguồn gốc và tấm biển quảng cáo tự ghi nguệch ngoạc đã trở thành những cửa hàng di động dễ dàng len lỏi khắp mọi nẻo đường. Dạo qua một vòng phố Lãn Ông - Hà Nội, san sát những bảng biển quảng cáo nhà thuốc Đông y gia truyền với hàng trăm sản phẩm thuốc Nam được bầy trong tủ kính, trong bao tải, trên cả nền đất bụi.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên con phố bán thuốc nổi tiếng Hà thành này, có bán đầy đủ các vị thuốc từ cao đơn hoàn tán đến thuốc bột, từ các loại thảo dược khô đến loại đã được tinh chế, đóng viên tròn hoặc đóng viên con nhộng như thuốc tân dược với vô vàn các công dụng chữa bệnh từ đau đầu, đau khớp, đau bụng, đau răng, an thai, bổ não, bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe...
Đóng vai một khách hàng có nhu cầu đi mua loại thần dược đông trùng hạ thảo để bổ dưỡng cho người già, bước vào hai cửa hàng, chúng tôi đã thấy có sự chênh lệch về giá và khác biệt về sản phẩm đến chóng mặt. Cửa hàng thứ nhất, chị chủ hàng giới thiệu: “Nhà chị có đủ loại: Con lẻ, nguyên hộp, giá 3 triệu đồng/hộp 20 gam”.
Tuy nhiên, bước sang một cửa hàng khác gần đó, ông chủ cửa hàng này lại chắc như đinh đóng cột: “Đông trùng hạ thảo mà bào chế còn gì tác dụng, cửa hàng tôi chỉ bán hàng thật, với đông trùng hạ thảo nguyên chất (nguyên con) 30 triệu đồng/100gr”.
Đem sự chênh lệch về giá của sản phẩm đến gặp một thầy thuốc trên phố Lãn Ông, được thầy thuốc này giải thích: “Đông trùng hạ thảo thật chỉ có ở Trung Quốc và Nepal nên giá rất cao, giá xuất xứ đã là 50 triệu đồng/kg, khi đến thị trường tiêu thụ thì giá đã lên tới xấp xỉ 75 triệu đồng. Do vậy ở Việt Nam, nếu muốn mua hàng thật rất khó, nhiều người do thiếu hiểu biết đã mua phải hàng “dỏm”, gồm bột thảo dược trộn với... bột mỳ.
Cách bảo quản chết người
Theo chuyên gia y tế, để bảo quản thuốc Nam phổ biến, nhiều nhà thuốc áp dụng phương pháp sấy lưu huỳnh nhiều lần hay dùng nhôm phốt pho. Tuy nhiên, hiểm họa tiềm ẩn của việc này là khi gặp hơi nước hay ánh sáng, những hóa chất này sẽ biến thành chất độc. Thêm nữa, người bảo quản thuốc thường đặt những bát thuốc chống ẩm, chống sâu mọt dưới các giá gỗ rồi xếp bao đựng thuốc lên trên để mối mọt không dám bén mảng.
Theo ông Đỗ Ngọc Duy - Kỹ sư hóa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện trong bảo quản thuốc Nam có một loại thuốc viên màu xám lục mà người dân hay dùng có công thức hóa học là AlP gọi là nhôm phốt phua (hay nhôm phốt-pho). Hóa chất này khi gặp hơi nước sẽ tạo thành phốt phin (PH3), một khí có tỷ trọng nhẹ như không khí nên có tác dụng khử khuẩn và thấm ngược vào dược liệu.
Tuy nhiên, ông Duy cũng lo ngại khi phốt-phin là chất độc đối với người. Khi nhiễm chất này, người bị nhẹ cũng là nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật. Trường hợp bị nặng hơn là nôn mửa, đau bụng và có thể dẫn đến tê liệt thần kinh...
Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y cho biết, bảo quản thuốc Nam là để duy trì lâu hơn thời gian sử dụng thuốc, đồng thời nâng cao tác dụng thuốc nhưng phải bảo quản đúng cách. Các cửa hàng thuốc quá lạm dụng và nhiều người kinh doanh không hiểu biết nên đã dùng nhiều hóa chất không có nguồn gốc hay tên gọi, được bày bán tràn lan với giá “bèo bọt” trên thị trường hiện nay để bảo quản thuốc. Thông thường, thuốc Nam sau khi đã áp dụng các biện pháp bảo quản chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng một năm, dùng quá thời hạn này sẽ gây ra nấm mốc, ngộ độc. Hơn nữa, người dùng Đông dược chủ yếu có các bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài. Vì vậy, tồn dư độc chất dù nhỏ cũng sẽ tích tụ và gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Đấy là chưa kể đến những loại phẩm màu dùng cho Đông dược cũng rất “đáng nghi” bị những người buôn thiếu lương tâm hay “tái chế” lại bã thuốc bằng cách sấy khô, làm màu, đóng hộp để sản xuất ra những loại thuốc bắt mắt với công dụng quảng cáo trên trời khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận”.
Thống kê của Viện Dược liệu, dược phẩm đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường hiện nay... Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. Những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun tới 2000C), do đó, khi sắc thuốc vẫn còn.
Siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, trước đây, các nhà thuốc Đông y chủ yếu dùng nguyên dược liệu trong nước, chỉ nhập khoảng 20-30% nguyên dược liệu từ nước ngoài, nhưng hiện nay, nguyên liệu trong nước khan hiếm nên nhiều nhà thuốc sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc tới 90%. Đáng ngại hơn, những loại thuốc Trung Quốc này chỉ là loại 2, loại 3, không phải thuốc loại 1 nên chất lượng rất kém.
Vấn đề đáng ngại nữa là chất lượng chuyên môn của các “thầy lang”. Ví dụ điển hình như những người hành nghề kinh doanh thuốc trên những phố Hải Thượng Lãn Ông hay tại làng thuốc Ninh Hiệp, rất ít người được đào tạo hay học về thuốc Nam, nhưng lại hành nghề như những thầy thuốc “nhà nghề”. Ông Nguyễn Xuân Hướng cho rằng: “Để bốc được thuốc Nam, sơ đẳng nhất, thầy lang phải biết bắt mạch, kê đơn và phải được đào tạo từ trường lớp quy củ. Học viên muốn được cấp giấy phép hành nghề phải tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép như ĐH Dược, ĐH Y, Học viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh... Còn nhiều người kinh doanh thuốc trên các phố hiện nay không hề trải qua bất cứ một trường lớp hay khóa học đào tạo nào”.
Bên cạnh đó, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ông Hướng đề xuất, cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Hiện, chế tài xử lý khi vi phạm bị phát hiện quá nhẹ nên cả người buôn bán lẫn người bốc thuốc đều không sợ. “Cơ quan quản lý phải tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên những cơ sở kinh doanh dược liệu, những thầy lang hành nghề không phép để phát hiện sai phạm, tránh những đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Hướng đề xuất.
Bình luận của bạn