Đây là một rối loạn tâm thần, được ghi nhận trong “Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần” (DSM-5-TR).
Mối liên hệ giữa viêm da dị ứng và rối loạn giấc ngủ
Mối liên hệ giữa hormone và sức khoẻ tâm thần
Đẩy lùi bệnh trầm cảm ở giới trẻ
Phân biệt stress thông thường với rối loạn tâm lý
Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?
NPD là một dạng rối loạn nhân cách được định nghĩa trong cuốn “Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần” (DSM-5-TR). Người mắc NPD thường có ý thức tự tôn quá mức, thiếu đồng cảm, luôn cảm thấy mình đặc biệt và xứng đáng được đối xử ưu ái. Chính vì vậy, họ thường gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ vì thường cố gắng kiểm soát, thao túng hoặc coi nhẹ người khác.
Tình trạng này không chỉ đơn thuần là một “tính cách gây khó chịu” mà có thể làm suy giảm chức năng cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, gia đình và đời sống xã hội.
Những dấu hiệu nhận biết
Một số đặc điểm phổ biến của người mắc NPD bao gồm:
- Luôn tin rằng mình đặc biệt, vượt trội và chỉ nên giao du với người “xứng tầm”.
- Luôn cần được khen ngợi, công nhận.
- Phóng đại năng lực và thành tựu bản thân.
- Thiếu đồng cảm, khó đặt mình vào hoàn cảnh người khác.
- Ghen tị hoặc cho rằng người khác ghen tị với mình.
- Thường xuyên tưởng tượng về quyền lực, thành công và sự hoàn hảo.
- Có xu hướng lợi dụng người khác vì lợi ích cá nhân.
- Tự cho rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt.
Dù bề ngoài có vẻ tự tin nhưng trên thực tế, người mắc NPD lại rất dễ tổn thương khi bị chỉ trích hoặc không được công nhận. Họ thường hành xử ngạo mạn, thao túng cảm xúc người khác để duy trì hình ảnh bản thân lý tưởng hóa.
Không phải ai “tự luyến” cũng mắc rối loạn
Tự luyến ở mức độ nhẹ như thích được chú ý, quan tâm nhiều đến hình ảnh cá nhân có thể xuất hiện ở nhiều người, nhất là trong giai đoạn trưởng thành sớm. Tuy nhiên để được chẩn đoán NPD, một người phải có các đặc điểm kể trên một cách dai dẳng, phổ biến trong nhiều tình huống và gây ra khó khăn rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày.
NPD phổ biến đến mức nào?
Tại Mỹ, các thống kê cho thấy có khoảng 0,5% đến 5% người trưởng thành có thể mắc NPD, với tỷ lệ ở nam giới cao hơn nữ giới. Đây là một trong những rối loạn nhân cách ít phổ biến hơn so với các dạng như rối loạn nhân cách ranh giới hay chống đối xã hội.

Người ái kỷ bản chất chỉ yêu bản thân và không có cái nhìn đồng cảm cho cuộc sống của người khác.
Nguyên nhân do đâu?
Chưa có lời giải chính xác, nhưng các chuyên gia cho rằng rối loạn này có thể xuất phát từ:
- Trải nghiệm thời thơ ấu (bị lạm dụng, khen ngợi quá mức, thiếu ổn định trong giáo dục và nuôi dạy).
- Yếu tố di truyền và sinh học.
- Sự phát triển nhân cách không lành mạnh trong môi trường thiếu xác thực hoặc nuông chiều quá mức.
Có thể điều trị được ái kỷ không?
Khó khăn lớn nhất là người mắc NPD là hiếm khi họ chủ động tự tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ thường vào trị liệu vì trầm cảm hoặc bị người thân thúc ép. Dù vậy, một số phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Giúp điều chỉnh suy nghĩ lệch lạc, xây dựng hình ảnh bản thân thực tế hơn.
- Liệu pháp tâm lý động lực cá nhân: Đào sâu những mâu thuẫn nội tâm, nhưng đòi hỏi thời gian và sự cam kết.
- Thuốc: Có thể được dùng để điều trị triệu chứng đi kèm như lo âu hoặc trầm cảm, không điều trị được cốt lõi của rối loạn.
Cách “đối phó” khi sống cùng người ái kỷ
Duy trì mối quan hệ với người mắc NPD có thể khiến người thân cảm thấy kiệt quệ về cảm xúc. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó, hãy lưu ý:
- Nhận diện hành vi thao túng: Như đổ lỗi, lật mặt, phớt lờ cảm xúc của bạn.
- Thiết lập ranh giới: Kiên định nói không với các hành vi lạm dụng.
- Tìm kiếm hỗ trợ: Chia sẻ với bạn bè, chuyên gia tâm lý để có góc nhìn khách quan.
Nếu bạn nghi ngờ ai đó hoặc chính bản thân mình có dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ, đừng vội quy chụp hay chỉ trích. Điều quan trọng bạn cần làm là hiểu rõ căn nguyên, đồng thời tham khảo các chuyên gia hoặc ý kiến chuyên môn để giúp cải thiện chất lượng sống và các mối quan hệ lâu dài.
Bình luận của bạn