Bệnh nhân vẫn hôn mê sau 4 ngày nhập viện. Ảnh: T.C
Gia tăng bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu có thể tử vong trong 24 giờ
Bệnh não mô cầu khiến thai phụ tử vong
HN: Viêm não mô cầu tái xuất
Nguy cơ tử vong cao
BS Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, đây là một bệnh nhân nam 21 tuổi (quê Lộc Bình, Lạng Sơn), làm công nhân ở Bắc Ninh. 2 ngày trước khi vào viện bệnh nhân sốt cao, đau đầu, xuất hiện các ban hoại tử trên da, tình trạng tri giác xấu dần, hôn mê được người thân đưa vào bệnh viện tỉnh Bắc Ninh. Tại đây bác sỹ chẩn đoán nghi ngờ viêm màng não, nhiễm trùng huyết do não mô cầu chuyển BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
“Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhiễm trùng tương đối nặng, tri giác lơ mơ, hôn mê. Toàn thân bệnh nhân xuất hiện các ban hoại tử do não mô cầu. Ngay lập tức bệnh nhân đã dược cách ly, xử trí chống sốc, thở máy, sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu với não mô cầu. Kết quả xét nghiệm PCR đã khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu”, BS Cấp cho biết.
Ngay khi có kết quả này, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thông báo về địa phương, về những bệnh viện nơi bệnh nhân đã từng đi qua để có chiến lược dự phòng cho người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi căn bệnh não mô cầu lây lan khá dễ dàng qua đường hô hấp, là bệnh lý dễ gây thành dịch nên các biện pháp dự phòng với những người tiếp xúc gần là vô cùng cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, não mô cầu là bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn cả cúm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Vì thế, tỷ lệ tử vong khi nhiễm căn bệnh này rất cao. Trong mấy năm qua, bệnh não mô cầu khá hiếm gặp, chỉ phát hiện một vài ổ dịch nhỏ rải rác và đều được khống chế nhờ phát hiện sớm, xử lý tốt ổ dịch.
Trường hợp bệnh nhân này cũng giống các ca nhiễm não mô cầu trước đó, diễn biến bệnh rất nhanh. Chỉ sau 2 ngày sốt, đau đầu người bệnh đã xuất hiện tình trạng tri giác lơ mơ do não bị tổn thương. Đến ngày thứ 3 thì bệnh nhân đã hôn mê sâu, phải thở máy.
Lây qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt
BS Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu dễ lây truyền qua đường hô hấp bởi vi khuẩn này nhân lên nhiều ở vùng hầu họng. Bệnh có thể lây lan nhanh chóng qua dịch tiết đường hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh bởi diễn tiến nhanh của bệnh. Vì thế, bệnh được xếp vào bệnh có tính chất lây lan mạnh, cần phải có sự phối hợp với y tế dự phòng để khống chế ổ dịch, giảm nguy cơ bệnh từ một người lây lan rộng ra những người sống xung quanh.
“Khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viên họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và với những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng. Vì thế, việc phát hiện điều trị sớm là điều cần quan tâm số một với căn bệnh này”, BS Cấp cho biết.
Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, rất khó có dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh viêm não mô cầu bởi các triệu chứng của bệnh giống các trường hợp nhiễm vi trùng khác với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Còn khi diễn tiến nặng hơn gây biến chứng viêm não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện cũng giống như những ca viêm não mủ bình thường khác, gồm các triệu chứng: Sốt, đau đầu, nôn, hôn mê. Còn khi vi khuẩn não mô cầu gây biến chứng nhiễm trùng huyết, người bệnh có biểu hiện xuất hiện ban hoại tử dưới da cũng dễ nhầm với bệnh liên cầu lợn, các bệnh phát ban khác”, TS Cấp cho biết.
Để phòng bệnh, khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh… và với những người tiếp xúc trực tiếp cần dùng thuốc dự phòng. Các loại thuốc dự phòng, liều lượng cũng được hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến cơ sở trong việc phát hiện, điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc bệnh nhân.
Là căn bệnh nguy hiểm nhưng não mô cầu lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.
Bình luận của bạn