Mùa mưa, trẻ dễ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn

Thưa bác sỹ, mùa mưa, khí hậu mát mẻ, bệnh nhiễm khuẩn sẽ không hoành hành như mùa hè?

Khí hậu mát mẻ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn nhưng khi độ ẩm tăng cao, nhiều loại vi khuẩn gây bệnh sẽ sinh sôi. Đặc biệt, mưa lũ, ngập lụt kéo dài, môi trường ô nhiễm, nhiều ổ bệnh sẽ phát sinh và theo nguồn nước, không khí phát tán khắp nơi.


Bác sỹ Trương Hữu Khanh trong một buổi khám bệnh

Vậy bệnh nhiễm khuẩn thường gặp vào mùa mưa là những bệnh nào?

Có ba nhóm bệnh phổ biến. Nhóm bệnh tiêu hóa gồm tiêu chảy, nhiễm trùng tiêu hóa, lỵ, nặng nhất là thương hàn và một bệnh có thể gây thành dịch là bệnh tả. Nhóm bệnh về da hay còn gọi là da liễu như ghẻ, chốc, nhiễm trùng da do ngâm nước. Nhóm bệnh về hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản. Ngoài ra, viêm kết mạc, đau mắt…cũng hay xảy ra ở trẻ.

Có nghĩa là những bệnh phổ biến trong mùa hè sẽ "tạm lắng" trong mùa mưa?

Không hẳn vậy bởi cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn không thể lơ là với cúm A/H1N1 hay dịch tay chân miệng - những căn bệnh được cho là "của mùa hè". Đáng lưu ý, khi trẻ bắt đầu đi học lại, trong môi trường đông đúc, các bệnh nhiễm khuẩn càng dễ lây lan.

Nhiều người vẫn cho rằng, những căn bệnh "đến hẹn lại lên" có thể dễ dàng tấn công trẻ nhưng thường là bệnh xoàng?

Do trẻ em có sức đề kháng yếu, ý thức phòng bệnh chưa có nên cha mẹ không thể "khinh thường" các bệnh vốn được cho là "xoàng" này. Nếu trẻ bị tiêu chảy thì trẻ có nguy cơ lâm vào tình trạng mất nước và mất một số chất điện giải. Do vậy, cơ thể suy sụp rất nhanh, khiến trẻ suy kiệt nhanh chóng nếu không được chữa trị kịp thời.


Cần đề phòng các bệnh trong thời điểm giao mùa bùng phát

Hay như nếu trẻ mắc bệnh đường hô hấp, trong một số trường hợp, các vi khuẩn gây bệnh khác như S.Pneunoniae và H.Influenzae có thể nhân cơ hội đó tấn công làm cho bệnh nặng thêm.

Vậy những biện pháp nào được xem là hiệu quả để ngừa bệnh nhiễm khuẩn mùa mưa?

Trước hết vẫn là vấn đề vệ sinh cá nhân. Hãy luôn giữ cho tay chân, cơ thể luôn sạch sẽ. Tránh để trẻ dầm mưa, mặc đồ ướt quá lâu. Ăn uống cũng hết sức cẩn thận, rau quả, thực phẩm mua từ chợ phải rửa thật kỹ dưới vòi nước. Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn vặt ngoài đường, tăng cường thực phẩm bổ sung vitamin C.

Vệ sinh cũng chỉ là biện pháp "bên ngoài", liệu có thật sự hiệu quả trong việc ngừa bệnh nhiễm khuẩn?

Đó là quan niệm sai lầm của không ít người. Vệ sinh nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Vệ sinh để ngừa bệnh cần thật kỹ lưỡng: rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ra ngoài…

Bên cạnh đó, nhớ tắm rửa bằng sữa tắm diệt khuẩn để "triệt tiêu" cơ hội vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn sẽ tiêu diệt được phần lớn vi khuẩn bám trên da mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt.

Cám ơn bác sỹ về những thông tin bổ ích!
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn