Cuốn sách là hành trình đi tìm hạnh phúc cuộc sống của một con người
Vì sao bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn?
Bí quyết khỏe đẹp từ sữa chua Hy Lạp
Bí quyết giúp con học trực tuyến an toàn, hiệu quả
Mẹo giúp cha mẹ thiết lập thói quen ngủ cho trẻ nhỏ
Với giới văn chương nói riêng, cái tên Murakami đã quá quen thuộc từ cách đây khoảng 30 năm. Có thể nói ông là một “tay ngang” thành công, một chú ngựa ô không mệt mỏi của giải Nobel văn học hàng năm. Không thể đếm được bao nhiêu lần ông được giới chuyên môn dự đoán là chủ nhân tiếp theo của Nobel văn học và một cách ngạc nhiên đến kỳ cục, ông chưa một lần thành công. Nói là vậy nhưng bản thân Murakami lại không quá để tâm đến việc này. Viết văn với ông vốn đã là một niềm an ủi, một sự đam mê được thỏa mãn. Vốn sống của ông được hình thành và tích lũy nhiều nhất trong giai đoạn ông mở câu lạc bộ jazz ở Tokyo, nhờ đó mà tiếp xúc với vô vàn mảnh đời, vô vàn câu chuyện của khách hàng. Không ít các mảnh đời đó đã được đưa vào các cuốn tiểu thuyết đậm chất Murakami – một sự pha trộn khó có thể bắt chước giữa hiện thực, tâm lý, hư ảo, biểu tượng … Mỗi người đọc Murakami lại có một cảm xúc riêng, một điều mà hiếm có nhà văn đương đại nào làm được.
Ai đọc Phía nam biên giới, phía tây mặt trời đều có thể nhận ra, nhân vật chính Hajime có dòng đời khá giống với chính tác giả: từng học đại học nhưng không thích công việc ban đầu, tự mở quán bar và có ý định đóng cửa khi đang thành công để theo đuổi đam mê cuộc đời… Gần như Murakami sử dụng chất liệu của chính cuộc đời mình để tạo nên nhân vật. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết “dễ đọc” nhất của Murakami. Nói như vậy không có nghĩa Phía nam biên giới, phía tây mặt trời dễ hiểu, vẫn đầy các giả dụ, các biểu tượng, tính siêu thực đặc trưng nhưng đã được giản lược đi rất nhiều so với những Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Nauy hay Kafka bên bờ biển.
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời được coi là cuốn sách viết về chính cuộc đời của Murakami
Xuyên suốt câu chuyện là hành trình nam chính Hajime tìm kiếm cái tôi, tìm kiếm bản ngã và hạnh phúc cuộc đời. Đã có lúc anh chấp nhận sống như người bình thường, nắm lấy vận may được người khác trao tặng, đóng vai một người chồng người cha mẫu mực, chôn chặt những ao ước, vọng tưởng, hoài bão về một mối tình chưa thực sự hình thành, về một cuộc đời hoàn toàn khác. Đã có lúc anh chấp nhận làm đứa con rể ngoan hiền, tìm một người phụ nữ phù hợp để làm vợ, toàn tâm toàn ý xây dựng sự nghiệp, chăm sóc gia đình, có những thói quen lành mạnh lặp đi lặp lại. Nhưng rồi bóng dáng của quá khứ cứ quay quắt trong anh, chưa một phút giây ngủ quên, như ngọn mồi lửa cứ âm ỉ đỏ. Một Hajime rất đời khi đối diện với hiện thực – một gia đình yên ấm, và nỗi khát khao cả tuổi trẻ - nàng Shimamoto-san bí ẩn, người có nụ cười đẹp nhất, hiểu mọi điều Hajime suy nghĩ, luôn cảm thấy hạnh phúc được nghe anh nói, sau bao năm biệt tích đã trở về, làm xáo trộn hoàn toàn những phút giây yên tĩnh trong lòng. Một Hajime dũng cảm đối diện với chính mình, tự vấn và chấp nhận tình cảm chôn chặt trong lòng, dũng cảm lựa chọn hạnh phúc. Một Hajime vừa đơn thuần, vừa phức tạp, vừa ngây thơ trong sáng ôm ấp mối tình thuở nhỏ, rụt rè lo lắng như cậu trai mới lớn khi gặp lại tình yêu. Một Hajime cũng vô cùng nam tính, trưởng thành, là người đàn ông của gia đình, trụ cột của vợ và hai cô con gái, chưa từng nghĩ phụ thuộc vào nhà vợ giàu có, không chấp nhận thỏa hiệp với hành vi gian lận tài chính của bố vợ, kiên cường và mạnh mẽ. Và một Hajime biết chấp nhận kết quả, cho dù không theo mong ước nhưng với anh, đã thử sống thật với mình, nhận được tình yêu, không còn gì hối tiếc. Hajime không sống mãi trong dằn vặt vì ngoại tình, không mong chờ người vợ bao dung tha thứ vì anh biết mình có lỗi với cô, nhưng cũng không cảm thấy có lỗi với chính mình khi dám lựa chọn sống thật dù chỉ một lần.
Cũng giống như mọi cuốn sách khác của Murakami, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời có thừa những phép ẩn dụ, so sánh, biểu tượng mang tính siêu thực, và không thể thiếu âm nhạc. Từ những đĩa than đời cũ Hajime nghe trong phòng khách nhà Shimamoto-san khi còn bé, những Nat King Cole, Duke Ellington, over-ture của Rossini, Giao hưởng đồng quê của Betthoven, bản concerto cho piano của Liszt, đến những bản jazz ngẫu hứng, độc tấu piano trong quán Robin’s Nest … Và nhiều thật nhiều sách nữa. Murakami luôn làm cho người đọc chìm trong không gian đậm chất hàn lâm nhưng lại nhẹ nhàng bay bổng. Nhiều người cho rằng văn phong của ông quá nặng nề, câu chuyện có phần khó hiểu, cần nhiều lần lý giải mới bóc tách được hết lớp sương mù vây quanh câu chữ. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy, hãy tìm đến Phía nam biên giới, phía tây mặt trời để tìm gặp một Murakami đáng yêu hơn, mềm mại hơn, tươi sáng hơn và một lần hiếm hoi để lại một cái kết thực sự là kết.
Bình luận của bạn