Trên thế giới có nhiều nền văn hóa trà cổ xưa khác nhau như: Trà đạo Nhật Bản, Trà nghệ Trung Hoa,
Trà Miến Điện, Trà Ấn Độ, nhưng nói về Trà Việt Nam lại muôn vàn tranh luận thú vị. Việt Nam có trà
đạo hay không? Câu hỏi này dễ mà khó, bởi nếu hiểu trà đạo là những quy tắc chuẩn mực tuyệt đối thì
Việt Nam không có trà đạo.
Nhưng nếu hiểu trà đạo là một truyền thống, một thói quen, một phong cách thì trà đạo Việt Nam đã
có hàng trăm năm lịch sử. Với một phong cách đầy mộc mạc, giản dị nhưng gắn liền với từng con
người, từng nếp nhà, thì chén trà Việt đã đong đầy cả một nền văn hóa của hàng nghìn năm lịch
sử.
Điểm cơ bản đặc biệt đầu tiên để có thể phân biệt trà Việt truyền thống và trà các nước khác chính
là vị đắng của chén đầu tiên, người không quen hay lần đầu uống là dễ nhăn mặt nhíu mày, song vị
vào miệng xuống cổ rồi hậu vị ngọt thơm lại lan tỏa dễ chịu. Cái nôi của văn hóa trà Việt chính là
các vùng chè cổ thụ phía Tây và Đông Bắc.
Nguyễn Đình là một nhà sưu tập nghiên cứu cổ vật, ấm trà cùng các loại trà trên khắp thế giới, chia
sẻ câu chuyện thú vị gắn với niềm đam mê trà Việt hơn 17 năm qua. Là một phóng viên nên anh cũng có nhiều thời gian hơn để sống với
đam mê của mình, khi thực hiện bộ phim tài liệu "Con đường trà Việt", anh đã in dấu chân khắp những
vùng chè cổ thụ.
Khi thì lang thang trong mênh mông chè Suối Giàng, thưởng trà trên dãy Tà Xùa ngập mây trời, khi
thì băng qua những rừng chè Tủa Chùa... Những câu nói truyền miệng của người xưa "gái Mường Tè, chè
Tô Múa", "chè Thái gái Tuyên" lại tiếp thêm cho anh nguồn cảm hứng để có những khám phá mới về văn
hóa trà của người Việt.
Anh kể, chuyến đi ấn tượng và đáng nhớ nhất là cơ hội được khám phá vùng chè cổ thụ cực kỳ quý hiếm
trên dãy Hoàng Liên Sơn. Anh cùng đoàn làm phim phải trèo đèo, lội suối băng qua những thảm rừng
nguyên sinh bạt ngàn trong những điều kiện khó khăn và nguy hiểm. Nhưng tất cả mệt mỏi đều tan biến khi tận mắt chứng kiến cả một rừng chè ngàn năm, cây cao
hai mươi đến ba mươi mét. "Thật sự đây là một kho báu giữa núi rừng!", anh phải thốt lên như
thế.
Không khám phá nhiều các vùng chè miền Bắc, nghệ nhân trà đạo Việt Nam Viên Trân lại say mê các
vườn chè miền Nam. Các vùng chè Cầu Đất (Đà Lạt), cao nguyên Di Linh, thủ đô trà Bảo Lộc, vườnchè
Phú Hội (Đồng Nai), những đồi chè ở Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai đều in dấu chân người phụ nữ nhỏ nhắn
mà tràn đầy năng lượng khám phá này.
Theo chị, mỗi vùng chè đều có những đặc điểm riêng và chính vì sự khác nhau đó đã làm cho văn hóa
trà Việt càng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Lớn lên trong một gia đình quyền quý Nam bộ với đầy
đủ tài năng cầm, kỳ, thi, họa như chuẩn mực của thiếu nữ xưa, cùng với niềm đam mê và am hiểu sâu
sắc về trà, chị đã góp phần rất lớn để văn hóa trà được lan rộng khắp nơi, đến tất cả mọi
người.
Chị thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm về trà dành cho các bạn
trẻ, và để những cuộc chuyện trò thật sự ý nghĩa và bổ ích, chị thường mời nhiều vị khách quý làm
diễn giả như: GS-TS. Trần Văn Khê, nữ chính khách Tôn Nữ Thị Ninh, nhạc sĩ Dương Thụ, cùng rất
nhiều những nhà thư pháp, văn nghệ sĩ...
Chính buổi trò chuyện này đã thổi bùng lên đam mê và trân trọng thú uống trà và văn hóa trà của rất nhiều bạn trẻ. Người xưa thường lưu truyền câu nói "Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm" và thú chơi ấm trà cũng là một thú vui tao nhã và thú vị. Thật ngạc nhiên khi biết tiêu chí đầu tiên để chọn ấm của Nguyễn Đình là "ấm phải còn dùng được".
"Không gì thú vị hơn khi hồn người xưa và tình người nay lại được cùng
đong đầy trong hương trà đầy thi vị", nhà sưu tập ấm trà nổi tiếng tại Việt Nam chia sẻ. Ấm cổ Việt Nam anh không sưu tập nhiều vì thời kỳ thăng hoa của nghệ
thuật gốm sứ Việt từ triều Lý, Trần, Lê phần lớn là ấm gốm nung nhẹ lửa nên theo thời gian, cốt
thai ấm và lớp men ngoài đã yếu, không phù hợp để sử dụng.
Ấm Việt trong bộ sưu tập của anh có ấm Chu Đậu, triều Lê Sơ (thế kỷ XV), ấm đồng triều Nguyễn (thế
kỷ XVII), và ấm Lái Thiêu, Biên Hòa xưa thuộc thập niên 40 - 60. Mỗi dòng ấm mang một hình dáng,
chất liệu, kiểu thức khác biệt. Người Trung Hoa luôn tự hào về "Tứ
Quốc bảo" của mình là lụa Tô Châu, ấm tử sa, tranh thủy mạc và Kinh kịch. Không phải ngẫu nhiên mà
ấm tử sa được đưa vào quốc bảo.
Với người chơi trà thì việc sở hữu những chiếc ấm tử sa cổ thật là một điều đáng tự hào. Đỉnh cao
nhất của ấm tử sa chính là ở nghệ nhân làm ấm. Người làm ấm phải là nhà điêu khắc để chiếc ấm đạt
kỹ thuật chuẩn mực hoàn hảo, phải là một họa sĩ để thổi hồn cho những nét vẽ tuyệt đẹp, phải là một nhà thư pháp để nét chữ chạm khắc đầy bút lực và nghệ thuật, và
phải là một nhạc sĩ mà chuyển tải âm thanh của thiên nhiên, đất trời để mỗi chiếc ấm là một vỹ khúc truyền kỳ.
Người chơi ấm tử sa đều biết câu nói "Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần"
để nói về chất lượng và nghệ nhân (hoặc hiệu lò) tác tạo nên ấm. Ngày nay, việc sở hữu những chiếc
ấm đó không hề dễ dàng. Ấm Mạnh Thần tuy xếp thứ ba song lại được nhiều người yêu thích vì ngoài hình dáng, nghệ nhân khi làm ấm thường khắc những tứ thơ thú vị
dưới đáy ấm, cạnh triện đề Mạnh Thần như: Xuân đáo, Điểu năng ngôn, Thiên kim bất tác nhân, Tùng
phong thủy nguyệt...
Theo anh Nguyễn Đình, những chiếc ấm quý còn phải kể đến như: bộ ấm tích và ấm trái bần thời Thanh
thể hiện cùng một tích truyện Trúc Lâm Thất hiền (bảy người hiền trong vườn trúc), các dáng ấm thời
Ung Chính - Nhà Thanh, là hiện vật trong con tàu đắm tại vùng biển Cà Mau, có nguồn gốc từ vùng làm
gốm sứ nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Giang Tây, Trung Quốc.
Dông dài sự phú quý chơi trà của xứ người để thấy rằng có lẽ không đâu trên thế giới này, thú uống
trà lại gần gũi, dung dị như của người Việt, không một quy tắc ràng buộc, không một khuôn khổ gò
ép, không phải một không gian cứng nhắc. Với người dân tộc miền núi thì chỉ cần cho trà vào ống
bương, đổ đầy nước, quăng vào bếp đến khi nước sôi là quảy ống lên nương.
Còn ở khắp các làng quê Việt, chỉ cần một nhúm trà, một chiếc ấm rửa sạch đã có thể vắt chân mà hàn huyên chuyện thiên hạ rồi. Thú uống trà của người Việt không xem nặng thế nào mới là trà ngon, thế nào mới là đúng cách, mà chén trà như là chiếc cầu nối để gắn kết, để sẻ chia tâm tình. Cái cốt lõi của thú uống trà Việt là gắn kết đời sống, tâm tình và con người. Nâng chén trà, buông chén lòng, xích lại gần nhau. Đó chính là bản sắc nghìn năm còn ngát hương của văn hóa trà Việt Nam.
Bình luận của bạn