- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
- Kinh nghiệm nuôi con
Cho con bú chỉ một bên vú liệu ngực của mẹ có bị lệch?
Cho con bú có phải là nguyên nhân gây "khô hạn"?
Đang cho con bú có nên uống TPCN viên nén Ỷ Lan không?
Phụ nữ có thai, cho con bú cần bổ sung cả sắt và đồng
Phụ nữ đang cho con bú có nên tiêm thuốc tránh thai?
Bầu vú bên trái của tôi ít sữa hơn bên phải nên tôi thường cho bé bú bên phải. Đến giờ con gái tôi đã quen với bầu vú bên phải, khi nào cho bé bú bên trái thì bé ngọ nguậy không chịu bú nhưng vẫn bú miệt mài khi tôi chuyển sang vú bên phải. Xin hỏi, nếu bé thường xuyên bú một bên vú như vậy thì có sao không? Cũng vì bé chỉ bú một bên nên bên còn lại của tôi thi thoảng bị cương cứng, rất khó chịu. Trong một cữ bú, tôi có nên cho bé bú cả hai bên vú không? (Phương Uyên, Hà Nội)
Trả lời:
Bạn đã vô tình tạo thói quen cho con gái chỉ bú ở một bầu vú nhất định và thói quen này không hề tốt cho cả mẹ và bé. Với mẹ, việc bú một bên vú sẽ khiến cho bên bú thường xuyên càng nhiều sữa và bên còn lại vốn đã ít sữa lại càng trở nên khan hiếm hơn. Điều này có thể tạo nên chiếc vòng luẩn quẩn: Bé chỉ nhận đủ sữa từ một bên vú và lại chọn bú ở bên đó nhiều hơn. Một số bé có thể bỏ hẳn bầu vú không yêu thích, khiến việc cân bằng hai bầu vú trở nên khó khăn.
Để khắc phục điều này, bạn nên bắt đầu bằng việc chăm chỉ cho con bú bên ít sữa và bắt đầu các cữ bú bằng bầu vú này. Có thể ban đầu bé sẽ ngúng nguẩy, khó chịu nhưng nếu bạn kiên trì thì bé cũng sẽ bị khuất phục. Thông thường trong vòng một vài ngày, nếu bé chịu khó bú đều bên bầu vú bị chê thì nguồn sữa sẽ được cải thiện.
Đối với bầu vú bị cương cứng, mẹ có thể tiến hành chườm lạnh hoặc chườm nóng. Cách chườm lạnh: Đặt túi chườm lạnh trên bầu vú trong vài phút, điều này giúp làm giảm tình trạng phù nề. Bạn có thể dùng túi chườm lạnh bọc trong khăn, túi hạt đậu đông lạnh, hay một chiếc khăn ướt lạnh. Chú ý: Nên hạn chế thời gian chườm ở mức vài phút để tránh làm tổn thương da. Cách chườm ấm: Tắm vòi sen với nước ấm hoặc đặt khăn ấm lên bầu vú trong vài phút cho tới khi sữa bắt đầu xuống. Bạn cũng có thể sử dụng túi chườm nóng hay chai nước nóng bọc trong khăn vải. Sau khi chườm, hãy nhẹ nhàng xoa bóp bầu vú và vắt một chút sữa cho tới khi vùng xung quanh núm vú trở nên mềm mại. Cho bé bú đến khi vú không còn cứng nữa.
Bạn không nhất thiết phải luôn cho bé bú cả hai bầu sữa trong cùng một cữ bú. Nếu bé cảm thấy mãn nguyện sau khi bú một bên thì trong lần tiếp theo, bạn hãy cho bé bú bên còn lại, để đảm bảo cả hai bầu vú đều được kích thích và được bú cạn thường xuyên.
Nếu bé đã bú đủ lâu ở một bên bầu vú và vẫn còn đói thì bạn có thể cho bé bú tiếp bên kia. Trong lần bú tiếp theo, bạn nên cho bé bắt đầu ở bầu vú bé đã kết thúc trong lần bú trước. Ví dụ, nếu lần cuối bé đã bú bên phải rồi chuyển sang bên trái thì lần tiếp theo bạn nên bắt đầu từ bên trái rồi chuyển sang bên phải bởi các bé thường bú mạnh nhất ở bầu vú đầu tiên.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai
Bình luận của bạn