Nên xét nghiệm HIV mấy lần để có kết quả chính xác?

Để chẩn đoán nhiễm HIV, theo quy định của Việt Nam bệnh nhân sẽ phải tiến hành 3 lần xét nghiệm khác nhau cho cùng một mẫu máu

Mơ ước của đôi vợ chồng gần 20 năm sống cùng HIV

Cắt bao quy đầu giúp phòng lây nhiễm HIV

Video: HIV lây nhiễm như thế nào?

Người nhiễm HIV có thể phải dùng thêm máy trợ thính

Câu hỏi: Chào bác sỹ! Tôi đến bệnh viện xét nghiệm máu và phát hiện mình bị nhiễm HIV. Hiện nay tôi vẫn chưa được điều trị thuốc kháng virus ARV. Tôi phải làm gì tiếp theo? Tôi có nên đi xét nghiệm lần nữa cho chắc chắn không? Bệnh viện có phát thuốc miễn phí cho những người mắc bệnh như tôi không? Mong bác sỹ tư vấn. (Bạn đọc giấu tên)

Trả lời:

BS Nguyễn Tấn Thủ - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Sức khỏe Nam giới cho biết:

Bạn không nên hoảng hốt, bi quan khi phát hiện mình nhiễm HIV. Nhiễm HIV không phải là tội hay tệ nạn xã hội xấu xa đáng bị xã hội ruồng bỏ mà chỉ đơn thuần là một căn bệnh cho đến nay khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị. Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là bạn đang có virus HIV trong máu. Thực tế cho thấy nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh trong nhiều năm. Bạn hoàn toàn có quyền được hy vọng rằng trong thời gian đó khoa học sẽ phát triển và sẽ tìm ra thuốc chữa.

Để chẩn đoán nhiễm HIV, theo quy định của Việt Nam bệnh nhân sẽ phải tiến hành 3 lần xét nghiệm khác nhau cho cùng một mẫu máu. Ba xét nghiệm phải cùng cho kết quả dương tính mới có thể khẳng định chẩn đoán của bác sỹ chính xác. Điều này khác với xét nghiệm sàng lọc HIV vốn chỉ sử dụng một xét nghiệm, mô hình này nhằm loại trừ những trường hợp có kết quả âm tính, chứ chưa đủ để khẳng định kết quả chẩn đoán.

Tùy vào điều kiện cụ thể, chức năng của từng cơ sở y tế mà họ có thể cung cấp mô hình xét nghiệm sàng lọc (một xét nghiệm) hay xét nghiệm khẳng định (3 xét nghiệm). Chỉ có một số cơ sở y tế mới có chức năng cung cấp xét nghiệm khẳng định, như ở TP.HCM có Bệnh viện Nhiệt đới, Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và vài bệnh viện tuyến Trung ương. Các cơ sở y tế khác thường chỉ cung cấp xét nghiệm sàng lọc, nếu có nghi ngờ trên kết quả xét nghiệm này, họ sẽ chuyển mẫu máu sang cơ sở y tế khác để làm xét nghiệm khẳng định.

Hiện nay, thủ tục xin vào chương trình điều trị ARV miễn phí khá đơn giản, thường chỉ cần có các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ khẩu hay giấy tạm trú.

Do không biết tình huống cụ thể nên tôi không thể hướng dẫn cho bạn các bước tiếp theo, chỉ có thể cho những gợi ý sau:

- Nếu đang trong quy trình khám chữa, bạn hãy làm theo sự hướng dẫn của cơ sở y tế, họ sẽ chuyển bạn đến cơ sở điều trị. Nếu không trong quy trình, bạn có thể đến một phòng tham vấn xét nghiệm tự nguyện hay khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng xin giúp đỡ, nhân viên ở đây sẽ tùy tình hình mà làm tiếp quy trình hay thực hiện lại từ đầu. Dù trong tình huống nào, bạn cũng nên nhanh chóng thực hiện điều trị.

Bạn cũng cần chủ động hạn chế bớt một số hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác, ví dụ như khi có quan hệ tình dục phải dùng bao cao su. Bạn nên đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh bị cảm cúm hay các bệnh thông thường khác có thể làm cơ thể suy yếu. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến của bác sỹ trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Gia Hân H+ (ghi)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị