Chia sẻ của ông với TTCT nhân Hội nghị thường niên Hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á - Thái Bình Dương (CSRSAP) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.
PGS.TS Võ Văn Thành với mô hình cột sống -Ảnh nhân vật cung cấp
Chinh phục kỹ thuật cao
* Rất nhiều trường hợp bệnh nặng, ung thư cột sống di căn đã được cứu, ông có thể chia sẻ về những thành công này?
- Chúng tôi đã phẫu thuật cứu sống rất nhiều ca bệnh nặng, phức tạp như bướu cột sống, ung thư cột sống, ung thư nguyên phát, nhưng đa số di căn.
Lật lại hồ sơ, có bệnh nhân nước ngoài như Samyusen, người Campuchia, 18 tuổi, bị bướu đại bào đa nhân xâm nhập ống sống, chưa liệt, được một bệnh viện (BV) nọ mổ cắt bản sống (chỉ định sai) gây liệt. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mổ lại (2003).
Theo dõi mười năm qua cho thấy phục hồi tốt, bệnh nhân đi lại bình thường. Hoặc trường hợp một anh công an ở quận 5 bị bướu nguyên bào xương thiêng (một dạng ung thư), mổ lấy khối bướu nặng 480 gram, theo dõi trên năm năm không tái phát...
Nhiều trường hợp ung thư di căn cột sống vẫn có thể cứu chữa bằng phẫu thuật bướu và cố định bằng dụng cụ, dù có thể phục hồi vận động hoàn toàn hoặc không (bị liệt) cũng giúp nâng chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ H., 49 tuổi, ung thư di căn xương biệt hóa kém, mổ tháng 8-2009, phục hồi hoàn toàn.
Một ca khá ấn tượng là bệnh nhân Trần Thị D. 44 tuổi, bị ung thư tế bào tuyến di căn xương thiêng 1 - thiêng 2 - ngực 8 và cột sống cổ C6, di căn sọ và xương cánh tay phải. Chúng tôi mổ cột sống cổ, cắt hết toàn bộ xương thiêng, cố định dụng cụ, đặt xương ghép. Chi phí lên đến cả trăm triệu nhưng hoàn toàn miễn phí.
Theo dõi tính đến nay đã 3 năm 7 tháng vẫn còn sống. Có thể nói đây là những tiến bộ kỹ thuật mổ độc đáo.
* Hành trình để phẫu thuật đạt được kỹ thuật mổ phức tạp là bao lâu?
- Con đường tôi đi đã mấy mươi năm. Theo học cột sống với PGS.BS Hoàng Tiến Bảo từ năm 1976 và được giao chính thức mổ năm 1980, lúc đó 31 tuổi. Tính đến nay tôi đã mổ cột sống 34 năm. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng: thay đổi việc mổ cột sống lối trước (ngực, bụng) với đường mổ dài khoảng 30cm (trước năm 2000) còn khoảng 10cm.
Đó là nhờ nghiên cứu mổ trên heo vì trang thiết bị của mình còn thiếu và chọn đường mổ trung dung 10cm để các BS thế hệ kế thừa dễ tiếp thu và thực hiện hơn. Mổ kỹ thuật cao các trường hợp lao cột sống hoặc gãy xương sống có kèm liệt, bệnh nhân có thể ngồi dậy sớm, tập phục hồi chức năng sau một tuần và hi vọng phục hồi vận động đi lại sau này.
Chúng ta đã có thể phẫu thuật cho các trường hợp còng vẹo nặng mà hơn 30 năm trước chỉ có trong giấc mơ. Đặc biệt các trường hợp bệnh lý tủy cổ được phẫu thuật tạo hình bản sống thực hiện theo kỹ thuật Nhật Bản từ năm 1995, sau chúng tôi tạm dừng và chuyển sang áp dụng kỹ thuật VVT Việt Nam từ năm 2002 vì đạt kết quả cao hơn.
Các trường hợp mổ vẹo phức tạp, nặng trung bình góc vẹo 100 độ (do đa số đến trễ), từ năm 2002 mổ bằng kỹ thuật cao cấu hình toàn ốc chân cung đã cứu chữa được rất nhiều ca vẹo cột sống nặng từ khắp nơi trên cả nước. Nhiều ca tưởng chừng vô vọng mà vẫn cứu được.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nghèo vẫn được hưởng kỹ thuật cao và miễn phí dụng cụ hoàn toàn hoặc một phần (cho trên 300 ca), nhờ sự tài trợ của Hội Bệnh nhân nghèo TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Tổ chức Butterfly (Hoa Kỳ), Hội Áo dài Nhật Bản, Công ty Samsung Electronics...
Trăn trở về đội ngũ
*Thưa BS, nhiều bệnh nhân khi nghe phải mổ cột sống thường rất lo sợ bị tai biến, liệt và thực tế cũng đã xảy ra nếu BS chuyên môn yếu hoặc chỉ định sai...
- Chúng tôi đã rất ý thức và tâm huyết trong tổ chức huấn luyện, đào tạo qua các hội thảo khoa học tổ chức tại TP.HCM. Số chuyên gia nước ngoài sang hội thảo, giảng dạy tăng dần qua các năm. Phải nói GS, BS các nước rất quý VN, họ đều là những người giỏi, có công trình nghiên cứu, tự bỏ tiền túi sang dự và giảng bài, riêng Tổ chức Butterfly không chỉ tham dự mà còn tặng dụng cụ để miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Tuy nhiên, điều bức xúc là số BS chấn thương chỉnh hình VN quá ít, BS cột sống lại càng ít ỏi so với các nước. Chúng ta chỉ có khoảng 100 tiến sĩ, BS chuyên khoa 2 về chấn thương chỉnh hình/90 triệu dân. Cho tới nay, "chính danh" chỉ có bốn khoa cột sống tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, BV Việt Đức, BV Trung ương Quân đội 108 và BV Đa khoa Khánh Hòa.
Số BS theo nghề cột sống chính danh chỉ khoảng 40 người. Đó là lý do tại sao tôi đi nhiều nước tìm và gìn giữ quan hệ quốc tế, tổ chức các lớp bồi dưỡng sau đại học cho ngành cột sống qua các hội nghị tổ chức tại TP.HCM, nếu không sẽ thiệt thòi cho bệnh nhân.
Một trong những nguyên do khiến nhân lực BS chấn thương chỉnh hình "khiêm tốn" là chương trình đào tạo của VN quá vòng vo. Quy trình đào tạo của Pháp: tốt nghiệp tú tài 18 tuổi +6 +6 năm ra BS chuyên khoa chấn thương chỉnh hình; Nhật: 18+6+6; Hàn Quốc: 18+6+6; Thái Lan: 18+6+4; Mỹ: 18+7+5, nếu muốn mổ cột sống phải học thêm hai năm nữa. Tất cả ra trường đương nhiên là tiến sĩ.
Còn ở VN: 18+6 ra trường tiếng là BS nhưng thực chất hưởng lương cử nhân y khoa. Phải làm ...x năm rồi thi học chuyên khoa 1, nếu đậu học hai năm ra chuyên khoa 1. Đi làm ...y năm, thi học chuyên khoa 2 hoặc thi học thạc sĩ (thêm hai năm, nghiên cứu bên trường). Vì vậy có BS trên 50 tuổi mới "lấy" được chuyên khoa 2, có người "lấy" được chuyên khoa 1 tới... già luôn, không học lên chuyên khoa 2.
Trong khi BS Thái Lan 28 tuổi đã có chuyên khoa (ví dụ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, muốn học chuyên khoa cột sống phải học hai năm nữa), không phân loại chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 như VN.
Đào tạo kiểu ở VN vô hình chung hạ thấp giá trị của một BS mới ra trường, đồng
thời gây khó khăn cho con đường tiến thân của BS đó để trở thành BS chuyên khoa. Với các BS làm nội
trú ra trường tương đương thạc sĩ hoặc chuyên khoa 1 vẫn là cách huấn luyện nửa vời.
PGS.TS Võ Văn Thành cùng các bệnh nhân vẹo cột sống (sau mổ) - Ảnh nhân vật cung cấp
Và "giấc mơ"
* Theo ông, làm thế nào để có một đội ngũ BS cột sống trẻ giỏi?
- Tôi có hai giấc mơ: sớm thành lập khoa cột sống chính danh tại các BV, và thành lập bộ môn cột sống tại các trường đại học y dược để đào tạo BS chuyên khoa cột sống, cắt ngắn con đường đào tạo quá dài dòng, quanh co, như không cần học thêm phẫu thuật tứ chi hay phẫu thuật sọ não như chương trình đào tạo hiện nay.
Thay vào đó, tập trung đào tạo, học những chuyên ngành liên quan như phẫu thuật lồng ngực, tim mạch, phẫu thuật bụng, cắt ngắn thời gian, giảm chi phí đào tạo, sớm có đội ngũ kế thừa.
Đây là ý niệm mới không chỉ ở VN mà còn của thế giới. Hiện người ta mổ cột sống trong khoa ngoại thần kinh hoặc khoa chấn thương chỉnh hình. VN có niềm tự hào vì từ năm 1980 GS Hoàng Tiến Bảo đã thành lập đơn vị cột sống đầu tiên 38 giường tại BV Bình Dân, chứng tỏ mình đã bắt kịp tầm quốc tế.
VN đã mở bốn khoa cột sống tại một số bệnh viện, giúp đội ngũ BS chuyên khoa cột sống phát triển dần. Chúng tôi đang xin thành lập bộ môn cột sống tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và hi vọng sẽ sớm được sự đồng ý của UBND TP. Thành lập bộ môn cột sống trong các trường đại học là một nhu cầu đào tạo cấp bách, đồng thời là đột phá của VN.
Hiện chúng ta có đầy đủ nhân sự, có sẵn môi trường huấn luyện, tài liệu không thiếu, kinh nghiệm độc đáo thừa sức truyền đạt cho nhau, mối quan hệ quốc tế cũng đủ tốt để gửi BS trẻ đi học khắp nơi. Tóm lại, chỉ cần có quyết tâm.
Hội nghị thường niên Hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á - Thái Bình Dương (CSRSAP) lần thứ 5 và hội nghị thường niên Hội Cột sống cổ TP.HCM lần thứ 20 diễn ra từ ngày 3 đến 8-4 tại TP.HCM với trên 170 báo cáo khoa học, bài giảng của các giáo sư, bác sĩ là chuyên gia nghiên cứu tầm cỡ đến từ 20 quốc gia. Chương trình còn có khóa chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật của Tổ chức Butterfly (Hoa Kỳ) tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Đây là lần đầu tiên CSRSAP tổ chức hội nghị trong vùng Đông Nam Á để cập nhật, chuyển giao kiến thức mới, giúp phát triển phẫu thuật cột sống cổ với định hướng đúng đắn trong chiến lược lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương. |
Bình luận của bạn