Tục xin chữ, xin câu đối ngày Xuân vẫn có những nét thú vị không ngờ
Gần đây, thông qua mạng xã hội, nhiều người biết đến làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thực sự là một làng thơ và câu đối đặc sắc. Nhiều người biết Đông Bích là quê hương của các nhà thơ họ Vương nổi tiếng xa gần như Vương Trọng, Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn), Vương Cường, Vương Đình Trâm, Vương Duyệt, Vương Long… với 3 người là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hàng chục người hội viên thơ các tỉnh. Thơ văn của con em nhà họ Vương đã được xuất bản thành tuyển tập chung, chưa kể các tuyển tập riêng của từng tác giả. Đó là sách Họ Vương - thơ tuyển, tuyển chọn thơ ca của dòng họ trong 10 đời từ năm 1760 đến năm 2012, dày 1.000 trang. Riêng nhà thơ Vương Trọng đã xuất bản 30 đầu sách, 4 lần in tuyển tập thơ và cuốn mới nhất xuất bản năm 2023, dày 600 trang.
Nhưng không chỉ có thế, làng Đông Bích còn là làng câu đối hiếm có nơi nào sánh được. Theo ông Vương Long, làng Đông Bích có khoảng 150 hộ dân, có tới 32 nhà thờ họ, nhiều nhà thờ được xây dựng trên dưới vài trăm năm. Ở Đông Bích, có loại câu đối được khắc treo trong nhà thờ, nhà ở, có loại “treo” trong dân gian theo phương thức truyền miệng. Nhiều câu đối có tác giả, nhưng phần nhiều không rõ tác giả là ai, viết ra khi nào. Có câu đối chữ Hán-Nôm, có câu đối chữ quốc ngữ. Câu đối treo trong nhà thờ họ phần lớn là chữ Hán, thường nhấn mạnh gốc tích, quá trình tồn tại và phát triển của dòng họ. Điều đáng quý là các câu đối đều vượt lên cách nói chung chung, gợi nên những địa danh thiêng liêng nơi phát tích để cháu con tưởng nhớ, tự hào. Ví dụ con cháu nhà họ Vương đọc câu đối: "Bích chử quang lưu bồng hài nguyệt/Quỳ phong ấm dẫn kiến sơn vân” (Bãi làng Bích mãi ngời sáng ánh trăng từ biển Bồng chiếu tới Đỉnh núi Quỳ còn ấm vầng mây núi Kiến chở che)… thì biết rõ tổ tiên, gốc tích của mình ở miền Hội An - Quảng Nam, để nhớ về, ngưỡng vọng, tự hào và phát huy.
Qua câu đối để lại, có thể thấy ở Đông Bích, có thể thấy dòng họ Nguyễn Văn tự hào có nhiều võ tướng, thì dòng họ Vương Đình tự hào về nghiệp văn, đề cao học hành, chữ nghĩa, dòng họ Trần Văn lại tự hào khẳng định “Nhân nghĩa tạo gia phong/Cần lao tu tổ nghiệp” (Điều nhân nghĩa làm nên nền nếp gia đình/Sự lao động cần cù luyện thành truyền thống họ tộc). Ông Vương Long khẳng định: Câu đối không chỉ thể hiện nguồn gốc mà còn nêu bật lên truyền thống, đặc điểm riêng của mỗi dòng họ, khơi dậy niềm tự hào và ý chí phấn đấu của con cháu theo bước cha ông. Câu đối cũng là khát vọng, niềm mong mỏi của tiền nhân gửi cho hậu thế, là lời nhắc nhở cháu con về việc gìn giữ và phát huy truyền thống dòng họ, làng xóm, quê hương, đề cao lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Câu đối viết bằng chữ quốc ngữ ở cổng nhà thờ họ Phan là một ví dụ:
Dựng sáng từ đường, khắp chốn họ hàng về hội tụ
Khai quang cổng ngõ, đầy sân con cháu đến đông vui
Được biết, các nhà thơ Thạch Quỳ, Vương Trọng hay Vương Đình Trâm vừa làm thơ hay vừa làm câu đối hay hệt như bao người dân hay chữ hay nghĩa trong làng Đông Bích. Đó là câu đối Thạch Quỳ mừng chú Vương Đình Trâm lên tuổi 70:
“Bảy chục rồi ư? Mây trắng tóc này chưa dễ trắng
Trăm năm còn đó! Trời xanh mắt ấy hãy còn xanh!”
Nhiều người biết và cảm phục Nhà thơ Vương Trọng vừa làm thơ hay về các cô gái ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, lại cũng viết những đôi câu đối, bài văn tế xuất sắc, thăm thẳm lòng người, như:
“Vĩnh viễn tuổi xanh, xanh gió xanh trờiCan Lộc
Thiêng liêng cờ đỏ, đỏ hồn, đỏ máu Việt Nam”
***
Nói về làng Đông Bích thơ ca và câu đối ở miền trung khô cằn nắng nóng, không thể không nói đến làng Chùa - làng thơ “tay ta gieo hạt, miệng ta gieo lời” ở xứ Đoài nức tiếng gần xa lâu nay. Đó là làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), thường được gọi là làng Chùa theo tên nôm.
Theo báo Tuổi trẻ Thủ đô (27/07/2022), ở ngay cổng làng Chùa được khắc bốn chữ “Vọng Tự Nhập Xuất” với nghĩa nhìn chữ để biết việc ra vào. Ở đây, chữ còn có thể là văn hóa, tri thức, là sự thấu hiểu sách vở, cuộc đời. Cũng vì thế, việc ra vào không đơn giản là đi lại thông thường mà chính là cách ứng xử với con người và thời cuộc, với thiên nhiên rộng lớn và bao dung... Hương ước của làng Chùa viết: “…Làng ta không phải là làng Bảng nhãn, Thám hoa nhưng là làng hiếu học tự ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức. Mừng thay! Mừng thay! Đất này đã sinh ra những thi sĩ…”
“Những thi sĩ” mà Hương ước làng Chùa nói trên là những nhà thơ chân lấm, tay bùn của làng, những “Hội viên thơ làng Chùa” như ông Ngô Hữu Lộ, từng viết:
“Người ơi về với làng Chùa
Quê hương khoai lúa chiêm mùa tốt tươi
Gặp trong ánh mắt, nụ cười
Tình quê còn nặng mà tươi tâm hồn…”
Nhiều người làng Chùa lam làm, hay chữ, nên thường ví
“Uốn chữ tròn khuôn như đan rổ
Chuốt câu, bẻ ý tựa vót nan tre
Gieo vần khuôn thức như ươm mạ
Hạt giống góp dành nhớ mùa sau”
Hay là nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thậm chí đến mức là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam như ông Nguyễn Quang Thiều, từng viết rất nhiều bài thơ hay về làng mình, trong đó có bài thơ “Tôi hát về cố hương tôi”:
“Tôi hát, tôi hát về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi”
Và họ đã cùng góp công làm nên một làng Chùa – làng thơ được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ. Đã từng có những cuộc thi thơ trong nội bộ làng Chùa rất thu hút và thành công. Rồi nhân 25 năm thành lập Hội thơ làng Chùa đã có Cuộc thi thơ với tên gọi “Thơ ca và nguồn cội” được phát động trong cả nước, được rất nhiều người hưởng ứng và thành công vang dội (2008).
Với người dân làng Chùa, thơ ca ở ngay chính cuộc sống của họ, từ những điều giản dị nhất. Toàn bộ cuộc sống và tâm hồn của họ đã được kết tinh thành thơ, thành những lời nói/câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đầy thi vị và vang xa:
Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng
Nơi đông người thì cày cấy, chốn một mình thì làm thơ
Một chữ có ÂN thì nở hoa, vạn chữ chỉ có OÁN thì chỉ sinh sâu bọ
Thuộc một câu thơ hay, quên một câu chửi độc
Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng.
Rộng hơn cánh đồng là chân trời.
Rộng hơn chân trời là lòng người…
***
Dễ thấy câu chuyện làng Đông Bích hay làng Chùa nói trên, không chỉ gói gọn trong chuyện làng, việc làng mà thực ra đã tiến ra việc nước, chuyện nước, chuyện cuộc đời. Làng vốn bé nhỏ về địa lý, về mọi mặt nhưng cái chính là người làng yêu lao động, yêu cuộc sống, góp bao công sức để làm rạng rỡ tên đất, tên làng trong bước đi chung của bao làng quê khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Mong sao bên cạnh làng Hành Thiện, làng Quỳnh Đôi học giỏi, đỗ đạt, làng cổ Đường Lâm và nhiều nơi khác đang được tập trung khai thác, phát huy giá trị về kinh tế - văn hóa, thì làng Đông Bích - làng thơ và câu đối, làng Chùa - làng thơ sẽ tiếp tục được đông đảo người dân tìm về không chỉ trên sách vở, mà cả bằng thực tiễn sinh động trong các hoạt động tu bổ, nâng cấp các hoạt động văn hóa - du lịch gần xa. Bởi đó chính là những nét đặc sắc, riêng có trong tổng thể xây dựng và phát triển làng văn hóa trong cả nước.
Bình luận của bạn