Empty
Empty
Empty
Empty

Tháng 9/2022, nhân có đồng nghiệp cùng dạy học với chúng tôi tại một trường trung học ở Vũng Tàu, từ Mỹ về thăm trường cũ, học trò cũ tổ chức hội ngộ, ca tụng công ơn thầy cô. Cũng dịp đó, học trò của chúng tôi - nay cũng vào tuổi trên dưới 60 - đã nhớ và đọc cho nghe lại 4 câu thơ mà các em ấn tượng, nhưng không biết tác giả là ai, chỉ biết đó là bài thơ được in trong tập san xuân năm 1973 của trường:

Empty

Bốn câu thơ cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tôi nghe như những mũi kim mới, nhói đau tâm can. Những người có học, trước khi vào đời, đều là học trò, và thầy cô ít nhiều đã ảnh hưởng vào cuộc đời khi lớn lên, trưởng thành, trở thành người tử tế…

Empty

Bài thơ ngắn phản ảnh, không phải “sự thất bại” của người thầy, mà chính là “sự thành công”, vì điều cốt lõi nhất của giáo dục chính là dạy cho học trò hy vọng. Hy vọng vào tương lai, hy vọng vào điều thiện lành của cuộc sống khắt khe và đầy thử thách. Đằng sau 4 câu thơ này, tôi nhận ra một tư duy phản biện của học trò, khi biết đối chiếu giữa thực tế và lẽ phải mà thầy cô đã dạy, để tự mình tìm ra cách giải quyết của riêng mình: “mở trừng mắt tìm kiếm tương lai”.

Cũng như học trò của mình, tôi đã có một thời trung học kéo dài 7 năm, không chỉ là thời đi học, mà là thời đáng sống nhất của tôi. Bất cứ ai đã từng là học sinh, đều biết việc học ở giai đoạn chuyển tiếp từ nhi đồng sang thiếu niên hay về mặt sinh học, từ trẻ con sang dậy thì, quan trọng như thế nào. Rất nhiều người trong chúng ta không chú ý “hiện tượng” chuyển tiếp này.

Trường trung học đã dạy chúng tôi tư duy độc lập, tự tin, động lực và ý chí vượt qua chính mình. Những ngày đi học dưới mái trường này, dù là thời kỳ chiến tranh, thực sự là những ngày đẹp nhất trong cuộc đời. Đối với tôi, những ngày tháng này như một kho báu vô giá.

Tài sản lấp lánh nhất trong “kho báu”đó, chính là kỷ niệm với những người thầy.

Empty

Mặc dù vào cuối khóa tức tốt nghiệp trung học, tôi được nhận phần thưởng hạnh kiểm tốt, cùng với phần thưởng học lực và hoạt động văn nghệ báo chí, tôi vẫn thấy tôi đã phạm rất nhiều sai lầm trong suốt những năm trung học của mình. Tôi thật biết ơn thầy cô đã phạt nặng để tôi có thể tự mình sửa sai suốt cuộc đời.

Hút thuốc: Ngay khi bắt đầu lên lớp đệ lục (lớp 7), tôi và các bạn cùng lớp đã bắt đầu tập hút thuốc lá, vì nghĩ rằng hút thuốc mới là người trưởng thành. Vào một buổi chiều mùa đông, mưa lớn, học sinh chen chúc trong hành lang dãy lớp trái để tránh mưa, ba đứa nhỏ: tôi và hai bạn nữa, lấy thuốc ra tập hút. Đang phì phèo, bỗng một cái tát khiến tôi xây xẩm mặt mày. Quay lại, trước mắt tôi, là cô giáo hướng dẫn của lớp… Năm đó, tôi bị tước tất cả phần thưởng vì hút thuốc. Tôi đã buồn đến nỗi muốn bỏ học. Nhưng tôi đã vượt qua được và đó là lý do tại sao sau này tôi không hút thuốc như nhiều người cùng thế hệ.

Không mặc đồng phục vào ngày thứ hai (quần trắng): Một kỷ niệm nữa khắc ghi trong ký ức về kỷ cương, kỷ luật của một tổ chức phải được giữ nghiêm thế nào. Tôi không biết bây giờ vào ngày thứ hai, nam sinh có phải mặc quần trắng áo trắng, và nữ sinh mặc áo dài xanh thiên thanh, hay không? Thời chúng tôi đi học đó là kỷ luật. Năm đệ nhất (12), vào một ngày thứ hai, tôi không mặc quần trắng, mà vẫn mặc quần kaki xanh như ngày thường, đơn giản vì chiếc quần trắng duy nhất mặc suốt bảy năm đã chật, ngắn và sờn rách. Thầy giám học đã bắt các cậu học trò không mặc quần trắng xếp một hàng dưới cột cờ. Tôi nhớ khoảng 10 bạn, toàn là học sinh cuối cấp, tức là lớn nhất trong trường. Thầy hỏi lý do từng đứa. Khi đến tôi, thầy hỏi: “Tại sao em không tuân thủ kỷ luật nhà trường?” – “Thưa thầy, tôi…”. Chưa hết câu tôi bị một cái tát như trời giáng (lúc đó thầy còn rất khỏe), kèm theo: “Em dám xưng TÔI với thầy sao?”. Bây giờ nhớ lại, không hiểu lúc đó tôi bình tĩnh kỳ lạ, nhận ngay ra lỗi xưng hô của mình và lí nhí: “Xin lỗi thầy.” Tôi nghĩ thầy sẽ phạt nặng, nhưng hình như sau đó mọi việc vẫn êm trôi suốt năm học. Tôi vẫn nhận phần thưởng hạnh kiểm như đã nói ở trên. Sau này, ở bất cứ cơ quan hay tổ chức, dù lớn dù nhỏ, tôi cũng luôn chủ động gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương của tổ chức hay cơ quan đó.

Hai cái tát nhớ đời trong thời trung học tuổi teen ảnh hưởng sâu xa đến tôi sau này, nhất là ở lãnh vực báo chí và giáo dục - hai lãnh vực vốn đầy sáng tạo, lại rất cần “văn hóa tuân thủ” rất cao.

Empty

Một trong những mối quan hệ trong sáng và truyền cảm hứng sâu sắc nhất là mối quan hệ thầy trò, không chỉ hình thành từ trường học, mà ngay trong gia đình và xã hội. Tôi nhớ thời đi học, khi tôi về nhà kể cho cha mẹ những hình phạt của thầy cô, thì cha mẹ không bao giờ đổ lỗi cho thầy cô, mà còn “gia tăng” trừng phạt nghiêm khắc với con. Dù thầy cô có một vài hành vi thiếu chuẩn mực đối với học trò, nhưng một đứa trẻ được giáo dục tốt về lòng kính trọng thầy có thể kềm chế những hành động ngu ngốc của mình vì bị thầy quở phạt. Tôi không nghĩ rằng những đứa trẻ, dù đôi khi bị thầy cô “lỡ tay” lại trở thành hư hỏng khi lớn lên, hoặc mất tự tin khi trưởng thành.

Empty

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, cha đẻ của quốc gia Singapore, là một người coi trọng nghề thầy. Ông nói: “Giáo viên phải cảm thấy họ đang làm điều gì đó đáng giá. Không giáo viên nào có thể thực sự thi hành bổn phận của mình nếu anh ta không cảm thấy mình đang làm điều gì đó xứng đáng. Mỗi giáo viên phải có trách nhiệm với tất cả học trò”. Ông Lý Quang Diệu kể lại câu chuyện ông đã bị thầy phạt đánh roi vì thường đi trễ. Và ông thấy “biết ơn” vì những đòn roi đó.

Empty
Empty

Nhân câu chuyện này, tôi nhớ câu chuyện khác về nhà văn lừng danh người Nga Anton Tchekov và các thầy cô giáo của ông thời đó. (Lưu ý rằng ông sinh năm 1860 và mất năm 1904, tức là trước cuộc cách mạng Nga). Tchekov từng nói với Maxim Gorki rằng ông muốn dành tiền để xây một nhà dưỡng lão cho các thầy cô giáo của nước Nga, mà theo ông, bị bạc đãi và đẩy xuống đáy xã hội đương thời:

“Nếu có nhiều tiền, tôi sẽ xây ở đây một viện điều dưỡng cho các thầy cô giáo của đất nước này. Đó sẽ là một dinh thự rộng lớn - sáng sủa, rất sáng sủa, với cửa sổ lớn và trần nhà cao. Người thầy phải là người xứng đáng được vinh danh và tưởng thưởng! Nếu bạn chỉ biết rằng các thầy cô giáo thông minh, giỏi giang, cần thiết như thế nào đối với người dân! Nếu không có sự giáo dục rộng rãi của người dân, Nhà nước sẽ đổ nát như một ngôi nhà bằng gạch mục nát. Chúng ta phải tạo một vị trí cho giáo viên cao nhất có thể. Chúng ta thấy gì hôm nay? Thay vì một nghệ sỹ say mê cống hiến cho thiên chức của mình, các thầy chỉ là người thợ thủ công nghèo khổ, đi khắp các làng quê để truyền dạy con chữ cho lũ trẻ, với lòng hăng say như thể đang khám phá vũ trụ. Nhưng Anh ta (thầy) đang đói, anh ta bị áp bức; anh ta sợ hãi với ý tưởng mất thu nhập của mình (vì bị đuổi việc). Trong khi đó, các thầy phải có đủ năng lực để giải đáp mọi thắc mắc của người dân, để người đời sau biết ơn anh ta vì đào tạo một lực lượng trí thức cho đất nước”*.

Empty

Câu chuyện của Tchekov là câu chuyện thực, không phải là một vở kịch, về người thầy. Ông kể có lần ông đã oán trách vì thầy “đánh” học trò, nhưng, sau đó, người thầy đã giải thích: “Đúng rồi. Đã có một trường hợp như vậy. Đó là thầy Makarov. Hành vi đó không đúng, nhưng có thể hiểu được. Hôm đó, vợ thầy ốm và bản thân thầy ấy cũng đầy bất an. Lương 20 rúp một tháng. Thầy được cho ở trong một căn hầm chật chội, tối tăm, thiếu vệ sinh trong trường. Trong những điều kiện như vậy, người ta có thể tát vào mặt thiên thần của Đức Chúa Trời và điều đó không thể được gọi là tội lỗi. Và các cô cậu học sinh không phải là thiên thần trong một chặng đường dài học tập chông gai để thành người.”

Người thầy tội nghiệp đã khiến nhà văn lớn viết lại sau này: “Thật là ngu xuẩn khi không trả lương khá cho người được kêu gọi để giáo dục nhân dân, bạn thấy đấy! Giáo dục người dân! Không; Không nên để một người thầy như vậy sống trong bộ quần áo rách rưới lâu hơn nữa, đến nỗi anh ta phải run rẩy vì lạnh trong những phòng học ẩm thấp, không vệ sinh, đến nỗi anh ta mắc bệnh thấp khớp và kiệt sức ở tuổi ba mươi! Đó là một sự ô nhục đối với chúng ta! Người ta nói rằng những thầy cô giáo hoàn thành một sứ mệnh cao cả, vĩ đại đã bị đối xử một cách khinh thường. Bạn có biết rằng khi tôi bắt gặp một thầy giáo, tôi cảm thấy bất an trước thầy ấy, vì sự rụt rè và vì cách ăn mặc rách rưới của thầy không? Đối với tôi, dường như chính tôi là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ của thầy ấy”. “Chắc chắn là chúng ta là một quốc gia ngu ngốc và tồi tệ!”

Empty

Bây giờ thì thế hệ các bạn trẻ, con cháu tôi thật sung sướng khi sinh ra đã có hòa bình, được giáo dục đầy đủ một nền tảng nhân văn, lấy con người làm mục tiêu cao nhất. Dù sao, tôi vẫn muốn nhớ lại đời học sinh kéo dài 7 năm, yên tĩnh có, xáo động có. Buồn đau và thất vọng cũng vô số. Nhưng, thời trung học là quãng thời gian đẹp nhất và ít lãng phí nhất, nhờ công lao dạy dỗ của các bậc thầy luôn luôn đáng kính. Tôi mong muốn rằng các thầy cô trẻ sẽ là thế hệ nhà giáo kế thừa xứng đáng trong sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí…”

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa