Nghiên cứu: Khả năng sống sót sau ngưng tim ngoại viện tại Việt Nam

Ngưng tim ngoại viện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới

Cứu sống bé trai 13 tuổi ngừng tim, hôn mê sâu vì bị bạn đá bóng trúng bụng

10 nguyên nhân gây ra hội chứng ngừng tim đột ngột

Ngừng tim, đau tim và suy tim khác nhau thế nào?

Thiếu calci làm tăng nguy cơ gây ngừng tim, đột tử

Giới thiệu bối cảnh nghiên cứu

Tỷ lệ sống sót khi bị ngưng tim ngoại viện có thể phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh, cũng như chất lượng của hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp.

Ở Việt Nam, hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp được đánh giá vẫn chưa thực sự phát triển. Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách toàn quốc về hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, chỉ một số nơi, chẳng hạn như ở khu vực thành thị mới có hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp hoạt động.

Hơn nữa, xe cứu thương, nhân viên y tế được đào tạo cũng như các trang thiết bị cứu sinh vẫn còn hạn chế, việc giám sát y tế và giám sát thường xuyên các chỉ số chất lượng cũng không phổ biến. Do đó, nhân viên của các dịch vụ y tế khẩn cấp thường làm việc quá sức và không thể đáp ứng kịp thời các trường hợp khẩn cấp.

Thêm vào đó, mặc dù bảo hiểm y tế quốc gia được thành lập vào năm 1992 để cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu chi phí người dân phải bỏ ra, các dịch vụ y tế khẩn cấp và xe cứu thương tư nhân hiện không được bảo hiểm y tế chi trả.

Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, chỉ có 4% (3/75) bệnh nhân bị thương được chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân được đưa đến bằng xe taxi, xe máy và thường không được sơ cứu kịp thời.

Nhiều người bị ngưng tim ngoại viện cũng không được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương, thậm chí nhiều người còn không được đưa đến bệnh viện. Do đó, việc điều trị cho người bệnh thường bị trì hoãn, gây ra nhiều kết quả tiêu cực.

Việc sơ cứu, cấp cứu người bị ngưng tim ngoại viện tại Việt Nam còn chưa thực sự tốt

Nghiên cứu khả năng sống sót sau ngưng tim ngoại viện tại Việt Nam

Phương pháp

Các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu quan sát tiền cứu tại nhiều địa điểm, với đối tượng là những người trưởng thành (trên 18 tuổi), có biểu hiện ngưng tim ngoại viện (không phải do chấn thương) tại 3 bệnh viện tuyến 3 tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2018.

Các nhà khoa học thu thập dữ liệu về đặc điểm, cách xử lý, kết quả của các bệnh nhân bị ngưng tim ngoại viện, sau đó so sánh các dữ liệu này theo cách thức người bệnh được đưa tới bệnh viện, cũng như tỷ lệ sống sót khi nhập viện. Các chuyên gia đã đánh giá các yếu tố liên quan đến khả năng sống sót khi nhập và xuất viện bằng cách sử dụng phân tích hồi quy logistic.

Kết quả nghiên cứu

Trong số 590 người bị ngưng tim ngoại viện, 440 người (74,6%) là nam giới, có độ tuổi trung bình là 56 tuổi. Có 17,7% (92/519 trường hợp) có tiền sử bệnh tim. Hầu hết các ca ngưng tim (67,8%, hay 400/590 trường hợp) xảy ra tại nhà, với 79,4% (444/559) do người ngoài chứng kiến ​​và 22,3% (124/555) được người ngoài giúp hồi sức tim phổi.

Chỉ có 8,6% (51/590) trường hợp được đưa đến bệnh viện bởi các dịch vụ y tế cấp cứu và 32,2% (49/152) được khử rung tim trước khi nhập viện. Khử rung tim trước khi nhập viện và hồi phục tuần hoàn tự nhiên tại khoa cấp cứu có liên quan đến khả năng sống sót khi nhập viện.

Chỉ có 22,3% (124/555) bệnh nhân được hồi sinh phổi bằng ô tô. 22,7% (134/590) người bị ngưng tim ngoại viện được tiêm Epinephrine và 20,3% (120/590) được xử lý đường dẫn khí (đường thở) trước khi nhập viện.

Liệu pháp hạ thân nhiệt trong quá trình chăm sóc sau hồi sức cũng có liên quan đến khả năng sống sót sau khi xuất viện. Tuy nhiên, chỉ có 13,6% (80/590) bệnh nhân ngưng tim ngoại viện được áp dụng liệu pháp này. Chỉ 1,2% (7/588) được sử dụng liệu pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể.

Trong số 590 người bị ngưng tim ngoại viện, 112 (19%) trường hợp được tái lập tuần hoàn tự nhiên ngay tại hiện trường bị ngưng tim, hoặc trên đường tới bệnh viện. 146 (24,7%) người được tái lập tuần hoàn tự nhiên trong khoa cấp cứu.

Nhìn chung, có 24,2% (143/590) trong số này sống sót sau khi nhập viện và 14,1% (83/590) sống sót sau khi xuất viện. 5,6% (33/590) sống sót với chức năng thần kinh tốt.

Nếu được cấp cứu kịp thời, đúng cách, người bệnh sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn

Kết luận

Tại Việt Nam, với những người bị ngưng tim ngoại viện, việc chăm sóc trước khi nhập viện thông thường chỉ là nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở cấp cứu gần nhất, bằng các phương tiện gần nhất, đủ lớn để chứa người bệnh.

Việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng để cải thiện tỷ lệ sống ở người bị ngưng tim ngoại viện. Tuy nhiên, kỹ thuật hồi sức tim phổi (bao gồm ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo) thường không được thực hiện ở Việt Nam.

Việc sử dụng máy khử rung tự động bên ngoài trước khi đội ngũ y tế, cấp cứu có mặt cũng có liên quan tới khả năng sống sót, kết quả chức năng thần kinh tốt hơn cho người bệnh sau này.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu trên, các chuyên gia nhận thấy việc sử dụng máy khử rung tim (được thực hiện bởi người dân xung quanh) cũng không cải thiện khả năng sống sót của người bệnh sau khi nhập viện. Các chuyên gia cho rằng thiếu kiến ​​thức và kỹ năng, cũng như việc sợ làm tổn hại đến người khác có thể ngăn người dân sử dụng máy khử rung tim một cách hiệu quả.

Do đó, các chuyên gia đề xuất cần nâng cao khả năng sơ cứu của người dân, tăng số lượng người được đào tạo về cấp cứu, sơ cứu khẩn cấp.

Cải cách kinh tế và chính trị đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ sơ cứu cần thiết cho bệnh nhân ngưng tim ngoại viện vì nguồn lực còn yếu và cơ sở hạ tầng không đầy đủ.

Ngoài ra, nhiều nhân viên tư vấn y tế qua điện thoại cũng không có khả năng xác định trường hợp ngưng tim, do đó không thể cung cấp hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng cách cho người gọi. Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia nhận thấy rất ít bệnh nhân ngưng tim ngoại viện được chăm sóc và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ những người được tái lập tuần hoàn tự nhiên ngay tại hiện trường bị ngưng tim, hoặc trên đường tới bệnh viện và sống sót sau khi xuất viện thấp hơn đáng kể ở những người được đưa đến bệnh viện bằng dịch vụ y tế cấp cứu, so với những người được đưa tới bằng xe cấp cứu tư nhân.

Nguyên nhân có thể do số lượng trang thiết bị cứu sinh hạn chế; Các trung tâm dịch vụ cấp cứu y tế thường bị quá tải; Số lượng nhân viên cấp cứu được đào tạo và có trình độ chuyên môn ít, thường làm việc quá sức.

Do dịch vụ y tế khẩn cấp còn hạn chế ở Việt Nam, các dịch vụ xe cấp cứu tư nhân có khả năng hồi sinh tim phổi, được trang bị thuốc, máy khử rung tim hoặc ít nhất một chuyên gia y tế được đào tạo để đối phó với các trường hợp khẩn cấp… đã được thành lập. Năm 2011, Bộ Y tế đã cấp giấy phép, cho phép các dịch vụ này trong việc tiến hành sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân. Chính sách này không thay đổi kể từ đó tới nay.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, liệu pháp hạ thân nhiệt (một phần quan trọng của việc chăm sóc sau hồi sức) thường được áp dụng cho những bệnh nhân được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu tư nhân. Hầu hết tất cả những người bị ngưng tim ngoại viện được xe cấp cứu tư nhân đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (nơi duy nhất thực hiện liệu pháp hạ thân nhiệt) cũng có thể giải thích cho phát hiện này.

Liệu pháp hạ thân nhiệt đã được chứng minh có thể làm giảm tổn thương thần kinh sau khi ngưng tim, là nền tảng của việc chăm sóc sau ngưng tim. Tỷ lệ sống sót khi xuất viện ở những bệnh nhân được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu tư nhân cao hơn so với những bệnh nhân được đưa đến bằng các loại phương tiện giao thông khác có thể được giải thích bởi việc họ có cơ hội cao hơn tiếp cận với liệu pháp này.

Nói tóm lại, để cải thiện tỷ lệ sống sót ở những người bị ngưng tim ngoại viện, hệ thống y tế Việt Nam cần có những cải tiến trong các dịch vụ y tế khẩn cấp, ví dụ như tăng số người biết thực hành sơ cứu hồi sức tim phổi, tiếp cận phương pháp khử rung tim trong cộng đồng, cải thiện chất lượng của các xe cứu thương, cải thiện chất lượng việc chăm sóc sau hồi sức.

Vi Bùi H+ (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội