1- NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CÓ VI KHUẨN GÂY LIỆT CƠ
Vi khuẩn gây ngộ độc loại này chỉ phát triển trong môi trường thiếu oxy. Bào tử vi khuẩn có rất nhiều trong môi trường bên ngoài sẽ chuyển thành dạng hoạt động sinh độc tố thần kinh là Botulinum toxin khi ta bảo quản thức ăn không hợp vệ sinh trong những đồ chứa kín thiếu oxy như đồ hộp, thịt nguội, jambon, xúc xích trong túi ni lông hút chân không, nước trái cây đóng hộp, sữa hộp đóng kín.
Trong vòng 12 - 36 giờ sau khi ăn, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng tiêu hóa như: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân bắt đầu bị táo bón, khô miệng, nhìn mờ, nhìn hình đôi, khó nói, khó nuốt, yếu liệt hai tay rồi đến hai chân. Nặng nề và nguy hiểm nhất là liệt các cơ hô hấp gây khó thở, rất dễ gây tử vong.
2- NGỘ ĐỘC NẤM ĐỘC
Ngộ độc do ăn phải nấm độc có tên là Gyromitra xảy ra sau 8 -12 giờ sau khi ăn với triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, co giật, lơ mơ, vỡ hồng cầu hàng loạt gây thiếu máu, suy thận cấp, vàng da và có thể tử vong.
3- NGỘ ĐỘC THỦY SẢN CÓ CHẤT TETRADOXIN
Tetradoxin là độc tố có trong các loài thủy sản sau đây: Cá nóc chứa rất nhiều độc tố Tetradoxin, độc tố trong cá tập trung nhiều ở da, bụng ruột, gan và trứng cá. Mực đốm xanh và cua mặt quỷ. Tetradoxin là độc tố rất mạnh đối với hệ thần kinh và tim mạch.
Triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 20 phút đến ba giờ tùy theo lượng độc tố nhiều hay ít. Triệu chứng khởi đầu là tê rần lưỡi và môi, sau đó tình trạng tê rần lan ra khắp mặt và tay chân, kèm theo cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Kế tiếp, bệnh nhân sẽ bị yếu liệt tay chân, không nói được, không thở được, loạn nhịp tim, co giật và tử vong.
4- NGỘ ĐỘC THỨC ĂN DO VI KHUẨN E.COLI ĐỘC LỰC CAO
E.coli là loại vi khuẩn hay gây bệnh tiêu chảy cấp thông thường do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên có một dòng độc lực cao, đặc biệt là nhóm vi khuẩn E.Coli có mã định danh là O157-H7, gây bệnh nặng nề nhất vì ngoài việc gây tiêu chảy, tiêu đàm máu, chúng còn phóng thích các độc tố gây tắc các mạch máu rất nhỏ ở não làm lơ mơ, phù não, co giật; tắc mạch máu thận làm suy thận cấp; làm vỡ các hồng huyết cầu hàng loạt có thể dẫn đến tử vong.
5- BỘT NGỌT
Bột ngọt có tên khoa học là monosodium glutamate (MSG) đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới xem là một chất phụ gia thực phẩm an toàn. Tuy nhiên ở một số người nhạy cảm, khi sử dụng bột ngọt có thể gặp một số phản ứng khó chịu như: uể oải, buồn ngủ, nhức đầu, buồn nôn, cảm giác ngứa hoặc nóng ran ở mặt, sau cổ, ngực, vai, cánh tay.
* SƠ CỨU
Cần biết là ngộ độc thực phẩm thông thường sẽ không có các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu hay nôn ói dữ dội.
Chú ý, đưa bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu sau: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, yếu mỏi tay chân, vọp bẻ, tê chi, tê mặt, tê lưỡi; Cảm giác hụt hơi khó thở; Nôn ói nhiều, không uống được; Nôn vọt; Sốt > 380C.
Trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện cần phải cho bệnh nhân uống nhiều nước, nếu bệnh nhân còn uống được: có thể dùng tất cả loại nước hiện có miễn là nước sạch, tốt nhất vẫn là cho bệnh nhân uống dung dịch ORS.
* PHÒNG NGỪA
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch. Khi dùng các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, dù có thể ăn liền được, chúng ta vẫn nên đun sôi lại tối thiểu từ năm - mười phút. Không sử dụng các thực phẩm cũ, ôi thiu để chế biến vì nguy cơ ngộ độc rất cao. Không sử dụng thủy sản, hải sản hay nấm ăn không rõ nguồn gốc. Sử dụng bột ngọt trong thực phẩm với liều lượng vừa đủ và chế biến đúng cách.
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương
(Phó Khoa Nội Tiêu hóa -BV Nguyễn Tri Phương)
Bình luận của bạn