Ngộ độc thực phẩm vì... hâm đi hâm lại


Ảnh minh họa

Phòng ngộ độc thực phẩm và bệnh đường tiêu hóa

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng TP. HCM, ngày Tết, trẻ còn có thể bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, thường có biểu hiện nôn, tiêu chảy, đau bụng quặn... Hậu quả nghiệm trọng nhất do tiêu chảy cấp ở trẻ em là mất nước và điện giải, trường hợp nặng có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.

Để phòng chống mất nước và điện giải, bác sĩ Thọ đề nghị cần cho trẻ uống ngay dung dịch oresol. Mỗi gói oresol pha vào một lít nước sôi để nguội, cho trẻ uống từng thìa. Sau mỗi lần trẻ đi ngoài, cho uống 50 - 100ml tùy theo tuổi, nếu trẻ lớn cho uống theo nhu cầu của trẻ.

Một điểm chú ý đặc biệt khi trẻ đau bụng phải cấp cứu ngoại khoa là lồng ruột, viêm ruột thừa. Ở trẻ còn bú, biểu hiện bỗng dưng bỏ bú, ưỡn người, khóc thét, đi ngoài phân máu là biểu hiện của lồng ruột cần cấp cứu khẩn trương.

Trường hợp trẻ lớn kêu đau bụng vùng quanh rốn, hoặc hố chậu phải, buồn nôn, sốt nhẹ, bí trung tiện... cần cảnh giác trẻ viêm ruột thừa. Trong hai trường hợp này, dù thời gian nào (kể cả giao thừa hay sáng mồng một Tết) cũng phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay càng sớm càng tốt.

Theo bác sĩ Thọ, thức ăn thừa có thể chứa vi khuẩn bacillus, khi hâm nóng sẽ phát tán bào tử gây ngộ độc do vi khuẩn bacillus. Do đó, khi hâm lại đồ ăn thừa, không nên hâm nóng, chỉ nên hâm ở nhiệt độ khoảng 70độ C để đảm bảo ăn không bị ngộ độc.

Các loại thực phẩm sử dụng trong ngày tết như: bánh chưng, bánh tét, chả giò…cần để nguyên lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon gói lại.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên chọn mua thực phẩm tươi ngon và có nguồn gốc; rửa tay trước khi chế biến; để riêng thực phẩm sống, chín; nấu lượng thức ăn vừa đủ trong ngày; bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh…

Tránh cảm lạnh

Thời tiết trong dịp tết thường se se lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch, có khi trưa nắng nóng nhưng về đêm và rạng sáng lại khá lạnh.

Do đó cần phòng tránh bệnh cho trẻ do diễn biến thất thường của thời tiết. Đặc biệt, khi di chuyển bằng xe gắn máy, vui chơi ngoài trời, ban đêm, cần đặc biệt lưu ý giữ ấm, tránh để cơ thể trẻ tiếp xúc với nhiệt độ nóng - lạnh quá đột ngột.

Trẻ cần mặc đủ ấm, nếu không để ý, trẻ đùa nghịch nhiều, ra mồ hôi trong khi mặc quá nhiều lớp quần áo lại có thể khiến trẻ bị cảm lạnh.

Không nên tự điều trị

Bác sĩ Thọ lưu ý, tâm lý ngại đến bệnh viện vào những ngày Tết, sợ gặp xui xẻo và tự điều trị khiến bệnh không khỏi mà còn diễn tiến nặng hơn cũng là một "căn bệnh" dễ gặp trong ngày Tết.

Bác sĩ Thọ cảnh báo, dùng thuốc khi chưa có tham vấn của bác sỹ và không đến bệnh viện khi có bệnh, có thể khiến gia đình tránh được chuyện xui xẻo nhỏ vào dịp Tết, nhưng lại khiến trẻ bị bệnh rất nặng mới đi điều trị, phải nằm viện dài dài ngay sau Tết.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin