Người đặt nền móng cho ngành lão khoa Việt Nam qua đời

Ngày nay, ai cũng biết ngành y có nghiên cứu về lão khoa nhưng trước đây, ít người biết đến lĩnh vực này. Vậy mà hơn 40 năm trước, có một người thầy thuốc đã sớm nhìn thấy vai trò của lão khoa, tìm cách đặt nền móng cho chuyên ngành tích tuổi học (nay gọi là lão khoa) tại Việt Nam. Năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng sức khỏe trung ương kiêm Giám đốc Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM). Đó chính là GS-TS-BS Nguyễn Thiện Thành.

Từ chối học bổng du học

Học Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM), đỗ tú tài, từ chối đề nghị sang Pháp du học với một học bổng đặc biệt, chàng thanh niên Nguyễn Thiện Thành đã khăn gói ra Hà Nội thi và đỗ ngoại trú, rồi nội trú Trường ĐH Y khoa Hà Nội.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã âm thầm liên lạc với Việt Minh, gửi thuốc men lên chiến khu. Sau ngày 19/8/1945, được bầu vào HĐND Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng sau đó ông lại xung phong gia nhập Chi hội Nam tiến Vì Dân, trở vào miền Nam làm bác sĩ quân y.

GS.TS. BS Thầy thuốc Nhân dân - AHLĐ Nguyễn Thiện Thành (thứ ba từ trái sang) trong lễ thượng thọ 95 tuổi được tổ chức hôm 28/9/2013 tại nhà riêng ở TP HCM - Ảnh: Nguyễn Thạnh

Năm 1950, khi đang giữ chức Trưởng Phòng Quân y Phân liên khu miền Tây Nam Bộ, ông bị địch bắt. Chính trong những ngày ở khám, ông tiếp cận được phương pháp Filatov thông qua một bài báo trên tạp chí y học. Filatov là phương pháp chữa bệnh do GS N. P. Filatov (người Anh, sống tại TP Odessa - Nga) phát minh. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: Khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0-4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Cuối năm 1950, bác sĩ Thành được thả trong một đợt trao trả tù binh. Phương pháp mới nhanh chóng được ông nghiên cứu và áp dụng vào cuối năm 1951 tại Quân y viện Phân liên khu miền Tây Nam Bộ với tổ chức tế bào sống là các bánh nhau của sản phụ và dụng cụ là một chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu hôi. Kết quả, hơn 3.000 trường hợp lâm sàng đã được cấy nhau và cho thấy phương pháp Filatov không những góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn làm giảm hẳn tỉ lệ tử vong của thương bệnh binh. Phương pháp này còn làm cho vết mổ ở bụng dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi; trị bệnh eczema ở cẳng chân… Sau đó, phương pháp Filatov nhanh chóng nổi tiếng khắp Nam Bộ. Nhiều người trong giới trìu mến gọi ông là "bác sĩ Filatov".


Đào tạo hàng ngàn sinh viên y khoa

Từ 4 thập kỷ trước, GS Nguyễn Thiện Thành đã sớm nhận ra "bệnh người già" với muôn vàn triệu chứng, bệnh cảnh, bệnh lý… và cần một chế độ chăm sóc, điều trị đặc biệt. Năm 1972, ông bắt đầu đi nhiều nước học về bộ môn tích tuổi học. Đến năm 1986, bộ môn tích tuổi học được thành lập tại Trường ĐH Y dược TP HCM, rồi đến năm 1989 trở thành Trung tâm Nghiên cứu điều trị học tuổi cao và tích tuổi học, đều do GS Nguyễn Thiện Thành lãnh đạo.

Từ năm 1965 đến 1990, ông đã viết 32 tác phẩm về y học, chủ yếu về lão khoa. Ông còn là người thầy của hàng ngàn sinh viên y khoa mà nay đã trở thành những chuyên gia hàng đầu ngành y.
Được tặng nhiều danh hiệu cao quý
GS-TS-BS Nguyễn Thiện Thành sinh năm 1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; còn có các bí danh là Nguyễn Minh Nhân, Ba Nhân. Ông là thân sinh của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập... Năm 1985, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và năm 1989 được phong danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất