Cúm A/H5N6 di chuyển dần vào phía Nam
Sau Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi thì Quảng Nam là tỉnh thứ 4 của miền Trung và là tỉnh thứ 6 trên cả nước phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm. Các ổ dịch cúm A/H5N6 có xu hướng lan rộng vào phía Nam.
Các cơ quan chức năng đang tiến hành tiêu hủy đàn vịt nhiễm cúm A/H5N6
Trước đó, tại Việt Nam từ giữa tháng 8/2014, virus cúm A/H5N6 được phát hiện trên đàn chim trĩ và đàn gia cầm tại tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Ngay sau khi phát hiện, ổ dịch đã được ngành y tế các tỉnh nhanh chóng xử lý. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn liên tục có ổ dịch mới xuất hiện tại nhiều địa phương.
Tuy khu vực phía Nam chưa phát hiện nhưng vẫn có khả năng cúm A/H5N6 xâm nhập vào qua buôn bán gia cầm không được kiểm soát (nhất là TP.HCM là nơi có lượng tiêu thụ gia cầm khá lớn).
Nhập lậu gia cầm - nguyên nhân gây bùng phát cúm A/H5N6
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ nhập lậu và hàng chục nghìn gia cầm và trứng gia cầm qua biên giới, chủ yếu là gia cầm giống và trứng gia cầm giống. Kết quả xác minh một số ổ dịch cúm A/H5N6 vừa qua cho thấy, dịch xảy ra có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.
Giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm
“Nguy cơ các chủng virus cúm mới tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới nhất là phía Bắc rất cao,” Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cảnh báo.
Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành liên quan lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao.
Cúm A/H5N6 nguy hiểm tương đương cúm A/H5N1
Mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương với cúm A/H5N1. Đây là chủng virus có độc lực rất cao. Hơn nữa virus H5N6 là chủng mới, cơ thể người chưa có kháng thể chống lại trong khi đặc tính của virus luôn biến đổi để thích nghi. Do đó, đối tượng mắc dễ có nguy cơ viêm phổi nặng.
Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N6 cho người lớn hơn so với các chủng virus khác
Các chủng virus cúm khi gây bệnh cho người đều có những biểu hiện lâm sàng giống nhau như: sốt, ho, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ. Do đó nếu chỉ dựa trên lâm sàng để xác định người đó có bị nhiễm cúm A/H5N6 hay không là rất khó. Đáng lo ngại hơn nữa là tình trạng gia cầm, thủy cầm mang mầm bệnh mà không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn là nguồn lây cho người. Điều này khiến cho việc kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn.
H5N6 là chủng virus mới, nên nguy cơ lây nhiễm và gây nguy hiểm cho người nhiễm cũng sẽ lớn hơn do cơ thể chưa có kháng thể. Đặc biệt, do virus A/H5N6 đã từng phát hiện tại Lào vào tháng 7/2014, nhưng lại không gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm bị bệnh nên đây là điều cần hết sức đề cao cảnh giác, bởi virus có thể âm thầm lưu hành trên gia cầm mà chúng ta không thể phát hiện và rất dễ lây sang người.
Vì vậy, mặc dù chưa có bằng chứng về việc lây từ người sang người, nhưng Việt Nam cần hết sức nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo và chỉ đạo của ngành Thú y trong việc phòng chống tương tự như các virus cúm gia cầm lây sang người khác như H5N1, H7N9...
Chủng virus cúm A/H5N6 đã từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Đây cũng là chủng virus có độc lực cao đã từng gây tử vong trên người tại Trung Quốc.Tại Lào cũng đã phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N6 nhưng không gây bệnh lâm sàng cho gia cầm tại tỉnh Luang Prabang . |
Bình luận của bạn