Trong tháng 7-2013, một bệnh nhân nam 39 tuổi ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã tử vong do sốt rét ác tính. Bệnh nhân này có biểu bệnh sốt ngay sau 4 ngày trở về từ Cameroon. Đây là bệnh nhân điển hình "nhập khẩu" bệnh sốt rét.
Mầm bệnh ngoại lai?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), trong 6 tháng qua, BV đã cấp cứu và điều trị cho 37 trường hợp sốt rét, trong số này có tới 8 bệnh nhân bị sốt rét ác tính biến chứng nặng, 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân đều là nam giới, đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó hầu hết là những người lao động trở về từ châu Phi, Lào và cả ở một số tỉnh Tây Nguyên. "Có những người mắc bệnh trong hoàn cảnh khá đặc biệt như anh T.X.H, 26 tuổi ở Nam Định là thủy thủ bị nhiễm bệnh lúc dừng chân lên đất liền khi đi qua khu vực Trung Đông. Trở về sau 3 ngày, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng suy thận, tiểu ra máu nhưng được điều trị kịp thời nên qua khỏi" - bác sĩ Cấp cho biết.
Trước đó, vào đầu tháng 5-2013, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 58 tuổi ở Nam Định từng làm việc ở Angola trong 10 năm. Bệnh nhân này về nước được 4 ngày thì bắt đầu sốt, ho, khó thở. Dù được sử dụng những loại thuốc thế hệ mới nhưng bệnh vẫn không đỡ. Cuối cùng các bác sĩ thử dùng các loại thuốc sốt rét thế hệ cũ hầu như không còn sử dụng ở nước ta, bệnh nhân lại dứt cơn sốt rét và bình phục.
Có thể nhầm với cảm sốt thông thường
Sốt rét đã được đẩy lùi và giảm thấp ở nhiều địa phương nhưng 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có gần 17.000 bệnh nhân sốt rét, 42 trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính và 3 trường hợp tử vong. Trong đó, riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên chiếm khoảng 6.000 ca, 15 ca sốt rét ác tính. Theo ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương, không chỉ Việt Nam, một số quốc gia lân cận cũng đang lưu hành dịch sốt rét. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang có những nguy cơ mới nổi từ nhóm lao động tự do, di dân, làm các nghề nghiệp như khai mỏ, đào vàng, khai thác cao su, công nhân lâm nghiệp, đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện nguy cơ phát bệnh sốt rét ở những người làm việc tại châu Phi trở về.
Theo bác sĩ Cấp, nhiều người chủ quan nghĩ rằng chỉ ở những vùng có dịch mới bị sốt rét nhưng thực tế với người từng mắc bệnh, người trở về từ vùng lưu hành sốt rét, kể cả đi du lịch ở vùng có dịch cũng đã mang ký sinh trùng sốt rét. "Có người thời gian ủ bệnh kéo dài 1- 2 năm, thậm chí nhiều năm mà bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Chỉ khi sức đề kháng giảm, bệnh mới khởi phát, nên có những bệnh nhân bị sốt rét nhưng cho rằng mình chỉ bị cảm sốt thông thường và ở nhà điều trị, cho đến khi phát hiện được bệnh đã rất nghiêm trọng"- bác sĩ Cấp cảnh báo.
Muỗi kháng thuốc và hóa chất Ông Trần Thanh Dương lưu ý rằng muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện và có nguy cơ lan rộng, nhất là ở các tỉnh như Gia Lai, Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Nam và một số địa phương lân cận. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ kháng thuốc sốt rét đã tăng từ 16% lên 22%. Ngay cả những thuốc điều trị thế hệ mới trước đây thường được sử dụng trong 3 ngày bệnh nhân đã đỡ nhưng nay phải tăng số ngày điều trị và phải phối hợp với các loại thuốc khác mới có hiệu quả. Các bác sĩ còn cảnh báo người mang mầm sốt rét có thể lây bệnh cho người khác thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi. |
Bình luận của bạn