Đằng sau thảm họa COVID-19 ở Ấn Độ

Bệnh viện dã chiến tại New Delhi, Ấn Độ cuối tháng 4 - Ảnh: The New York Times

Biến chủng COVID-19 "đột biến kép" ở Ấn Độ đã "tới" Việt Nam

Bộ Y tế công bố Hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán và điều trị COVID-19

Biến chủng kép tại Ấn Độ còn nhanh hơn biến chủng của Anh

Biến thể COVID-19 gây nên "thảm họa" ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

Lỗi do biến chủng?

Trong năm 2020, trong khi nhiều cường quốc phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19, Ấn Độ nhanh chóng áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, thành công kiểm soát số ca mắc mới tại quốc gia tỷ dân này.

Thế nhưng, ngay sau khi chính quyền dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt, người dân Ấn Độ bắt đầu mất cảnh giác, không tuân thủ việc đeo khẩu trang và tập trung tại nhiều lễ hội, sự kiện với hàng triệu người tham gia.

Làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ xảy ra cùng thời điểm với lễ hội Kumbh Mela - một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới, được tổ chức tại thành phố Haridwar. Đến 14/4, hơn 2.000 người tham gia sự kiện “siêu lây nhiễm” đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Sự kiện Kumbh Mela bên bờ sông Hằng có hàng triệu người tham gia - Ảnh: Reuters

Đến cuối tháng 4, thống kê chính thức cho thấy Ấn Độ ghi nhận gần 18 triệu ca COVID-19, hơn 200.000 ca tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số thực có thể cao hơn nhiều, do hệ thống y tế của quốc gia này đang quá tải nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến đổ lỗi cho “biến chủng kép” B.1.617 là nguyên nhân khiến làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại quốc gia này lây lan nhanh và nguy hiểm hơn trước. Một số người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Ấn Độ vẫn dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 37 bác sỹ tại 1 bệnh viện ở New Delhi.

Tuy nhiên, với những dữ liệu hạn chế được thu thập trong tình trạng khẩn cấp này, nhiều chuyên gia cho rằng, biến chủng B.1.1.7 - đã và đang hoành hành ở Mỹ và Anh - mới là nguyên nhân khả dĩ hơn cho “cơn sóng thần” tại Ấn Độ.

Cơn khát oxy và giường bệnh

Người nhà ngồi nghỉ ngay cạnh giường của bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ hiện nay một phần là do tình trạng người dân đổ xô một cách không cần thiết tới bệnh viện. Nhiều phòng khám và bệnh viện trên toàn đất nước Ấn Độ thiếu vật tư y tế trầm trọng, từ giường bệnh, thuốc men đến trang thiết bị bảo hộ và oxy.

Chính phủ Ấn Độ nói rằng, quốc gia có đủ oxy hóa lỏng cho nhu cầu y tế và đang nhanh chóng mở rộng nguồn dự trữ. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất oxy lại tập trung ở phía Đông Ấn Độ, cách rất xa các điểm bùng phát dịch tại thủ đô New Delhi và bang Maharashtra ở phía Tây.

Mạng xã hội tràn ngập lời khẩn cầu vô vọng của gia đình những người bệnh COVID-19 thiếu oxy để điều trị tại nhà. Trong tình trạng khan hiếm, giá oxy tại chợ đen tăng cao hàng chục lần, không ít bệnh viện đã bị “cướp” các bình dưỡng khí.

Theo tờ India Today, COVID-19 đã bóc trần khoảng cách giàu nghèo tại Ấn Độ. Tuy sở hữu nhiều bệnh viện và chuyên gia y tế xuất sắc, quốc gia này đầu tư chỉ 1% GDP cho hệ thống y tế công cộng. Chưa đến 40% dân số Ấn Độ có bảo hiểm y tế, trong khi các bệnh viện công tại nông thôn luôn trong tình trạng thiếu nhân viên y tế và trang thiết bị.

Khi dịch bùng phát, nhiều gia đình giàu có đã nhanh chóng rời khỏi đất nước, để lại phần lớn dân số Ấn Độ phải ứng phó với đại dịch bằng nguồn lực hạn chế.

Khi “cường quốc vaccine” khan hiếm vaccine

Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình tiêm chủng cho người dân của mình. Hơn 154 triệu liều vaccine đã được sử dụng trong nước, nhưng chỉ khoảng 2% dân số Ấn Độ được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.

Trước khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, Ấn Độ đã lên kế hoạch vận chuyển hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19 đi toàn cầu. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) vốn có nhiệm vụ sản xuất vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho 64 quốc gia tham gia chương trình COVAX của WHO và 5 triệu liều cho Vương quốc Anh. Hiện nay, khi nguồn cung vaccine từ Ấn Độ bị chặn đứng, nhiều quốc gia khác sẽ nhận được ít vaccine hơn dự kiến.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng, vaccine cũng không thể kiểm soát làn sóng dịch thứ 2 tại Ấn Độ. Shahid Jameel - chuyên gia về virus hàng đầu của Ấn Độ chia sẻ với báo chí: “Thời điểm đó đã qua rồi… Hiện tại, vaccine chỉ có thể giảm mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ 3. Lúc này, ngành y tế nên tập trung vào điều trị và cứu người”.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn