Biến thể COVID-19 gây nên "thảm họa" ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

Những nhân viên y tế tại một lễ hỏa táng những người tử vong vì COVID-19 ở New Delhi ngày 21/4 - Ảnh: Reuters.

Ấn Độ: "Khủng hoảng" COVID-19, hệ thống y tế sụp đổ

Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 mới, Ấn Độ là điểm nóng của dịch

Tổng hợp COVID-19 ngày 25/4: 10 ca nhập cảnh tại 3 tỉnh, thành

Gần 86% bệnh nhân COVID-19 về nước từ Campuchia mang biến thể Anh

Tình trạng gia tăng kỷ lục các ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã làm tràn ngập các bệnh viện và dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng oxy và giường bệnh.

Kristian Andersen, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu Scripps cho biết, tình hình ở Ấn Độ tương tự Brazil, Nam Phi trước đây và giờ là Iran. Ông nói: "Những quốc gia này từng có rất nhiều người nhiễm COVID-19 trong đợt đầu tiên. Có cảm giác họ đã đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng nhất định. Song sau đó, theo thời gian, khi khả năng miễn dịch của con người suy yếu, nhiều biến thể dễ lây lan hơn xuất hiện, gây ra đợt bùng phát khác".

Câu hỏi quan trọng là liệu biến thể mới đang lưu hành ở Ấn Độ được gọi là "đột biến kép", ký hiệu B.1.617, có đứng đằng sau sự bùng phát nhanh nhất thế giới, với gần 350.000 ca nhiễm mới mỗi ngày liên tiếp những ngày gần đây?

Dưới đây là những gì chúng ta đã biết về biến thể COVID-19 B.1.617 ở Ấn Độ cho đến nay:

Tại sao gọi biến thể B.1.617 là "đột biến kép"?

Người dân ở Allahabad xếp hàng chờ nạp bình oxy y tế cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh Ấn Độ đang khủng hoảng nguồn cung oxy y tế - Ảnh: AFP

Biến thể kép được Ấn Độ báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24/3, tìm thấy trong hơn 200 mẫu xét nghiệm ở bang miền Tây Maharashtra - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch - chiếm tỉ lệ 20% tổng số mẫu xét nghiệm. Gần đây, tỉ lệ này đã tăng lên 60%. Theo dữ liệu toàn cầu GISAID, tính đến tháng 4, biến thể này cũng đã được phát hiện ở 18 quốc gia khác.

Theo các nhà khoa học, thuật ngữ "đột biến kép" dùng để chỉ một biến thể hoàn toàn mới, cùng lúc mang đặc điểm của hai loại đột biến nguy hiểm khác đã được xác định là: E484Q và L452R.

Đột biến L452R được ghi nhận nhiều trong các ca nhiễm COVID-19 ở bang California, Mỹ. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cell, dạng đột biến này xuất hiện trên 50% số ca nhiễm ở bang California kể từ đầu năm nay. Chúng khiến khả năng lây lan của virus tăng cao hơn 20% so với chủng virus thông thường.

Trong khi đó, đột biến E484Q tương tự như một đột biến khác là E484K được tìm thấy tại các ca nhiễm ở Nam Phi và Brazil. Theo các nhà khoa học, loại đột biến này có khả năng giúp virus SARS-CoV-2 "qua mặt" được hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Tuy vậy, theo Kristian Andersen, thuật ngữ "đột biến kép" không mang nhiều ý nghĩa về mặt khoa học. “Virus SARS-CoV-2 luôn đột biến. Có vô số dạng đột biến kép đã được sinh ra. Do đó, chủng virus tại Ấn Độ không nên được gọi bằng thuật ngữ này”, ông Andersen phân tích.

Giống như các biến chủng khác, B.1.167 không chỉ chứa hai dạng đột biến. Theo NPR, B.1.617 có hai đột biến "nổi tiếng" là L452R và E484Q. Ngoài ra thì nó còn 11 đột biến khác.

B.1.617 đang lan nhanh ở Ấn Độ. Trong vài tháng qua, nó chiếm ưu thế ở bang Maharashtra. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa kết luận đây có phải nguyên nhân chính khiến đợt bùng phát ở Ấn Độ tồi tệ đến thế hay không. "Biến thể Anh B.1.1.7 và biến thể Brazil P.1 cũng đang lưu hành tại Ấn Độ. Vì vậy, có thể chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng của dịch bệnh. Đơn giản là chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để kết luận mà thôi", ông Andersen nói.

Biến thể B1617 cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể cần quan tâm" và đang trong quá trình theo dõi.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả chống lại được biến thể B.1.617 không?

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ ngày 21/4 - Ảnh: Getty Images

Một số nghiên cứu cho thấy hai đột biến chính trong B.1.617 có thể giúp virus "trốn tránh" hệ miễn dịch. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng chống lại biến thể mới, song kém hiệu quả hơn.

Giáo sư Ravi Gupta, Đại học Cambridge cho biết: "Đối với những người có phản ứng miễn dịch kém, nhiều khả năng vaccine chỉ giúp họ tránh bị diễn biến nặng và tử vong, chứ không tránh khỏi bị lây nhiễm".

Giáo sư Ravi Gupta cũng cho rằng, có dấu hiệu cho thấy người đã nhiễm COVID-19 dễ tái nhiễm với biến thể mới này, đặc biệt khi khả năng miễn dịch của họ tự suy yếu theo thời gian. Tình trạng tái nhiễm có thể là nguyên nhân khiến đợt bùng phát COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ trở nên nghiêm trọng.

“Thực tế là số ca nhiễm ở Ấn Độ đã suy giảm trong năm 2020 dù các biện pháp giãn cách xã hội khá hạn chế. Tôi lo ngại rằng điều này đến từ việc số người có nguy cơ mắc bệnh cao đã suy giảm. Từ sự hoành hành của biến chủng B.1.1.7 (biến thể Anh) và B.1.617, có thể thấy đợt dịch này đến từ sự suy yếu trong hệ thống miễn dịch”, giáo sư Gupta khẳng định.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 26/4 ghi nhận thêm 354.531 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 17,3 triệu ca, thêm 2.806 người tử vong, đẩy số người chết lên 195.116.

Nguyên Hương H+ (Theo NPR)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin