Có những vần thơ của những người thi sĩ-chiến sĩ lưu truyền cùng năm tháng
Đó là những người lính hành quân ròng rã qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh của dân tộc, mang theo hình ảnh “Từ ngọn cờ cắm trên hầm Đờ-cát/Đến ngọn cờ ngày 30 tháng 4” (Nguyễn Đức Mậu). Đó là những người lính từng mang quân hàm binh nhất, binh nhì, trải bao bom đạn chiến trường, để từng bước trưởng thành cả trong đời lính, đời thơ. Chính vì vậy, những tác giả như Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Ngô Thế Oanh và Hữu Thỉnh mà chúng tôi xin phép chọn dẫn ra sau đây là những ví dụ tiêu biểu trong cách nhìn, cái nhìn đầy chất lính, tưởng đơn sơ nhưng vô cùng đặc sắc, vừa cụ thể lại vừa mang tính khái quát, nhẹ nhàng mà rất vang xa, thấm đượm…
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu với bài thơ “Ngày 30 tháng 4” cho thấy sự chân chất, đằm sâu của một ngòi-bút-lính từng trải qua bao chiến trường ác liệt, của người lính “Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn” trong đội ngũ trùng điệp của “Sư đoàn vào thành phố”. Với nhà thơ mặc áo lính này, ngày 30/4 hiện lên bằng những công việc rất cụ thể “Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/Chiều trời xanh ngẩng mặt đón trời xanh” để rồi tiếp theo là sự khái quát rất lính, chỉ lính trận mới có thể thốt lên “Hòa bình và chiến tranh/Cách nhau bằng nấc đạn!”. Trong con mắt của Nguyễn Đức Mậu, ngày 30/4 là ngày có nhiều biến cố lớn nhỏ, nhiều tầng nấc, cung bậc và đặc biệt trong mỗi cuộc đời người lính, người dân: “Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớnNgày pháo hoa đan kín vòm trờiNgày đạn bắn chuyển rung mặt đấtNgày cầm súng trên tay thảnh thơi”
Bài thơ dày đặc chi tiết, đậm đà chất lính như “vai áo anh vết máu bạn bè/vai áo tôi khét nồng thuốc đạn”, “dày dã chiến”, “đôi dép cao su” và hơn thế có những câu thơ mang tính khái quát sự khốc liệt của chiến tranh, đọc lên không thể cầm lòng “Có khoảng trời xanh dưới đất nâu/Một vuông đất kẻ nằm, người đứng”. Và không thể không nói đến một hình ảnh đặc sắc, một cách nhìn táo bạo, bất ngờ “Cánh tay người lính/Đã mọc thành cờ!”
Nhà thơ Vương Trọng lại có cách tiếp cận và khai thác sự kiện lớn với góc nhìn riêng, thật điềm tĩnh, yên ả của người lính tăng ở thời điểm “Cắm cờ lên đích cuối cùng/Tăng về nép dưới bóng rừng…”, sau khi đã trải qua những gập ghềnh, xóc nảy “trong bầu-trời-thép”. Quãng nghỉ dù ít ỏi, vội vàng cũng đủ cho người lính giật mình lắng lại với tiếng ve trưa “Bè trầm, trầm sát đất bằng/Bè cao cao vút mấy tầng lá xanh…”.
Trong bài thơ Trên đường phố Sài Gòn, nhà thơ áo lính Vương Trọng viết về tình huống gặp lại người quen ở các chi tiết rất lính như “vành mũ lá sen”, “đôi dép đúc vốn quen đường rừng”, “quân phục cũ”… là cô giao liên Trường Sơn xuất hiện trên đường phố Sài Gòn giải phóng. Từ đây, nảy sinh tình huống bất ngờ từ câu hỏi dành cho cô giao liên “Chiếc gậy giao liên đâu rồi?” và người đọc giật mình với câu trả lời “Gậy em ngày đó cầm tay/Bây chừ thành cán cờ này, đó anh!” Một hình ảnh thú vị, một sự liên kết logic và nâng tầm ý nghĩa bắt đầu từ một chi tiết, sự vật cụ thể, có thực đến một ý nghĩa biểu trưng, khái quát.
Nhà thơ Anh Ngọc cũng là người lính-người cầm bút có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với những bài thơ đậm đà chất lính về ngày 30 tháng 4 toàn thắng. Đó là các bài thơ Mắc võng, Cơn mưa lạ, Tốc độ… kể lại chuyện “Lần đầu về với Sài Gòn”, người lính “Loay hoay tìm nơi mắc võng”, gặp cơn mưa bất chợt “Vội vàng tháo võng chạy vào hiên”, rồi cảnh đi bộ “Gõ dép cao-su trên gạch đá tưng bừng”… Cái hay của Anh Ngọc là nói được sự hân hoan của người chiến thắng bằng những chi tiết thật giản dị, đời thường của người lính từ rừng về phố:
“Suốt đêm nằm không trở mình
Hai đầu võng treo song cửa
Mơ màng nửa thức, nửa ngủ
Bâng khuâng nửa phố, nửa rừng”
Và:
“Trong mơ chợt nghe tiếng suối
Mở mắt quạt trần đang quay”
Bên cạnh những bài thơ viết kịp thời, viết khi bom đạn vừa ngớt, khi chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau “một nấc đạn” và khoảnh khắc đầu tiên ngẩng nhìn bầu trời xanh hòa bình, giấc ngủ đầu tiên ở phố như trên, cũng xuất hiện những bài thơ mang chiều sâu ngẫm ngợi, suy tư, nhiều linh cảm sâu đằm như bài Khoảng yên lặng tháng tư của Ngô Thế Oanh. Bầu trời xanh hòa bình vừa đến trong sự ngỡ ngàng, vồ vập, thu hút của cả dân tộc và của riêng nhà thơ áo lính. Ông cũng như Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng và nhiều nhà thơ khác là những người mang “Quân phục đẫm mồ hôi, bụi đất/Chiếc bi đông chuyền tay cứu khát”, trong thời khắc dõi mắt say đắm màu trời xanh hòa bình, màu cờ chiến thắng “Những lá cờ trên những ô cửa sổ đỏ tươi/ Những lá cờ…không hiểu sao tôi bỗng rưng nước mắt”, để rồi lòng bỗng trào lên sự xúc động, nhớ thương những đồng đội không có mặt trong ngày toàn thắng:
“Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng
Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn
Đất dịu mát dưới chân không sao thốt nên lời”
Cái khoảnh khắc trào dâng mãnh liệt ấy “nhói lên”, rồi mau chóng ùa vào không gian đường phố, hàng cây, vòm trời, căn nhà, những lá cờ trong nắng, nét cười thẳm sâu mắt bạn… đều hòa làm một, chung một tâm trạng, chung một vui buồn, chung một chiến thắng và cái giá phải trả cho những giây phút hòa bình. Đó là những phút giây đặc biệt trong cuộc đời, trong lịch sử dân tộc mà nhà thơ đã nắm bắt một cách tài tình, chân thực, vốn rất dễ bị lướt qua, bỏ qua trong thời điểm cao trào, đỉnh điểm… để “ghim” lại trong lòng bạn đọc, bạn viết gần xa.
Nói đến những “vần thắng vút lên cao” trong ngày đại thắng 50 năm trước, không thể không nhắc đến bài thơ Bữa cơm chiều trong Dinh Độc lập của Hữu Thỉnh, một người lính xe tăng có mặt trong giờ phút lịch sử cùng đoàn tăng tiến về Sài Gòn húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập, tạo nên một biểu tượng oai hùng của đoàn quân chiến thắng.
Từ thực tế đó, Nhà thơ của lính xe tăng khái quát “Độc lập theo tăng vào cổng chính” và mở tầm nhìn “Cờ treo trên đỉnh nước non ơi”. Để rồi, dưới màu cờ ấy, nhà thơ thốt lên “Ta trẻ như cờ, ta trẻ lắm/Ta reo, trời đất cũng reo cùng”. Vẫn rộn rã, khát khao như thời “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, đoàn quân đã “Băng dốc mấy mươi ngày/Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận/Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây” và “Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu/Xích còn vương đất đỏ Phan Rang” trên nền cỏ xanh trong sân Dinh Độc lập trong buổi chiều hòa bình đầu tiên “Trời còn đầy ắp hoa và pháo”.
Trên nền chung nhiều người biết đó, Hữu Thỉnh chọn một lối riêng, giản dị, nóng hổi là bữa cơm chiều của lính ở một vị trí vô cùng “đắc địa”, đặc biệt không dễ gì ai cũng có được trong đời lính chiến. Vẫn là bữa “cơm dã chiến” nhưng khác là “nấu bằng bếp điện”, chứ không phải củi lửa bình thường hay bếp Hoàng Cầm lính ta quen nấu và vẫn giản đơn “Rau muống xanh như hái tự ao nhà”. Nhưng có những điều khác biệt trong “bữa cơm ở đích cuối cùng”: đó là phần cơm thêm cho “Tổng thống-ngụy-đầu-hàng” như là phần cơm thường của cánh lính hiếu khách, là giục nhau ăn mà không ai ăn được bởi “mải ngắm trời” hòa bình, yên ả, bởi người lính “no cười nói”, “say đôi mắt” để rồi nhà thơ cũng như những người lính tự thốt lên điều lớn lao, hệ trọng:
“Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”
Viết về bữa cơm chiều và từ bữa cơm chiều, Hữu Thỉnh thể hiện được cá tính sáng tạo của mình qua cách tả “hàng cây so đũa”, cách nói “độc lập theo tăng…” hay cách dùng từ độc đáo “mấy ngàn bom”; cũng từ đó mà nhà thơ vươn tới cả câu chuyện lớn lao: Độc lập, tự do, biến chi tiết thực thành hình tượng là những điều không dễ nói, dễ viết và khái quát trong một bài thơ cụ thể.
Đến đây, có thể thấy rõ nét chung của những “vần thắng vút lên cao” nói trên được thể hiện đặc sắc và ấn tượng, đầy sáng tạo và dấu ấn riêng, trước hết về lá cờ Tổ quốc, màu cờ Tổ quốc, từ “Cánh tay người lính/Đã mọc thành cờ” (Nguyễn Đức Mậu), chiếc gậy Trường Sơn năm nào nay đã thành cán cờ giương lên vẫy gọi trong ngày toàn thắng (Vương Trọng), màu cờ đỏ tươi rưng rưng nước mắt giữa vui trào mãnh liệt (Ngô Thế Oanh), đến lá cờ báo hiệu ngày toàn thắng “Cờ treo trên đỉnh nước non” (Hữu Thỉnh). Tất cả tạo thành một bức tranh sinh động, hoành tráng, mang đầy đủ cung bậc tình cảm, trí tuệ của từng người dân, người lính, cũng như của cả dân tộc trong ngày toàn thắng.
Để đến hôm nay, 50 năm sau ngày 30 tháng 4 năm ấy, lần dở lại những vần thơ ấy, kỳ lạ thay vẫn vang lên trong mỗi chúng ta âm hưởng rạo rực, cháy lòng của những phút giây hòa bình đầu tiên, của tiếng cười, tiếng hát, của giọt nước mắt rơi vội trong ngày đất nước đoàn viên. Và vui mừng hơn nữa, dấu ấn sáng tạo của những nhà thơ áo lính 50 năm trước, từ ngày 30 tháng 4 năm ấy, tiếp tục được tô đậm, khẳng định trong hàng loạt tác phẩm mới, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.
Bình luận của bạn