Nhiệt độ bao nhiêu là quá nóng với cún cưng?

Do thân nhiệt của cún cưng cao hơn so với người nên chúng cũng là đối tượng dễ bị sốc nhiệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Những công dụng của dầu dừa với cún cưng

Tìm hiểu về nhóm máu của cún cưng

Những công dụng của dầu dừa với cún cưng

Vì sao mùi tanh lại xuất hiện trên cơ thể cún cưng?

Liệu xương sườn có phải là món ngon dành cho cún cưng?

Chế độ ăn BARF cho cún: Xu hướng dinh dưỡng “tự nhiên hóa” có thực sự tốt?

Vùng nhiệt độ nguy hiểm đối với cún

Nhiệt độ không khí từ 32°C trở lên được xem là quá nóng đối với phần lớn các giống chó khi ở ngoài trời trong thời gian dài. Một số cá thể thậm chí có thể gặp khó khăn khi nhiệt độ chỉ ở mức khoảng 27°C. Điều này đặc biệt đúng với các giống chó có cơ thể nhạy cảm với nhiệt.

Chó có nhiệt độ cơ thể cao hơn người, dao động khoảng 38,3–39,2°C. Do đó, môi trường được cho là “dễ chịu” với con người có thể lại gây căng thẳng nhiệt nghiêm trọng đối với cún cưng.

Theo Trường Thú y Đại học Purdue (Mỹ), vùng nhiệt trung tính tức khoảng nhiệt độ mà chó có thể duy trì thân nhiệt mà không cần tăng sinh nhiệt hoặc mất nhiệt là từ 20–30°C. Vượt quá khoảng này, cơ thể chúng phải nỗ lực điều chỉnh nhiệt độ, làm tăng nguy cơ quá nhiệt.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ quá nóng

Không phải tất cả các dòng cún đều phản ứng giống nhau với nhiệt độ cao. Một số đặc điểm thể chất và bệnh lý nền có thể khiến cún dễ bị kiệt sức vì nóng hơn. Trong đó, các yếu tố nguy cơ bao gồm:

- Các giống chó đầu ngắn, mặt bẹt (brachycephalic) như bulldog Pháp, pug

- Chó già và chó con

- Chó lông dài hoặc có 2 lớp lông dày

- Kích thước lớn hoặc cực lớn

- Thừa cân, béo phì

- Bệnh tim, bệnh thận

Dấu hiệu nhận biết cún cưng quá nóng

Thở hổn hển, nhanh và liên tục là những dấu hiệu dễ nhất để nhận biết tình trạng kiệt sức vì nóng ở cún cưng.

Thở hổn hển, nhanh và liên tục là những dấu hiệu dễ nhất để nhận biết tình trạng kiệt sức vì nóng ở cún cưng.

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là thở hổn hển liên tục và dữ dội. Đây là phản ứng tự nhiên giúp chó hạ nhiệt thông qua quá trình bốc hơi nước từ lưỡi và niêm mạc miệng. Tuy nhiên, khi hoạt động này kéo dài, đó có thể là cảnh báo sớm về tình trạng kiệt sức do nhiệt. Ngoài ra, các biểu hiện khác bao gồm:

- Mất năng lượng, uể oải

- Từ chối vận động hoặc đi lại

- Nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường

- Lưỡi đỏ rực, có thể thè ra dài hơn bình thường

Nếu không được can thiệp kịp thời, các dấu hiệu trên có thể tiến triển thành say nắng và đe dọa đến tính mạng.

Khi nào là quá nóng để cún cưng đi bộ ngoài trời?

Bề mặt vỉa hè nóng có thể gây bỏng bàn chân cún và để kiểm tra xem thời tiết có thích hợp để dắt cún đi dạo hay không, hãy đặt tay lên nền xi măng trong 2–3 giây. Nếu bạn không cảm thấy khó chịu thì cún cưng hoàn toàn có thể đi trên nền đó.

Thời điểm thích hợp để dẫn chúng đi dạo là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khi nhiệt độ môi trường và bề mặt đã hạ nhiệt. Các biện pháp bổ sung như cho cún cưng mang giày chuyên dụng hoặc đi bộ trên cỏ cũng giúp bảo vệ bàn chân hiệu quả hơn.

Cách giữ cún mát mẻ trong thời tiết nóng

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại nệm gel làm mát dành cho cún cưng giúp hạ thân nhiệt hiệu quả

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại nệm gel làm mát dành cho cún cưng giúp hạ thân nhiệt hiệu quả

Để giảm nguy cơ kiệt sức do nóng, các biện pháp phòng ngừa sau nên được áp dụng:

- Luôn đảm bảo cún có nơi râm mát để tránh nắng và nước sạch để uống

- Giới hạn thời gian ở ngoài trời trong ngày nắng, chỉ nên từ 10 đến 20 phút mỗi lần

- Dắt cún đi dạo vào thời điểm mát nhất trong ngày

- Lựa chọn hình thức vận động thay thế như chơi trong nhà, bơi lội hoặc vận động nhẹ trong khu vực có bóng râm

Không bao giờ để cún một mình trong xe hơi

Ngay cả khi cửa sổ được mở hé hoặc xe có điều hòa bật, nhiệt độ bên trong xe có thể tăng rất nhanh. Vào một ngày 29°C, nhiệt độ trong xe có thể đạt 39°C chỉ trong 10 phút và lên đến 49°C trong vòng 30 phút – đủ để gây tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể cún.

Cách giúp cún hạ nhiệt an toàn

Bên cạnh đó, dưới đây là một số cách đơn giản có thể hỗ trợ điều hòa thân nhiệt cho cún trong ngày Hè:

- Cho cún nằm trên khăn ẩm, sàn gạch hoặc thảm làm mát

- Chuẩn bị các món ăn vặt đông lạnh từ nguyên liệu tự nhiên

- Tắm bằng vòi nước mát hoặc cho chơi trong hồ bơi nhỏ

- Luôn mang theo bát nước và nước sạch khi ra ngoài

- Có thể cho cún một vài viên đá nhỏ làm mát nếu chúng thích

Như vậy, nắng nóng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cún cưng, đặc biệt là những cá thể có yếu tố nguy cơ cao hoặc bệnh nền. Việc nhận biết sớm dấu hiệu quá nhiệt, tránh để cún tiếp xúc với nền nhiệt cao trong thời gian dài và thực hiện các biện pháp làm mát đúng cách là những bước quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe thú cưng trong mùa Hè.

 
Hà Chi (Theo Daily Paws)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn cùng nhà