Nhiều người mong chồng được nghỉ khi vợ đẻ

Dìu vợ chờ tới lượt mổ đẻ ở khu D, Bệnh viện phụ sản Hà Nội,anh Nguyễn Hồng Tuấn (phố Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) cho biết vừa phải viết đơn xin nghỉ phép 3 ngày để "hộ đê". "Việc cho chồng nghỉ khi vợ sinh rất cần thiết. Khi sinh nở, vợ cần nhất có chồng ở bên. Sau sinh vợ còn yếu, đau, mệt, dễ tủi thân, cáu gắt... nếu có chồng bên cạnh, vợ có thể chia sẻ với chồng, thậm chí trút giận lên chồng", anh Tuấn bộc bạch.

Ông bố "sắp hai con" làm việc tại một công ty xây dựng liên doanh với Nhật Bản này cho biết, hai lần vợ đẻ, anh đều xin nghỉ phép 3 ngày, dù vẫn có ông bà hai bên nội ngoại tới giúp. Anh cho rằng, với người đàn ông, thời điểm vợ sinh rất quan trọng nên dù có việc gì cũng phải gác lại, túc trực bên bạn đời."Ông bà chỉ hỗ trợ thôi, không thể thay thế chồng. Nhất là nhiều khi ông bà ở quê lên, chưa thông thuộc Hà Nội cũng như các thủ tục ở bệnh viện, nên không biết làm thế nào. Hơn nữa, với vợ, chồng là người gần gũi nhất, có gì dễ nói, dễ hiểu nhau", anh Tuấn lý giải. Khi biết thông tin về dự thảo quy định chồng được nghỉ khi vợ sinh, anh Đinh Văn Tiến, công ty FPT (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ "giá như lúc vợ mình đẻ luật đã được thông qua thì tốt biết mấy". Anh Tiến cho biết, hai bà nội ngoại đều già yếu, khi vợ sinh, anh xin nghỉ phép 3 ngày, kết hợp 2 ngày cuối tuần là 5 hôm túc trực ở bên chăm vợ con. "Chắc chẳng người đàn ông nào vẫn điềm nhiên đi làm khi vợ sinh. Nhưng dẫu sao, nếu có quy định, mình đương nhiên nghỉ, không cần phải áy náy gì. Như mình, công việc nhiều, ở viện chăm vợ nhưng vẫn phải mang theo máy tính để tranh thủ làm việc", ông bố có con 5 tháng tuổi kể.

Theo anh việc quy định chồng được nghỉ thai sản cùng vợ có ý nghĩa rất lớn, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ không có sự trợ giúp từ hai bên nội ngoại như anh. "Vợ sinh xong còn yếu, mình thì không thể nghỉ làm lâu. Đi làm mà vẫn thấp thỏm không biết vợ con ở nhà ra sao. Cơ quan thì xa, cách nhà mười mấy km nên càng sốt ruột. Những ngày đó nếu được nghỉ thêm thì tâm lý hai vợ chồng đều thoải mái hơn", anh Tiến chia sẻ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, 38 tuổi, Cục đê điều (Tổng cục thủy lợi Việt Nam) cho biết, hai lần vợ sinh anh đều chỉ nghỉ 1-2 ngày đầu, sau đó là hai bà nội - ngoại thay phiên nhau chăm mẹ và bé suốt một tháng đầu. "Mình cứ đi làm bình thường, tối về bế con hay giúp vợ mấy việc lặt vặt thôi", anh Hùng kể. Anh cho rằng, việc có quy định được nghỉ sẽ tốt hơn cho những người cặp vợ chồng không có người chăm sóc, ông bà nội ngoại ở xa, mặc dù chắc chắn bà vợ nào cũng thích tự tay chồng chăm sóc và ở bên cạnh những ngày mình ở cữ.

Vừa sinh được một tuần, chị Bích (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết, chị rất hạnh phúc khi suốt những ngày qua có chồng ở bên. Anh xã nhà chị đi công tác xa, canh đúng gần đến ngày vợ sinh thì về, rồi xin nghỉ hẳn một tuần để chăm vợ đẻ. "Chồng là người đưa mình đi sinh, làm hết các thủ tục nhập viện. Anh ấy cũng là người đầu tiên đón tay con. Mấy ngày đầu sinh xong, mình mệt, đau bụng, chồng luôn ở cạnh động viên, bế con, thay tã bỉm, dù có bà nội bé và người giúp việc ở nhà. Mình thấy vô cùng ấm lòng", chị Bích chia sẻ.

Chị Bích cho biết, do làm giám đốc chi nhánh một công ty phân phối bán lẻ,anh xã chị nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể điều hành công việc từ xa, nếu không, có lẽ anh cũng "không dám" nghỉ lâu tới vậy. "Rất mong là luật cho chồng nghỉ khi vợ sinh được thông qua, để nhiều người vợ cũng được hưởng niềm hạnh phúc có chồng bên cạnh những ngày vợ vừa vượt cạn như mình", chị Bích chia sẻ.

chamchau-JPG-7932-1379934875.jpg
Cảnh bà chăm cháu thay cho các ông bố sau khi sản phụ vừa sinh là rất phổ biến. Ảnh: MT.

Chị Nguyễn Bùi Thúy Anh, nhân viên truyền thông của một ngân hàng có chi nhánh tại Hàng Trống (Hà Nội) cũng cho rằng, việc có chồng chăm sóc khi vợ mới sinh rất quan trọng. Bản thân chị cảm thấy rất thiệt thòi khi hai lần vượt cạn ông xã đều không được nghỉ, chỉ có thể đáo qua thăm vợ trong bệnh viện. "Công việc của anh xã mình là tổ chức các sự kiện, thường rất bận, nếu không có quy định cụ thể, anh ấy không thể xin nghỉ. Hai lần sinh mọi việc đều nhờ hết các bà. Nhưng như mình còn có bà nội, bà ngoại để nhờ, những người khác không biết phải làm sao. Người vợ khi vượt cạn cần nhất chồng ở bên an ủi, động viên, nếu không có là một thiệt thời lớn cho phụ nữ", chị Thúy Anh nói.

Tuy vậy, cũng có một số người khá thờ ơ trước quy định mới này.

Khi được hỏi việc có thích chồng được nghỉ những ngày đầu tiên mình sinh con không), chị Thu Hương (Đại Mỗ, Hà Đông, Hà Nội) tỏ thái độ ngạc nhiên: "Nghỉ làm gì? Ông ấy ở nhà thì cũng có được việc gì đâu?". Chị Hương cho biết, chồng chị làm giám sát dây chuyền sản xuất trong một công ty của Nhật, nên việc xin nghỉ làm là hết sức hãn hữu. Khi chị sinh, anh xin nghỉ phép một ngày trực vợ ở bệnh viện, từ hôm sau, mọi việc chăm sóc mẹ con chị do bà ngoại đảm nhận. "Ông ấy cũng lóng ngóng chả biết làm gì, có nghỉ ở nhà thì cũng chỉ loanh quanh ra vào thôi, khéo làm mình bực thêm", bà mẹ có con 3 tuổi chia sẻ.

Dù vậy, chị Hương cũng thổ lộ, rất muốn nhận được sự chăm sóc, quan tâm của chồng những ngày mình sinh xong. Nhưng bản tính chồng chị khá vô tâm, cũng không biết làm việc nhà và ngại bế con nên chị thà anh cứ đi làm kiếm tiền hơn là nghỉ việc loanh quanh ở nhà, hay rảnh quá có khi lại đi tụ tập, rượu bia. Anh Tuấn Anh, nhân viên một cơ quan nhà nước trên đường Kim Mã (Hà Nội), cho biết anh không quan tâm tới quy định có cho chồng nghỉ khi vợ sinh hay không. Mới cưới được nửa năm và chưa có con, anh Tuấn Anh cho rằng, dù có cho phép hay không, anh vẫn sẽ nghỉ khi vợ sinh. "Mình thấy đưa quy định này vào luật là buồn cười. Việc nghỉ hay không tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình và tính cách của mỗi người đàn ông. Những người chồng coi vợ con là quan trọng nhất thì không cho người ta vẫn nghỉ, còn các anh vô trách nhiệm thì có khi được nghỉ lại chẳng chăm vợ mà lông nhông bên ngoài", anh bộc bạch.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt ( TP HCM), nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc quy định cho chồng nghỉ khi vợ sinh con, và số ngày nghỉ lâu hơn thời gian 5-7 ngày nhiều.Bà cho rằng, việc chồng nghỉ khi vợ sinh không chỉ ý nghĩa ở việc người đàn ông tham gia chăm vợ con hay giúp ích cho với các gia đình không nhờ được người trợ giúp. "Tâm lý người vợ khi vượt cạn là lo lắng, sợ hãi. Có chồng bên cạnh chị em sẽ vững vàng, yên lòng hơn nhiều, không bị đơn độc, có cảm giác được chia sẻ, cảm thông. Họ thấy được chồng yêu thương, trân trọng. Cảm xúc của người vợ tốt cũng giúp họ dễ dàng vượt cạn và vượt qua những đau đớn về thể xác, sang chấn về tâm lý hơn", bà Tâm lý giải.

Bà cho biết dấu ấn về thái độ của bạn đời khi sinh rất sâu đậm với người phụ nữ. Trong quá trình tư vấn, bà từng gặp nhiều bà vợ sau mấy chục năm sinh vẫn nhớ mãi cảm giác mất mát, đau khổ lúc đẻ mà không có chồng bên cạnh hoặc người chồng không thể hiện được trách nhiệm, sự chia sẻ với vợ. Ngược lại, nhiều người khác, dù sau này chồng mắc lỗi lầm, nhưng vẫn có thể tha thứ, khi nhớ lại hình ảnh bạn đời kề vai sát cánh, nâng đỡ, ở bên những ngày mình vượt cạn.

Theo bà Tâm, lý do một số người còn thờ ơ với quy định này hoặc chưa thấy hết được ý nghĩa của nó là đàn ông Việt Nam có trách nhiệm với gia đình nhưng trách nhiệm cụ thể trong những việc chăm sóc vợ, con thì ít thấy. Nhiều nam giới không biết sự hiện diện của họ rất quan trọng với vợ, con. Họ không nhận thức sâu sắc vai trò làm bố quan trọng từ ngày đầu tiên con chào đời. Nhiều người giao phó hoàn toàn việc chăm sóc sản phụ sau sinh cho bà nội, bà ngoại, trong khi đáng ra đó phải là trách nhiệm chính của họ. Họ là người trong cuộc quan trọng nhất, nhưng lại đứng ngoài, có người chỉ tới "thăm" vợ, thậm chí không dám bế con. "Vai trò của người đàn ông với vợ con thể hiện rất lớn ở giai đoạn vợ họ sinh nở. Đứa trẻ ra đời cho người cha cảm xúc mới mẻ. Có thức đêm chăm con, thay tã cho con, nâng đỡ khi vợ đau... mới cho người đàn ông thực sự cảm nhận được cảm xúc làm cha và vai trò trụ cột của mình", nhà tâm lý chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy định chồng được nghỉ khi vợ sinh là rất hợp lý và hợp tình. Ông cho biết, sau khi Luật lao động thông qua việc cho phép mẹ nghỉ 6 tháng thai sản năm ngoái, đã có nhiều ý kiến đề nghị đưa cho phép người chồng cũng được nghỉ để giúp đỡ khi vợ vượt cạn và sau đó. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, điều kiện chưa cho phép nên khi đó chưa thể thực hiện.

Ông cho rằng, quy định này rất nhân văn, vì khi người chồng được nghỉ chăm vợ tạo không khí gia đình ấm áp, tạo sự nương tựa, ổn định về mặt tình cảm cho người phụ nữ, và khơi gợi sự chia sẻ, trách nhiệm của nam giới trong đình. "Theo các nghiên cứu, người phụ nữ sau sinh có tình cảm tốt, nhận được sự quan tâm chia sẻ của chồng thì sức khỏe phục hồi tốt hơn, sữa tiết nhiều hơn, trẻ bú sữa mẹ trong không khí gia đình êm ấm cũng sẽ phát triển hài hòa, hạnh phúc. Các ông chồng được nghỉ 5-7 ngày khi vợ sinh vẫn còn ít, nhưng như thế cũng là tốt và mở đường cho các chính sách thiết thực sau này", ông An chia sẻ.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn