Nhớ về Nguyễn Quang Sáng - cây viết "Nam bộ thứ thiệt"

Trong một bài viết, ông đã tự hỏi: “Tôi chẳng biết tôi có khiếu văn chương hay không? Tôi chỉ biết một cách thật rõ ràng rằng: Tôi viết là vì cảm xúc của tôi với cuộc sống, với từng số phận của mỗi con người mà tôi đã từng chia sẻ”. Nhưng điều này thể hiện phần nào quan niệm sáng tác của nhà văn. Ông chỉ viết về những điều mình hiểu rành rẽ, về những thân phận con người mà mình đồng cảm.

Thế nên, gia tài văn chương với chừng 20 tác phẩm chính của ông, phần lớn nói về con người và miền đất Nam bộ, nơi ông sinh ra, lớn lên, chiến đấu, làm việc; thể hiện bằng giọng văn giản dị, mộc mạc không khác xa gì mấy so với kiểu ăn nói thường ngày của người Tây Nam bộ, cụ thể hơn là vùng Chợ Mới, An Giang quê hương ông. Ngay từ tác phẩm đầu tay - tiểu thuyết Đất lửa viết năm 1952, Nguyễn Quang Sáng đã ghi ngay dấu ấn.


Bìa tiểu thuyết Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Nguyễn Đình Chính nhận định: “Đất lửa lừng danh không phải vì kể cái chuyện chi chi miền đất Cao Đài, Hòa Hảo. Nó lừng danh vì đó là một thứ văn chương kỳ lạ. Nói như mấy nhà phê bình văn học nhiều chữ lâu nay khen ầm ầm văn chương nghệ thuật thứ thiệt Nam bộ đấy… Đất lửa lừng danh vì nó là văn chương trực cảm phản ánh hiện thực một cách mẫn tiệp mà linh hoạt, sâu sắc mà lại hồn nhiên lạ thường”.

Xung đột của các nhân vật, các phe cánh trong bối cảnh đấu tranh chống Pháp ở một cái làng miền Tây được tác giả miêu tả chân thực, ấn tượng. Khi công bố lần đầu năm 1963, nội dung của cuốn tiểu thuyết đã gây cho dư luận những cảm xúc trái chiều. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, gần nhất là lần in năm 2011 trong tủ sách Mỗi nhà văn một tác phẩm của Nhà xuất bản Trẻ, mà nhà văn có đôi lời chia sẻ: “Đất lửa tôi viết lần đầu được 300 trang. Nó không phải là tiểu thuyết anh hùng ca, mà là bi kịch trong nội bộ nhân dân. Tôi cũng không biết vì sao văn vẻ tôi hồi ấy, tuổi tác như tôi hồi ấy (mới hai mươi tuổi) mà viết được cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang”.

Nói về nhà văn Nam bộ nay đã đi xa, không thể không nhắc đến truyện ngắn Chiếc lược ngà nổi tiếng. Ít ai từng đọc tác phẩm này trong sách giáo khoa thời đi học mà có thể quên câu chuyện cảm động về tình cha con trong bối cảnh miền Tây Nam bộ thời chống Mỹ. Chiếc lược được người cha tỉ mẩn làm từ ngà voi gửi cho con gái, đã trở thành biểu tượng của tình cha con, là chứng nhân của tình yêu, niềm tin, hy vọng, sự kiên cường khi cùng hai cha con bé Thu đi qua cuộc chiến đầy đau thương mất mát.


Một trang trong truyện tranh Chiếc lược ngà

Năm 2012, tác phẩm này được làm mới qua định dạng truyện tranh, mở đầu cho series truyện tranh danh tác Việt Nam do Công ty sách Phan Thị thực hiện. Điều đáng để vui là cha đẻ của tác phẩm tỏ ra hài lòng với phiên bản mới do những tác giả trẻ tuổi đời cách ông nhiều thế hệ, chuyển thể. “Tôi rất thích truyện tranh Chiếc lược ngà. Các bạn họa sĩ đã cảm xúc và thể hiện các cảm xúc của mình qua nét vẽ”, là nội dung thủ bút của ông ở đầu tập truyện.


Tác giả Nguyễn Quang Sáng đang đọc lại bản thảo truyện tranh Chiếc lược ngà

Ngoài danh tác Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng còn viết nên tác phẩm Bàn thờ tổ của một cô đào, lý giải một phần về tín ngưỡng tổ của sân khấu. Truyện ngắn sau đó đã được chuyển thể, dựng thành vở cải lương cùng tên.Chuyện kể về một anh hậu đài giúp cô đào đu bay phi thân hằng đêm, nhưng một khoảnh khắc quên mình vì tiết mục đó mà anh bị tai nạn qua đời. Từ đó bên bàn thờ tổ của cô đào chánh luôn thờ cúng anh hậu đài kia. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: "Chuyện này là chuyện có thật ở một gánh hát trước đây. Nghệ sĩ Ba Xây là người kể cho tôi nghe câu chuyện này. Lúc đầu nghe kể như một câu chuyện chơi chơi thôi, không có ý định viết lách gì. Nhưng về sau tôi nghiệm nhiều chuyện nữa mới thấy là có người ngã xuống thì mới có người bay lên của ngày hôm nay, thế nên tôi viết ra".

Một tác phẩm khác của nhà văn cũng đi vào sách giáo khoa là Bài văn bị điểm không. Thiết tưởng, không cần đưa ra bình luận gì về tác phẩm như một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại được nhiều người thuộc lòng này:

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba?
Tôi ngạc nhiên: - Đề bài khó lắm sao?
- Không. Cô chỉ yêu cầu “Tả bố em đang đọc báo”. Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.
Tôi thở dài: - Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?”. Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hy sinh từ khi nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: “Sao mày không tả ba của đứa khác?”. Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má
”.

Truyện cực ngắn này không chỉ một lần nữa thể hiện tư duy sáng tác của ông, mà còn cho thấy sự lên tiếng của nhà văn về phương pháp dạy và học văn trong nhà trường. Nó không chỉ vận đúng vào bản thân ông, một người học văn rất dở, mà còn không trật vào đâu được với người con trai - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, vốn cũng không hơn gì cha trong việc đánh vật với môn văn ở trường.

Người cha ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử văn học nước nhà, còn người con cũng vượt thoát được khỏi lối học văn mẫu để trở thành đạo diễn tên tuổi. Người cha từng không lấy làm buồn vì chuyện con trai nhà văn mà lại học kém môn văn, luôn đi cùng, làm bạn cùng con, khuyến khích con làm khác. Nhưng khi bộ phim của người con dự tính chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của người cha - Chiếc lược ngà hoàn thành, ông đã không còn đồng hành cùng con trên đoạn đường còn lại.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa