SK+ Giun tron-02
Empty

Trong phát biểu khi nhận Giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm nay, nhà sinh học phân tử Gary Ruvkun đã dành vài phút để ca ngợi đối tượng thử nghiệm của mình - một loài giun nhỏ có tên Caenorhabditis elegans, mà ông gọi là "bá đạo" (badass).

Đây không phải là lần đầu tiên loài giun này được thế giới biết đến, cũng không phải là lần đầu tiên C. elegans được cảm ơn vì đã hỗ trợ công trình đoạt giải. Giải thưởng của Tiến sĩ Ruvkun thực ra là giải Nobel thứ tư có được từ nghiên cứu về C. elegans, củng cố vai trò to lớn của loài giun đất tầm thường này trong khám phá khoa học.

Loài giun C. elegans dài một milimét đã giúp các nhà khoa học hiểu được về quá trình tự chết của các tế bào khỏe mạnh hay các tế bào khỏe mạnh được lên kế hoạch để tự giết chết chính mình như thế nào, đồng thời quá trình này diễn ra sai lệch như thế nào trong AIDS, đột quỵ và các bệnh thoái hóa. Công trình này là chủ đề của Giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 2002.

Năm 2006, những người tự xưng là “người giun” đã được Ủy ban Nobel công nhận vì đã khám phá ra cơ chế làm im lặng gene (sự im lặng có thể hiểu là ngăn chặn hoặc ngăn chặn sự biểu hiện của một gen hoặc vật liệu di truyền), trở thành cơ sở cho một loại thuốc hoàn toàn mới. Hai năm sau, giải thưởng hóa học đã được trao cho các nhà khoa học đã sử dụng giun tròn để giúp tạo ra các “tế bào đèn lồng” (cellular lanterns) cho phép các nhà sinh học nhìn thấy hoạt động bên trong của tế bào.

Với mỗi giải thưởng, người đoạt giải đều cảm ơn loài giun này vì những đóng góp của nó, nhưng, có lẽ lời cảm ơn nổi tiếng nhất phải kể đến Tiến sĩ Sydney Brenner - người đã giành được giải “Nobel về loài giun” đầu tiên.

Empty

Tiến sĩ Sydney Brenner được coi là cha đẻ của nghiên cứu về C. elegans. Ông được ghi nhận là người phổ biến C. elegans trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, sau khi dành gần một thập kỷ để săn lùng mô hình nghiên cứu hoàn hảo.

C. elegans được đặt tên theo từ tiếng Latin có nghĩa là "thanh lịch" vì cách nó di chuyển theo sóng hình sin duyên dáng. Một trong những đức tính của loài động vật này là sự đơn giản, cho phép các nhà khoa học kiểm tra các giả thuyết về các khái niệm sinh học cơ bản trong một mô hình dễ hiểu.

Empty

Tiến sĩ Howard Ferris - nhà nghiên cứu giun tròn tại Đại học California, Davis, cho biết: "Đây có lẽ là sinh vật đa bào được hiểu rõ nhất trên hành tinh này". Theo TS. Ferris, mỗi tế bào của giun tròn trở nên trong suốt dưới kính hiển vi và nó chỉ phát triển trong 3 ngày nên việc lập bản đồ tế bào cùng các giai đoạn phát triển khá dễ dàng.

Giun tròn là loài động vật đầu tiên có bộ gene được giải mã hoàn toàn vào năm 1998, nhiều năm trước khi các nhà khoa học có thể làm điều tương tự đối với ruồi và chuột. Giun cũng không đắt, dễ bảo quản và hoàn toàn tự cung tự cấp. Giun tròn cái C. elegans có tinh trùng chức năng cho phép chúng tự thụ tinh và sinh sản.

“Đó là một giấc mơ”, Tiến sĩ Judith Kimble, một nhà nghiên cứu giun tròn tại Đại học Wisconsin, Madison, cho biết. “Càng nghiên cứu nhiều về giun tròn, nó càng khiến chúng tôi muốn gắn bó chặt chẽ với nó.”

Empty

Tiến sĩ Kimble cho rằng thành công của nghiên cứu phần lớn là nhờ các nhà khoa học nghiên cứu về loài giun tròn này gắn bó với nhau có xu hướng chia sẻ thông tin, nguồn lực và hợp tác, một giá trị mà bà mong muốn phần còn lại của đất nước sẽ áp dụng.

Tiến sĩ Ruvkun - Trường Y khoa Harvard, và người đồng đoạt giải của ông, Tiến sĩ Victor Ambros - giáo sư y học phân tử tại Trường Y khoa UMass Chan, đã chia sẻ những phát hiện của họ với nhau, cho phép họ ghép nối các cơ chế của microRNA. Nếu không, công trình đoạt giải của họ có thể đã bị trì hoãn nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

Cộng đồng nghiên cứu về C. elegans họp mặt hai năm một lần tại Hội nghị Giun quốc tế, nơi các nhà khoa học có những buổi giao lưu, chia sẻ và có các hoạt động tri ân loài giun tròn này. Cathy Savage-Dunn, người nghiên cứu tín hiệu tế bào ở C. elegans tại Đại học Thành phố New York, cho biết tinh thần tập thể này hoàn toàn trái ngược với một số lĩnh vực khác của sinh học, như nghiên cứu ruồi, nơi các nhà khoa học có xu hướng bảo vệ nghiên cứu của mình và cạnh tranh với nhau.

Thật vậy, có một sự ganh đua giữa các nhà nghiên cứu ruồi và các nhà khoa học về giun. Nhưng hai nhóm này đều đồng ý rằng nghiên cứu của họ bị các nhà khoa học nghiên cứu về động vật có vú bác bỏ. Những người nghiên cứu ở hệ động vật đứng đầu này thường cho rằng, các thí nghiệm trên động vật không xương sống không liên quan đến con người.

Trên thực tế, việc phát hiện ra microRNA lần đầu tiên không được cộng đồng nghiên cứu C. elegans chú ý, một phần vì các nhà khoa học khác cho rằng những phát hiện ban đầu chỉ là sự kỳ quặc của loài giun. Phải nhiều năm sau, khi Tiến sĩ Ruvkun chứng minh rằng microRNA có trong nhiều loài động vật, bao gồm cả con người, thì cộng đồng nghiên cứu rộng lớn cuối cùng mới chấp nhận.

Tiến sĩ Robert Waterston, nhà di truyền học tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết mặc dù giun đơn giản hơn nhiều so với cơ thể con người nhưng chúng ta có nhiều điểm chung hơn chúng ta nghĩ.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất