Nhiều chị em không nêm bột ngọt thì món ăn không ngon nhưng nêm thì lại lo đủ thứ. Sản phẩm bột ngọt sử dụng trên thế giới hơn 100 năm nay và được chứng minh về tính an toàn thực phẩm.
Bột ngọt không an toàn?
Tính an toàn của bột ngọt đã được thẩm định bởi nhiều tổ chức y tế, sức khỏe trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1987 đã kết luận: "quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau, bột ngọt an toàn cho người sử dụng và có liều dùng hàng ngày không xác định”. Các tổ chức khác như Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu và Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ cũng đưa ra những kết luận tương tự.
Bột ngọt gây dị ứng?
Một số người nội trợ cho hay đôi khi họ cảm thấy khó chịu, mỏi gáy… sau khi ăn những món bún, phở ở hàng quán bên ngoài có nêm nhiều bột ngọt. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng phải chăng bột ngọt là nguyên nhân gây dị ứng, hay gây ra “hội chứng nhà hàng Trung Quốc”. Tuy nhiên, bột ngọt không nằm trong danh sách các thực phẩm gây dị ứng của Codex - Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế. Nghiên cứu được thực hiện bởi Geha năm 2000 tại Mỹ và nhiều nghiên cứu khác cũng khẳng định bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra “Hội chứng nhà hàng Trung Quốc”. Như vậy, không loại trừ nguyên nhân những triệu chứng khó chịu kể trên xuất phát từ việc sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí là yếu tố tâm lý sau khi nghe những thông tin không hay về bột ngọt.
Bột ngọt biến đổi thành chất độc hại ở nhiệt độ cao?
Vì mối lo lắng này mà nhiều chị em khi bắc ra mới dám nêm bột ngọt vào món ăn. Nhưng làm vậy món ăn sẽ không ngon, đặc biệt là với những món xào, rán… cần ướp trước gia vị vào thực phẩm. Trong một nghiên cứu năm 2007, nhà khoa học Nunes cho biết tại khoảng nhiệt độ nấu ăn thông thường, bột ngọt không bị biến đổi thành những chất không tốt cho sức khỏe. Như vậy, cách làm như hiện tại của chị em là không cần thiết và ít nhiều ảnh hưởng đến hương vị của món ăn.
Bình luận của bạn