Nỗi đau từ Cửa Đại

Người dân thắp đèn hoa đăng tưởng niệm nạn nhân xấu số - Ảnh: Zing

Quá đau xót khi trong đó có một đại gia đình, người còn, kẻ mất bao giờ vết thương mới lành? Đây là cú sốc lớn với ngành du lịch Quảng Nam, bởi vừa trở lại giai đoạn bình thường, những tín hiệu đón khách du lịch đã bắt đầu khả quan với “xứ Quảng”, thì lại xảy ra tai họa.

Giờ đây, truy cứu trách nhiệm chủ kinh doanh chỉ là giải pháp tình thế. Làm sao để nỗi đau từ Cửa Đại gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh cho du lịch đường thủy nơi đây đến lúc phải tái cấu trúc một cách chuyên nghiệp, an toàn, là điều cấp bách.

Tôi đã nhiều lần đi ca nô hay thuyền từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm. Phải nói là lần nào cũng có cảm giác rờn rợn. bởi, cung đường thủy này dài tận 18 km. Sóng biển luôn gầm gào trong khi những chiếc ca nô, thuyền tầm cỡ nhỏ, không thể mang lại cảm giác an toàn. Tôi còn biết chắc rằng trong số cơ man tàu chở khách trên, rất nhiều chiếc hoán cải từ tàu đánh cá.

Cơ quan chức năng vẫn đang tìm kiếm người mất tích trong vụ lật cano - Ảnh: Vietnamnet

Cơ quan chức năng vẫn đang tìm kiếm người mất tích trong vụ lật cano - Ảnh: Vietnamnet

Trong khi, du khách đổ ra Cù Lao ngày càng đông. Theo thống kê, với khoảng 2.400 người dân trên đảo Cù Lao Chàm thì mỗi năm một người dân đón trung bình khoảng 175 khách du lịch. Vậy nên, hệ thống vận chuyển hành khách cần phải được nâng tầm cả phương tiện lẫn cung cách phục vụ. Với những cung đường dài thế, nếu là tàu cánh ngầm, hay phà mới có thể đảm bảo sự an toàn. Làm được thế chẳng những tạo diện mạo mới cho du lịch đường thủy Hội An, vốn được coi là đầy tiềm năng trong xu thế mới, mà trước hết là đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Nhớ lại năm 2006, một chiếc tàu du lịch chở 56 người đã bị lật úp trên sông Hàn, Đà Nẵng. May thay lần đó, vị trí tàu lật ở sát trung tâm thành phố, nên chỉ có 3 người chết. Nhưng, người ta phát hiện con tàu Thảo Vân 2 đó quá hạn đăng kiểm, tải trọng chỉ cho phép 28 ghế. Trước đó một năm, tàu này đã một lần bị chìm. Vậy mà, nó vẫn ngang nhiên ngày ngày hoạt động, chở theo bao nhiêu rủi ro trên con sông Hàn thơ mộng. Hiện tại, Đà Nẵng vẫn còn nhiều tàu chở khách du lịch vốn được hoán cải từ tàu đánh cá, cần được kiểm tra một cách nghiêm ngặt.

Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Bờ biển kéo dài hầu hết khắp nhiều tỉnh, thành nên có rất nhiều dư địa cho việc phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên, đa số các địa phương hiện nay mới chỉ khai thác được những tuyến gần, với các phương tiện vận chuyển còn thô sơ. Còn những tuyến xa, quá ít doanh nghiệp chịu đầu tư các phương tiện đẳng cấp. Nguy hại hơn, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều chủ kinh doanh du lịch sẵn sàng lách luật để được hành nghề bằng những con tàu, thuyền, ca nô thô sơ, sẵn sàng chở quá tải miễn sao càng đông khách càng tốt. Tư duy làm du lịch kiểu “ăn xổi, ẩu tả” đó đã gây ra biết bao tai họa, hệ lụy.

Cửa Đại những ngày đầu năm này thật tang thương, khi vẫn còn du khách mất tích trên biển chưa tìm được. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Thiết nghĩ, đây không chỉ là câu chuyên riêng của Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam.

 
Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội