Chiến đấu với tử thần bằng “vũ khí" ECMO

Các bác sỹ dùng "vũ khí" ECMO cứu tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng vì COVID-19

Cơm không rau, đau không thuốc

Thiếu máu lên não: Lạm dụng thuốc tăng tuần hoàn não, hoạt huyết – tai họa khôn lường

Chủ tịch Quốc hội: Đảng, Nhà nước luôn chia sẻ và đồng hành với ngành y tế

Thông điệp từ Cúp vàng U23

Với sự sáng tạo và quyết định táo bạo của các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) khi chia đôi máy ECMO đã giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng thoát khỏi cửa tử trong gang tấc. Đây được xem là bước đột phá của các bác sỹ, bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm.

Nhiều kỳ tích giành giật sự sống từ tay tử thần đã được các bác sỹ tạo nên từ ECMO - hệ thống có khả năng thay thế chức năng của tim phổi được xem là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử.

Chia đôi ECMO vì nghĩ về người vợ đang mang thai

Sau giây phút hạnh phúc khi cả 2 vợ chồng có được ngày vui trọn vẹn mặc áo cưới cùng với nhiều đồng nghiệp trong lễ cưới tập thể của Bệnh viện Quân y 175, bác sỹ chuyên khoa 2, Nguyễn Cảnh Chung, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ cảm thấy vui và hạnh phúc khi cả 2 vợ chồng đã cùng nhau trải qua những thời khắc khó khăn nhất.

Nhắc lại về ngày tháng cam go, khốc liệt ấy, anh Chung chia sẻ vợ cũng chính là động lực để anh sáng tạo, tận tâm, cố gắng hết mình cứu sống bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Anh Chung kể lại, dịch bệnh bùng phát, Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Khoảng thời gian chống dịch là thời điểm căng thẳng nhất của anh cũng như các đồng nghiệp của mình.

“Thời điểm dịch bệnh bùng phát, bệnh nhân trở nặng nhập viện nhiều, trong khi trang thiết bị thiếu thốn, đặc biệt, thời gian đầu tại trung tâm chỉ có 1 máy ECMO. Nhìn người bệnh là những sản phụ ở giữa lằn ranh sinh-tử tôi chỉ nghĩ về vợ và đứa con chưa chào đời” – anh Chung xúc động nói.

Anh Chung cho biết anh và vợ là đồng nghiệp tại bệnh viện. Ngay đỉnh dịch, vợ anh phát hiện đã có thai. 8 tuần sau, anh bước vào nơi căng thẳng nhất - khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.

Ekip thực hiện sáng kiến tách đôi ECMO cứu sống 2 sản phụ mắc CCOVID-19 nguy kịch

Ekip thực hiện sáng kiến tách đôi ECMO cứu sống 2 sản phụ mắc CCOVID-19 nguy kịch

“Chứng kiến khoảnh khắc nguy kịch của bệnh nhân như vậy, nếu chỉ cần chậm trễ can thiệp kỹ thuật ECMO thì tính mạng khó mà giữ được. Nhưng khó khăn nhất là lúc điều trị cho 2 sản phụ cần thở ECMO, mà chỉ còn 1 máy. Khi đó tôi nghĩ rất nhiều về vợ, mình sẽ làm gì nếu vợ mình rơi vào tình huống đó? Với lương tâm của thầy thuốc, anh đề xuất chia đôi máy ECMO để mang cơ hội sống cho 2 người mẹ, người vợ” – anh Chung nghẹn ngào nói.

 

 

Nhớ lại thời điểm đó, anh Chung cũng như đồng nghiệp của mình không thể quên được sản phụ N.H (33 tuổi) mắc COVID-19 nguy kịch được chuyển đến từ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) sau khi mổ bắt con.

“Khó khăn nhất là thời điểm đó có rất nhiều ca nặng, trong khi chỉ số của sản phụ nếu không can thiệp ECMO chắc chắn sẽ tử vong. Tuy nhiên, tại trung tâm lúc ấy chỉ có 2 máy ECMO hiện đang sử dụng cho 2 F0 nặng. Không có nhiều thời gian lương tâm của thầy thuốc buộc chúng tôi phải đấu tranh, tận dụng những lý thuyết đã có và nảy ra sáng kiến tách đôi ECMO” – bác sỹ Chung nhớ lại.

Sau ý tưởng đó, anh Chung đã báo cáo Ban giám đốc bệnh viện, nhanh chóng, một cuộc hội chẩn khẩn giữa các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, các kỹ sư được diễn ra.

Thượng tá, bác sỹ Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết các bác sỹ vô cùng trăn trở, lo lắng giữa tính mạng bệnh nhân và sự thiếu thốn trang thiết bị. Ý tưởng chia đôi ECMO phát sinh trong khó khăn, thúc giục các bác sỹ đấu tranh cho tính mạng người bệnh.

Các bác sỹ tại Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện ECMO di động cho một sản phụ điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) nguy kịch

Các bác sỹ tại Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện ECMO di động cho một sản phụ điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) nguy kịch

Bác sỹ Ân chia sẻ thêm sự sáng tạo dựa trên cơ sở lý thuyết vì máy ECMO có bơm phụ. Bơm này được dùng thay thế khi bơm chính gặp trục trặc hoặc thay quả phổi (Priming) trước khi phổi hỏng. Bên cạnh đó, với sự tham vấn chuyên môn của các chuyên gia và đưa ra phương án dự phòng nếu quá trình tách đôi gặp trục trặc có thể quay tay thay máy. “Các phương án dự trù được lên nhanh chóng, trong vòng 30 phút chúng tôi bắt tay vào thực hiện công việc chưa từng có trong tiền lệ đặt ECMO tách đôi cho 2 sản phụ. Trong 45 phút đó là khoảng thời gian căng thẳng, hồi hộp nhưng cũng vô cùng cẩn trọng của cả ê kíp. Rất may mắn, sau nhiều giờ trôi qua, các chỉ số của bệnh nhân dần diễn tiến tốt. Các chỉ số huyết động và oxy hóa máu của cả 2 bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Sau một thời gian điều trị, cả 2 sản phụ đã hồi phục và xuất viện đoàn tụ với con và gia đình” – bác sỹ Ân chia sẻ.

Sản phụ N.T.T.T (28 tuổi, ngụ TP HCM) được xuất viện sau thời gian chiến đấu với COVID-19 nhờ cải tiến tách đôi ECMO

Sản phụ N.T.T.T (28 tuổi, ngụ TP HCM) được xuất viện sau thời gian chiến đấu với COVID-19 nhờ cải tiến tách đôi ECMO

Giữ sự sống bằng ECMO di động

ECMO được xem là phương án cuối cùng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Thông thường, kỹ thuật này chỉ được tiến hành tại chỗ, ở những nơi có đủ điều kiện trang thiết bị cơ sở vật chất, máy móc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh không thể chuyển đi, bắt buộc phải di chuyển cả ê kíp (con người, trang thiết bị, máy móc...) đến một nơi chưa thực hiện ECMO để làm sau đó mới vận chuyển về bệnh viện tiếp tục điều trị.

Theo bác sỹ Vũ Đình Ân, ECMO mobile là hình thức ECMO cấp cứu di động trong các tình huống khẩn cấp, can thiệp tại chỗ rồi mới chuyển viện, dành cho người bệnh nặng, nguy kịch, không đáp ứng thở máy. Quá trình thực hiện ECMO di động cần thực hiện nhiều bước quan trọng như: tiến hành hội chuẩn online tình trạng bệnh nhân, tình trạng cơ sở vật chất tại chỗ, nơi bệnh nhân đang điều trị. Đồng thời lên phương án vận chuyển; sử dụng xe tiêu chuẩn cao, đầy đủ thiết bị, sạc pin ECMO phải đảm bảo tuyệt đối không xảy ra trục trặc gì trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Đội ngũ y, bác sỹ phải chuyên nghiệp, tập huấn nhiều lần, triển khai nhiều phương án. Đặc biệt, trong suốt quá trình chuyển bệnh, hệ thống máy móc đi cùng bệnh nhân phải đảm bảo hoạt động ổn định liên tục. Chỉ một sự cố nhỏ, bệnh nhân sẽ tử vong ngay.

Các bệnh nhân bình phục và ra viện sau khi đước cứu chữa bằng ECMO

Các bệnh nhân bình phục và ra viện sau khi đước cứu chữa bằng ECMO

Bác sỹ Ân cho biết thêm, mô hình ECMO di động là một trong những “vũ khí hạng nặng” hồi sinh sự sống cho nhiều bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã hỗ trợ cứu sống 3 bệnh nhân từ các bệnh viện gồm: FV, Trưng Vương và Hồi sức COVID-19.

“Dịch bệnh căng thẳng, mục tiêu của y, bác sĩ là ngăn chặn sự chuyển nặng, giảm thiểu nguy kịch để cứu nhiều bệnh nhất có thể. Trong thời gian thành lập Trung tâm điều trị người bệnh COVID-19 đến nay, tại đây đã thu dung, điều trị gần 3.000 bệnh nhân. Trong đó, 19 bệnh nhân được thực hiện ECMO (4 cặp ECMO tách đôi). Để làm được điều này các y, bác sĩ tại bệnh viện đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Tách đôi ECMO, chia tách đường dẫn khí, lọc máu luân phiên” – bác sỹ Ân chia sẻ.

 

Là một trong những chuyên gia tham vấn chuyên môn về kỹ thuật ECMO cho các bác sỹ tại Bệnh viện Quân y 175 thực hiện kỹ thuật này, TS.BS Phan Thị Xuân, Nguyên trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thời điểm dịch bệnh bùng phát Bệnh viện Quân y 175 là một trong những đơn vị điều trị COVID-19 tốt không chỉ của TP.HCM mà còn cả Việt Nam.

“Dù mới lần đầu thực hiện kỹ thuật ECMO nhưng các bác sỹ tại đây đã được đào tạo chuyên môn tốt, có những sáng tạo trong tình huống bất đắc dĩ mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh” – bác sỹ Xuân chia sẻ.

Mộc Khuê
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết