Nồng nàn Khau Vai...

Dù là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô người lớn trẻ nhỏ, già trẻ gái trai, chẳng ai muốn bỏ lỡ phiên chợ này, bởi mỗi năm Khau Vai chỉ họp một ngày. Tuy nhiên, đồng bào thường tụ hội về đây trước khoảng hai, ba ngày để hòa mình vào những cuộc đấu dê, bò với quy mô lớn.

Không giống như cuộc đấu bò tự phát ở phiên chợ cuối tuần, những chú bò ở Khâu Vai đã được chuẩn bị từ trước để bước vào một trận đấu thực sự. Những đấu sĩ bò được chia làm hai hạng, hạng A và hạng B. Hạng A là những đấu sĩ có trọng lượng thân hình to lớn hơn. Tương ứng với mỗi hạng sẽ là các vòng đấu. Những bộ sừng được chủ nhân chuẩn bị thật kỹ lưỡng, vót thật nhọn, mài thật sắc vì đó là vũ khí gây sát thương cao cho đối thủ và quyết định chiến thắng của mỗi đấu sĩ.

Cứ sau mỗi vòng đấu, các đấu sĩ bò lọt vào vòng sau lại được chuốt nhọn thêm đôi sừng và được chăm sóc rất chu đáo. Cuộc đấu diễn ra suốt trong hai ngày để chọn ra nhà vô địch. Một điều đặc biệt hơn các cuộc chọi bò ở các vùng miền khác là những con bò chọi ở Mèo Vạc không phải nuôi để chọi mà chính là những con bò hàng ngày vẫn cày nương kéo xe.

Những trận đấu căng thẳng nhưng niềm vui được dành cả cho người thắng lẫn người thua cuộc. Những chú bò thắng cũng như những chú bò thua trận đều nhận được sự tán dương của mọi người. Trận đấu kết thúc, dù thắng hay thua cuộc thì những đấu sĩ bò lại trở về với chủ nhân, với công việc thường ngày là cày nương làm rẫy.

Cuộc đấu bò kết thúc, tất cả lại nô nức tìm về xã Khâu Vai - nơi điểm hẹn một đêm chợ tình. Khâu Vai xưa vốn không có đấu bò hay đua ngựa. Khâu Vai của một thuở chưa xa là nỗi niềm là hy vọng, là mong chờ của người cao nguyên, mỗi năm chỉ đến một lần.

Đến với chợ tình không phải để mua bán. Đến với chợ tình để hòa nhập vào tình cảm thiêng liêng trong sáng giữa con người với con người, đến chợ tình để gặp lại người xưa. Có nhà thơ đã viết “Những cuộc tình vụng dại/ Những cuộc tình khôn ngoan/ Đã sống và đã chết ở nơi này/ Không khôn ngoan không vụng dại/ chỉ lặng chìm như đá/ Chỉ bời bời như mây”.

Người vùng cao đến Khau Vai tìm nhau qua tiếng khèn da diết “Xin em đừng đau khổ/ không làm rẫy sẽ làm ruộng/ Không thành vợ sẽ làm người yêu/ đón em từ sớm tới chiều phong lưu”. Mỗi đôi tình nhân tìm cho mình một vách đá quen, để lại đôi dép ở ngoài. Người lạ sau biết thấy hai đôi dép ở đâu thì tự tìm góc núi khác. Mỗi đôi tình nhân lại có một góc núi riêng như vậy. Ai tới trước thì chờ người còn lại. Nếu hết đêm mà bạn tình không đến thì có nghĩa là người đó đã không còn trên cõi nhân gian này nữa.

Ngày này, Khau Vai dần trở thành một cái chợ lớn, nơi người ta mang đến rất nhiều những thứ khác nữa, những thứ vật chất hữu hình. Nhưng có lẽ, bất kỳ một ai khi tìm đến nơi này sẽ chẳng bao giờ chạm được vào phần hồn của đêm Khau Vai nếu như không tìm thấy một tình yêu đích thực như lời một nhà thơ đã viết

“Hãy nhìn nhau, nhìn nhau trước gió

Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình…”

(Khau Vai- Trần Hòa Bình).

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa