Phách sênh, những nhịp vui buồn...

Ngay từ lúc được tôn vinh, trong tự hào, có cái thoáng buồn, bởi ca trù nằm trong hạng mục cần được bảo vệ khẩn cấp. Người ta bắt đầu lo cho ca trù từ khi nào? Khoảng gần chục năm trước, khi ca nương đệ nhất Quách Thị Hồ qua đời, những "báo động" đầu tiên đã cất lên. Thời gian không thể coi là ngắn. Thế rồi mặc tiếng báo động ấy, những bậc tài danh của làng ca trù vẫn cứ "Tài hoa đã chán rơi hàng lệ/Lạnh lẽo trôi vào thấm ruột gan". Chẳng thấy nhiều hơn sự quan tâm. "Tấm gương" của các bậc tiền bối như danh cầm Chu Văn Du từng là một anh thợ giặt, thợ sơn vôi; đệ nhất danh ca Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê... hẳn nhiều người biết. Ca trù long đong là thế. Ai cũng nghĩ rồi sẽ chẳng còn ai học hát ca trù. Nhưng lẽ đời không chịu giản đơn...

Lần đầu tôi gặp ca nương Bạch Vân cũng là lúc chị mới ở Lỗ Khê về. Chị cứ một mình phăm phăm xe máy lặn lội đi "vớt vát" những vốn ca trù sót lại ở khắp miền. Lần khác, chị khoe mới "phát hiện" ra một kép đàn trong Thanh Hóa, một "kỳ nhân" ẩn dật. Chị Bạch Vân quê tận Nghệ An, trong một gia đình Nho học. Ước mơ thời trẻ của chị là vào Ðại học Tổng hợp, lập nghiệp văn chương. Nhưng chỉ một canh hát của cụ Quách Thị Hồ, cuộc đời chị đã quặt sang hướng khác. "Người ơi mưa đấy hay sênh phách/Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa", câu thơ của thi nhân Trần Huyền Trân tặng cụ Quách Thị Hồ vẫn còn nguyên niềm day dứt. Biết vậy đấy, nhưng Bạch Vân vẫn tìm cụ Quách Thị Hồ để "bái sư". Khi chị Bạch Vân tìm đến, cụ Quách Thị Hồ bảo: "Học làm gì hả con? Ca trù chỉ có lụi đi thôi". Cũng phải thôi. Cuộc đời cụ đã khổ vì ca trù nhiều rồi. Bạch Vân còn tìm đến những nghệ nhân khác. Câu trả lời vẫn vậy. Mỗi người tìm một lý do từ chối dạy nghề. Nỗi đau đắng lòng mang danh "con hát" gặm nhấm các cụ mấy mươi năm. Lẽ thường, không ai muốn khơi lại. Cái ngày ấy như mới hôm qua.

Vậy mà ngoảnh đi, ngoảnh lại đã ngót ba mươi năm, Bạch Vân thao thiết với ca trù. Chị may mắn làm học trò của những ca nương bậc nhất, để rồi trở thành một trong những giọng ca hay nhất của Hà Nội. Nguồn cơn nào nên nỗi, đến cả các thầy "đuổi", chị cũng cứ lăn vào, nếu không bởi hai chữ tấm lòng? Tấm lòng chị khiến các cụ dốc ruột chắt ra những kỹ thuật của ca trù, từ cách lấy hơi, nhả chữ, nhả câu, chuốt phách... Tính chị Bạch Vân không thâm trầm như câu hát ca trù. Nhiều cuộc hội thảo, chị nói về chính sách với ca trù, với nghệ nhân dân gian đến độ gay gắt. Tiếng chị lúc ấy như vừa đanh, vừa nghẹn ngào, như tiếng phách của đào nương khi hát về một nỗi niềm oan nghiệt...

Tôi nhớ có những bận trời rét, gió bấc bạc mặt người, thấy chị Bạch Vân khăn gói chuẩn bị lên đường đến với các nghệ nhân ca trù mà nén tiếng thở dài. Lương không ai trả. Ngày ấy hát chẳng có người nghe. Vì sao có những người mê ca trù đến thế? Câu hỏi này thật khó trả lời. "Ðó là loại nhạc mà nghe đến mười năm, mình không "bắt" được giọng. Ca trù có chất mê hoặc". Ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự như vậy. Sẽ không bất ngờ, nếu nó được nói ra bởi một người bình thường. Nhưng đó lại là tâm sự của một giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chị Huệ đến với Học viện Âm nhạc Quốc gia năm tám tuổi, được đào tạo bài bản về âm nhạc dân tộc, rồi trở thành giảng viên. Với con người am hiểu về âm nhạc dân tộc như thế, ca trù vẫn là một thế giới kỳ bí.

Chị Huệ có thể an cư nghiệp giảng dạy với cây đàn tỳ bà. Nhưng lòng chị không nguôi trăn trở về số phận ca trù. Chị "mết" ca trù từ năm 1992. Trời xui đất khiến, năm 2000, một lần đi diễn, chị gặp cụ Nguyễn Thị Chúc, giọng ca cao sang của Hà thành. Cụ Chúc không có người đưa đón, đang định bắt xe buýt. Chị cả mừng, xin làm "xe ôm" cho cụ. Thế rồi nên nghĩa thầy trò. Chị Huệ còn tìm gặp cụ Phó Thị Kim Ðức xin học. Nhưng cụ Ðức chỉ ậm ừ. Cụ không nhận chính thức, phần vì không tin là có người say ca trù như thế, phần khác, khi đó cụ đã có đệ tử "chân truyền". Mặc kệ, tuần nào chị Huệ cũng đến nhà cụ Ðức. Chị học "mót". Nếu ai biết quãng thời gian lăn lộn với ca trù của ca nương Phạm Thị Huệ, hẳn phải phục chị về cái nhìn dài hơi. Từ năm 2006, chị đã tập hợp những người yêu thích ca trù để biểu diễn miễn phí, dạy miễn phí, nhất là các bạn trẻ. Chị bảo nhiều người không biết ca trù, cho nên biểu diễn, dạy miễn phí là để "đào tạo khán giả". Có hàng chục bạn trẻ đến với Giáo phường Ca trù Thăng Long do chị làm chủ nhiệm. Người đến, rồi lại có người đi. Có thời điểm, đến năm bạn trẻ rời giáo phường, đều là những giọng ca triển vọng. Lý do cũng giản dị, các bạn đến với ca trù khi còn là sinh viên. Ðược vài năm, các bạn tốt nghiệp, cuộc mưu sinh thúc bách, mà ca trù chưa đem lại tiền bạc. Bảo không tiếc là nói dối. Nhưng chị bảo, người đến, người đi là lẽ thường. Quan trọng nhất là có người ở lại.

Chị Bạch Vân phụ trách Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, chị Phạm Thị Huệ là Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long. Cả hai đều biểu diễn định kỳ mỗi tuần ba buổi trong Khu phố cổ Hà Nội. Chuyện những Việt kiều về Hà Nội phải "lục tung" cả thành phố vẫn không tìm được người hát ca trù, nay đã không còn. Ca trù đang từng bước trở thành một đặc sản du lịch của khu phố cổ. Nghe thì đơn giản thế. Nhưng có quả ngọt nào lại dễ kết trái? Bởi sau bao năm lăn lộn, đến khi biểu diễn định kỳ tại khu phố cổ, có lúc các chị tưởng phải ngừng diễn. Tổ chức diễn là tốn kinh phí. Nhiều hôm, đào nương, kép đàn biểu diễn... cho nhau xem. Vì không có khán giả. Mà lúc ấy mỗi tuần chỉ diễn một đêm duy nhất. Những người hiểu về các nghệ nhân ca trù, khi nói về ca trù phố cổ hôm nay chỉ có thể nói hai từ "kỳ tích". Liệu "đặc sản" du lịch Hà Nội có thành không, nếu qua những đêm vắng khách, nghệ nhân vượt qua được khó khăn khi cứ phải móc tiền túi ra trang trải cho các buổi diễn?


Ca nương Bạch Vân biểu diễn tại Liên hoan ca trù Hà Nội 2012.

Nhiều địa phương có ca trù. Nhưng Thăng Long - Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, ca trù trên đất Thủ đô có nét cao sang, đài các, tinh tế riêng, nếu không muốn nói là đặc sắc hơn cả. Hà Nội có nhiều trung tâm ca trù cổ. Ðó là Lỗ Khê, là Chanh Thôn... Nhưng Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà vẫn được xem là nơi giữ được nhiều nét thanh tao, lịch lãm nhất. Ðây là một câu lạc bộ gia đình. Ðúng hơn là của dòng họ Nguyễn, ấp Thái Hà khi xưa. Dòng họ nhiều đời hát ca trù, từng có những ca nương, kép đàn phục vụ trong cung đình. Giờ, cả ba thế hệ trong gia đình đều biểu diễn ca trù. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cầm roi chầu, những người con của ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê chơi đàn đáy, Nguyễn Thúy Hòa là đào nương. Song, mấy thế hệ trước có lẽ đều thua... cô cháu gái Nguyễn Kiều Anh về độ... nổi tiếng. Bởi Kiều Anh là người đầu tiên đem ca trù lên sân khấu của một chương trình truyền hình khá hút khách, đó là Tìm kiếm Tài năng Việt Nam năm 2013. Kiều Anh không chiến thắng. Nhưng Kiều Anh để lại ấn tượng mạnh nhất. Với nhiều người, ca trù còn quá xa lạ. Ca nương Kiều Anh đã khiến nhiều khán giả truyền hình bị bất ngờ, vì ca trù khó thế mà Kiều Anh biểu diễn nhuần nhị. Vì không ngờ ca trù lại có nét thú vị thế...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi có nhiều kỷ niệm gan ruột với ca trù. Ấy là ông và gia đình từng phải hát "chui". Vì nhớ quá, mà hồi ấy người ta kỳ thị ca trù. Ấy là những ngày khốn khó, mà cô con gái vẫn lọc cọc đạp xe đi học cụ Quách Thị Hồ. Ấy là vì lo giữ nghiệp của gia đình mà chắt chiu từng đồng để cho hai người con trai là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Hẳn giờ, lão nghệ nhân ở tuổi 83 đã được an ủi từ cô cháu gái tài năng. Ai bảo ca trù cổ hủ, không hợp thời khi một cô gái tuổi mười tám, đôi mươi hằng ngày vẫn sống cuộc sống hiện đại, mê nhạc nước ngoài, vẫn có thể sống từng hơi thở với ca trù như thế?

Lời ca, nhạc điệu ca trù luôn phảng phất nỗi buồn. Nhưng nghĩ đến những canh hát của các nghệ nhân trong khu phố cổ từ chỗ không người xem, giờ có buổi biểu diễn có đến mấy mươi người nghe chật khán phòng, tôi cứ hình dung tiếng phách kia có sự xốn xang của niềm vui đang nảy mầm. Lại nhớ cái giọng vừa gay gắt, vừa nghẹn ngào của chị Bạch Vân khi nói về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân ca trù. Buồn có. Mà vui cũng có. Bởi còn có những tấm lòng như thế, ca trù vẫn còn cơ tồn tại đến mai sau...

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa