Phanh phui thêm 1 thẩm mỹ viện "láo nháo"

Thực trạng này chỉ được phanh phui sau sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực chui gây chết người.

Kết quả kiểm tra liên ngành của Sở Y tế Hà Nội mới đây phát hiện nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác được các thẩm mỹ viện sử dụng trong các gói trị liệu làm đẹp có giá vài triệu đến chục triệu đồng. Cụ thể, tại thẩm mỹ viện Thu Lâm (40A Cửa Đông, Hà Nội), khi kiểm tra, bị phát hiện có rất nhiều lọ đựng sản phẩm không rõ nguồn gốc: Đó đều là các dung dịch nhỏ màu vàng, dung dịch chứa bột màu vàng có ghi Bellena trament gold peemask; Bellena - face body-spa. Bên cạnh đó, còn có các hũ to nhỏ, đựng bột màu trắng, xanh không hề có nhãn mác, được dán nhãn ghi tay "nâng cơ" giúp nâng cơ mặt, chống chảy xệ...


Bột nâng cơ không nhãn mác bị phát hiện tại TMV Thu Lâm - Cửa Đông

Chủ Thẩm mỹ viện Thu Lâm cho biết, các sản phẩm này được cấp phép, tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra thẩm mỹ viện này không thể xuất được hóa đơn nguồn gốc sản phẩm, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Điều đáng nói đây là một địa chỉ được nhiều chị em tin cậy vì các dịch vụ làm đẹp được quảng cáo khá bài bản. Hơn nữa, chi phí cho các dịch vụ làm đẹp ở đây cũng không hề rẻ, có nhiều gói dịch vụ thấp cũng từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng.

Đơn cử như gói nâng cơ mặt Hồng Ngọc ở thẩm mỹ viện này, khách đã phải chi tới 14 triệu đồng cho 10 lần nâng cơ. Còn nâng cơ Kim cương thì khách phải mất 20-25 triệu đồng cho 1 liệu trình. Mặc dù với giá khá chát nhưng nhiều chị em vẫn sẵn sàng móc hầu bao để có cơ mặt đàn hồi, săn chắc không chảy xệ mà không biết rằng, có thể chính họ đang phải sử dụng loại kem nâng cơ không nhãn mác, không nơi sản xuất kia.

Thực tế tìm hiểu có thể khẳng định, Thu Lâm không phải thẩm mỹ viện duy nhất sử dụng mỹ phẩm, hóa chất làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác.

Theo khảo sát của phóng viên và qua chia sẻ của nhiều chị em phụ nữ đã từng đi tắm trắng, làm đẹp ở nhiều thẩm mỹ viện thì chính họ nhiều lần chứng kiến các thẩm mỹ viện sử dụng các loại kem trộn được đựng trong những hộp nhựa không nhãn mác, mỹ phẩm tự nhiên hoặc nhiều loại kem được quảng cáo có nguồn gốc Thái Lan, Hàn Quốc… Tuy nhiên, vì tin tưởng vào các dịch vụ của thẩm mỹ viện, hầu hết đều nhắm mắt làm ngơ tiếp túc sử dụng những dịch vụ đó.

Chị Thu Phương (ở 56 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi có đến một thẩm mỹ viện ở đường Hoàng Cầu sử dụng dịch vụ tắm trắng da. Mỗi lần tắm đơn lẻ mất 400.000đ, trọn gói 11 lần là 4 triệu".

"Theo nhân viên thẩm mỹ viện, đó là gói làm trắng rẻ nhất sử dụng thuốc bắc và kem vitamin. Mỗi lần sử dụng dịch vụ, tôi thấy họ lấy các loại thuốc ở những hộp lớn bằng nhựa không nhãn mác kem có màu hồng đục đục trộn với 1 loại kem màu trắng, còn thuốc bắc thì được đựng trong từng túi nilon trong suốt. Tôi làm thử được 2 lần da cũng trắng lên nhưng sau đó bị sần mụn rất nhiều, có cả mụn bọc mụn mủ ở mặt và lưng nên sau đó không dùng nữa", chị Phương chia sẻ.


Loại hỗn hợp chứa trong những chiếc hộp trần trụi không nhãn mác này từng làm mưa làm gió một thời gian dài và được quảng cáo là để làm trắng da vàđược nhiều TMV uy tín sử dụng.

Không chỉ sử dụng làm trực tiếp cho khách, nhiều thẩm mỹ viện còn quảng cáo và bán nhiều loại kem đập trắng, kem ủ, kem lột trắng độc quyền cho khách về tự sử dụng. Nhiều loại kem, mỹ phẩm được quảng cáo là sản phẩm độc quyền làm riêng cho thẩm mỹ viện, nhiều loại khác thì được quảng cáo là hàng xách tay từ Thái Lan, Hàn Quốc trên vỏ hộp chi chít tiếng Thái, tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc, mà không có bất kỳ một chữ tiếng Việt nào.

Khách hàng được quảng cáo thế nào cũng đành tin thế. Nguồn gốc của những mỹ phẩm đó ở đâu chắc chỉ những thẩm mỹ viện đó biết, hoặc bị phanh phui khi cơ quan chức năng bắt gặp và xử lý.

Hiện, không ít cơ sở TMV đã lợi dụng sự cả tin của khách hàng để trà trộn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được nhập từ các đại lý kinh doanh bất chính, nâng giá lên cao gấp nhiều lần kiếm lời cho những dịch vụ làm đẹp (như săn sóc làm đẹp da, trị nám da mặt, trị mụn, tàn nhang, làm trắng).

Tháng 10/2012, Đội 6 Phòng Cảnh sát Phòng môi trường đã phát hiện trung tâm Thiết bị y tế và mỹ phẩm Tiến Thịnh tại đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm đang bày bán công khai gần 1.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại như bột đắp da mặt, kem tẩy tế bào chết, kem massage giảm béo... được đóng gói cẩn thận, không có tem nhãn phụ, hướng dẫn bằng tiếng Việt. Chủ cơ sở trên thừa nhận số mỹ phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, với giá rẻ để bán lại kiếm lời.

Điều đáng nói, đây là cơ sở chuyên cung cấp mỹ phẩm và dụng cụ thẩm mỹ cho nhiều spa trên địa bàn Hà Nội.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin