Pháp: Hơn 5.000 phụ nữ nâng ngực kiện đòi bồi thường

Công ty giám định “lãnh đủ” vì hàng kém chất lượng lọt lưới

Chuyện túi độn ngực kém chất lượng do công ty PIP (viết tắt của Poly Implants Prosthèses) của Pháp bị phanh phui đã làm kinh động dư luận toàn thế giới vào năm 2009. Thời gian đó hàng loạt các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Pháp báo cáo xảy ra hàng loạt vụ vỡ, biến dạng, rò rỉ từ túi độn ngực do PIP sản xuất sau khi được ghép vào ngực phụ nữ. sản phẩm bị thu hồi. PIP bị đóng cửa năm 2010

Thông tin về túi độn ngực kém chất lượng gây hại sức khỏe cho người giải phẫu nâng ngực đã khiến nhiều người nhận ra mình là nạn nhân nên đòi pháp luật can thiệp. Trong số các công ty bị kiện đòi bồi thường, có công ty Đức TUV Rheinland (gọi tắt là TUV).


Jean Claude Mas (giữa) đến tòa án ở Marseille vào tháng 4/2013

Theo báo Pháp Le Monde, 1.600 phụ nữ là nạn nhân, đa số ở Pháp và Nam Mỹ, kiện TUV đòi bồi thường mỗi người 21.500 USD. Ngoài ra 6 công ty phân phối túi độn ngực loại này cũng kiện TUV đòi bồi thường, tổng cộng số tiền đòi bồi thường lên tới 71,4 triệu USD. TUV bị kiện vì là công ty chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng Sản phẩm túi độn ngực của PIP.

Theo luật châu Âu, việc sản xuất các vật dụng y tế, ví dụ như túi độn ngực, phải tuân thủ những tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Công ty sản xuất có quyền chọn một trong số các công ty có chức năng kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chất lượng để làm việc kiểm định chất lượng an toàn của việc sản xuất hàng.

PIP đã chọn TUV, công ty từng nổi tiếng thế giới về đánh giá, kiểm tra chất lượng. Một thời, có thể nói TUV đồng nghĩa chất lượng và sự đáng tin cậy. Nhờ “mác” châu Âu chất lượng an toàn, túi độn ngực của PIP được xuất bán tới hơn 65 nước.

Công ty công nhận chất lượng sản phẩm phải tuân thủ luật châu Âu trong việc kiểm tra giám định chất lượng, chẳng hạn phải kiểm tra định kỳ hàng năm, mỗi 5 năm và kiểm tra không báo trước công ty sản xuất sản phẩm.

Công ty chứng nhận chất lượng được luật cho quyền rất rộng rãi, bao gồm quyền tổ chức kiểm tra nơi sản xuất, thử mẫu, yêu cầu báo cáo... Nhưng trên thực tế, TUV chỉ xem tài liệu và không bao giờ thực hiện kiểm tra đột xuất. Từ năm 2001 PIP đã dùng silicone sử dụng trong công nghiệp để sản xuất túi độn ngực.

Giá của silicone dùng trong công nghiệp chỉ bằng 10% chất silicone được phép dùng làm túi độn ngực đúng chuẩn, như thế giá thành hạ, dễ bán, lời nhiều. TUV không phát hiện để ngăn chặn.

Phán quyết của tòa thương mại ở Toulon miền Đông Nam nước Pháp ngày 14/11/2013 cho rằng TUV đã không làm tròn trách nhiệm kiểm soát chất lượng túi độn ngực của PIP sản xuất nên bị buộc bồi thường 3.000 euro (khoảng 85 triệu VND) cho mỗi nạn nhân.

Các chuyên gia sẽ xem xét thiệt hại thực tế, nạn nhân có thể được đền bù cao hơn 3.000 euro. Số tiền tòa buộc TUV đền bù ít hơn nhiều so với nguyên đơn mong muốn. Tuy nhiên, dự đoán sẽ còn nhiều nạn nhân khác tiếp tục đòi TUV bồi thường sau khi có phán quyết của tòa.

Vụ kiện nâng ngực dây dưa nhiều rắc rối

Thu nhập của TUV mỗi năm lên tới 1,5 tỷ euro. Luật sư của TUV cho biết sẽ kháng cáo. Công ty giám định luôn nhấn mạnh mình “vô tội”, biện bạch rằng công việc của mình là chứng nhận các hệ thống kiểm soát chất lượng của PIP chứ không phải chứng nhận thành phẩm.


Túi độn ngực bị biến dạng

Sau TUV, tòa án Pháp sẽ còn xử nhiều vụ liên quan tới PIP. Gần nhất có lẽ là vụ xử giám đốc và 4 quản lý công ty PIP, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới tại Tòa án ở Marseille, Pháp. Năm người quản lý PIP, gồm người sáng lập kiêm giám đốc Jean Claude Mas (74 tuổi) và 4 cộng sự của ông ta: Phó giám đốc Claude Couty, giám đốc chất lượng Hannelore Font, giám đốc kỹ thuật Loic Gossart và trưởng bộ phận sản phẩm Thierry Brinon.

Từ tháng 4/2013, tòa án Marseille đã bắt đầu phiên tòa xử năm bị cáo nói trên. Đứng đơn kiện là 5.127 phụ nữ đã bị ghép túi độn ngực kém chất lượng. Có 300 luật sư đại diện cho số nguyên đơn, đông nhất trong lịch sử tòa án Pháp.

Trước tòa, Jean Claude Mas vẫn khăng khăng nói rằng túi độn ngực PIP sản xuất không gây nguy hiểm cho người sử dụng và chất silicone được dùng trong sản phẩm túi độn ngực của PIP an toàn.

Tòa đã buộc các bị cáo tội gian dối với tình tiết tăng nặng. Công tố viên đã đề nghị mức án 4 năm tù cho Jean Claude Mas cùng số tiền phạt 100.000 euro. Đồng thời công tố viên cũng muốn Jean Claude Mas bị cấm hoạt động liên quan đến y tế hay điều hành một công ty công nghiệp hay thương mại. Bốn người còn lại có thể bị án tù từ 6 tháng tới 2 năm. Bản án bị kháng cáo và dự kiến sẽ sớm diễn ra phiên phúc thẩm.

Nghiêm trọng đến mức chính phủ phải ra lời khuyên


Sự việc một phụ nữ Pháp giải phẫu nâng ngực với túi độn ngực của PIP bỗng phát triển một chứng ung thư hiếm gặp dẫn đến tử vong đã khiến chính phủ Pháp hành động.

Ngày 23/12/2011 chính phủ Pháp đã khuyên 30.000 phụ nữ ở Pháp lấy túi độn ngực do PIP sản xuất ra khỏi cơ thể. Quỹ chăm sóc sức khỏe công cộng Pháp được dùng để trả cho chi phí giải phẫu lấy túi độn ngực, tốn khoảng 60 triệu euro. Những ai không muốn lấy túi độn ngực ra sẽ được trả tiền siêu âm ngực hàng tháng trong 6 tháng để đề phòng.

Trong số 672 trường hợp lấy túi độn ngực ra, có 43 trường hợp túi độn bị vỡ, và 14 trường hợp túi độn bị rò rỉ. Việc rút túi độn ngực ra cũng có nguy hiểm nhất định. Cuối năm 2011, đã phát hiện 8 trường hợp có khối u ở ngực nơi phụ nữ đã rút túi độn ngực ra.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất