Phim 21 tỷ "Sống cùng lịch sử" có doanh thu bằng 0

 


Một cảnh trong phim 21 tỷ "Sống cùng lịch sử"

Bộ phim được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chọn mặt gửi vàng cho Hãng phim truyện Việt Nam cùng đạo diễn, Nghệ sỹ nhân dân, Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Vân. Phim kể câu chuyện về nhóm bạn trẻ đi "phượt" lên Điện Biên và tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. 

Phim đã có buổi ra mắt đầu tiên tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia trong lễ khai mạc Tuần phim miễn phí được Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng trong tuần lễ đó, đoàn làm phim còn có chuyến đi lên thành phố Điện Biên Phủ lịch sử để giao lưu với bộ đội và sinh viên nơi đây.

"Sống cùng lịch sử" ra rạp trong dịp lễ 2/9, cùng lúc với "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, "Mộ gió" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và "Scandal - Hào quang trở lại" của Victor Vũ, một đại diện của dòng phim tư nhân. Nếu như ngay từ khi "Scandal - Hào quang trở lại" bước vào khâu chọn diễn viên, bộ phận truyền thông của phim đã liên tục "dội bom" thông tin, hình ảnh, trailer vào hộp thư của các phóng viên viết điện ảnh ở các cơ quan báo chí, truyền hình.

Ngay trước ngày "Scandal - Hào quang trở lại" ra rạp, lễ ra mắt phim được tổ chức ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự có mặt của đạo diễn và đoàn làm phim. Phim triệu đô "Sống cùng lịch sử" thì sao? Ngày ra rạp của phim dường như là một bí mật, vì người ta khó có thể tìm thấy thông tin về nó nếu như không tới tận các điểm chiếu phim. Ngay cả trailer giới thiệu phim cũng không dễ tìm thấy khi gõ google.

Lý giải về chuyện này trên báo chí, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đồng thời là Phó giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, đơn vị sản xuất "Sống cùng lịch sử" cho rằng: “Kinh phí làm phim nhà nước, dù nhiều hay ít, thì mọi thứ từ nhuận bút đến tiền mua phim nhựa, tiền làm banner quảng cáo đều theo barem bất di bất dịch của Bộ Tài chính, mà nếu tôi nhớ không nhầm thì được ban hành từ những năm 1991-1992.Tùy điều kiện thực tế của quá trình làm phim mà kinh phí có thể tăng cao, như bộ phim "Sống cùng lịch sử" mà tôi vừa làm, con số đã lên gần 21 tỷ đồng.

Số tiền 50 triệu đồng tất nhiên là quá ít để thực hiện một chiến dịch truyền thông bài bản cho phim, nhưng sự phát triển của công nghệ số và mạng xã hội ngày nay cho phép người ta thực hiện những hoạt động truyền thông mà không cần đến quá nhiều tiền, chẳng hạn truyền thông qua mạng xã hội facebook.

Trả lời phỏng vấn về lý do phim không bán được vé, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng: "Khán giả quá thờ ơ với ngay cả lịch sử chứ đừng nói đến phim lịch sử".

 


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tại phim trường "Sống cùng lịch sử"

Tuy nhiên, tôi (phóng viên) không nghĩ rằng, lý do chính khiến bộ phim không có doanh thu nằm ở khán giả. Hãy nhìn sang điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc khi họ làm phim về lịch sử đất nước họ xem. Những bộ phim ấy đã góp phần làm cho khán giả của họ hiểu, ngấm và tự hào về lịch sử đất nước, yêu đất nước của mình thêm biết bao nhiêu. 

 

"Sống cùng lịch sử" được coi là một đề án trọng điểm của Bộ VHTTDL để tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng. Và ngay cả khi đó không phải là nhiệm vụ được giao, thì việc tuyên truyền về lịch sử cũng là sứ mệnh của nhiều ngành nghề, trong đó vai trò của văn nghệ sỹ luôn được đặt ở vị trí cao, bởi so với những hoạt động tuyên truyền khác, thì tuyên truyền bằng văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng có lợi thế rất nhiều bởi nếu hay, nó rất dễ đi vào lòng người.

CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa